Chuyến công tác quan trọng của Thủ tướng với 3 quan hệ đối tác chiến lược

03/03/2024 14:38
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhận lời mời của Thủ tướng Australia Anthony Albanese và Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao Đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Australia, thăm chính thức Australia và thăm chính thức New Zealand từ ngày 05-11/3/2024.

Chuyến công tác quan trọng của Thủ tướng với 3 quan hệ đối tác chiến lược- Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì lễ đón trọng thể Thủ tướng Australia Anthony Albanese thăm chính thức Việt Nam từ ngày 3-4/6/2023 - Ảnh: VGP

Đây là chuyến công tác khá đặc biệt khi quan hệ ASEAN-Australia, quan hệ Việt Nam – Australia và quan hệ Việt Nam - New Zealand đều ở mức đối tác chiến lược.

Chuyến công tác diễn ra trong dịp đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ đối tác đối thoại ASEAN – Australia; là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến Australia và New Zealand trên cương vị mới, là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đến hai nước sau hơn 7 năm.

Hội nghị Cấp cao Đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Australia được tổ chức tại Melbourne, Australia từ ngày 5-6/3/2024 với sự tham dự của Lãnh đạo các nước ASEAN, Australia và Tổng Thư ký ASEAN. Thủ tướng Timor Leste được mời tham dự hội nghị lần này với tư cách quan sát viên.

Hội nghị có chủ đề "Đối tác cho tương lai", được tổ chức trong bối cảnh quan hệ hợp tác giữa ASEAN và Australia diễn ra năng động trên nhiều lĩnh vực. Đây là dịp để hai bên rà soát quan hệ 50 năm qua và trao đổi các biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ phát triển thực chất, hiệu quả, phù hợp khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện đã thiết lập vào năm 2021. Trong khuôn khổ Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham dự các phiên họp chính và có một số hoạt động đối ngoại quan trọng khác.

Australia là một trong những đối tác đầu tiên lập quan hệ đối thoại với ASEAN năm 1974; hai bên nâng quan hệ lên Đối tác chiến lược năm 2014 và Đối tác chiến lược toàn diện (CSP) năm 2021. Australia tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác tại khu vực Đông Nam Á (TAC) năm 2005.

Theo Đại sứ Việt Nam tại Australia Phạm Hùng Tâm, là thành viên tích cực, chủ động trong ASEAN, đồng thời là một trong những đối tác quan trọng của Australia ở khu vực, Việt Nam sẽ tiếp tục thể hiện vai trò nòng cốt trong thúc đẩy quan hệ ASEAN-Australia.

Việt Nam và Australia thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 2/1973, sau đó nâng cấp thành quan hệ Đối tác Chiến lược vào tháng 3/2018. Tháng 6/2023, Thủ tướng Albanese đã thăm chính thức Việt Nam lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức tháng 5/2022.

Kim ngạch thương mại song phương năm 2023 đạt 13,8 tỷ USD. Australia là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam và Việt Nam là đối tác lớn thứ 10 của Australia. Australia đã mở cửa cho quả vải, xoài, thanh long, nhãn, tôm đông lạnh của Việt Nam.

Tính đến hết tháng 12/2023, Australia có 621 dự án đầu tư với tổng vốn hơn 2 tỷ USD tập trung ở các lĩnh vực chế biến, chế tạo, dịch vụ lưu trú, y tế, trợ giúp xã hội và nông, lâm, thủy sản. Việt Nam có 92 dự án đầu tư sang Australia với tổng vốn đầu tư là 552,7 triệu USD, chủ yếu trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, bán buôn bán lẻ, chế biến chế tạo.

Australia là một trong những đối tác song phương cung cấp ODA không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam. Trong 50 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, Australia đã hỗ trợ ODA cho Việt Nam tổng cộng 3 tỷ AUD.

Cộng đồng người Việt tại Australia có khoảng 350.000 người, đứng thứ 5 trong số các cộng đồng sắc tộc gốc nước ngoài tại Australia. Hiện có khoảng 31.000 sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam đang học tập tại Australia (90% theo diện tự túc).

Những văn kiện, thỏa thuận quan trọng hai bên đạt được trong chuyến thăm này sẽ đưa quan hệ Việt Nam - Australia lên tầm cao mới, giúp hiện thực hóa ý định nâng cấp quan hệ song phương lên tầm Đối tác Chiến lược Toàn diện đã được lãnh đạo hai nước công bố trước đây.

Chuyến công tác quan trọng của Thủ tướng với 3 quan hệ đối tác chiến lược- Ảnh 2.

Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 14 của New Zealand. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng đều, năm 2023 đạt 1,3 tỷ USD.

Việt Nam và New Zealand lập quan hệ ngoại giao năm 1975, thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện năm 2009 và nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược năm 2020.

Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 14 của New Zealand. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng đều, năm 2023 đạt 1,3 tỷ USD. Tính đến tháng 11/2023, New Zealand có 52 dự án đầu tư với tổng số vốn 208,35 triệu USD tại Việt Nam, tập trung nhiều nhất tại lĩnh vực kinh doanh bất động sản, giáo dục và đào tạo, công nghiệp chế biến chế tạo, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ; xây dựng.

New Zealand dành cho Việt Nam nguồn ODA ổn định và tăng dần. New Zealand cam kết dành cho Việt Nam 26,7 triệu NZD ODA không hoàn lại cho giai đoạn 1/7/2021-30/7/2024 tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, giáo dục, ứng phó đại dịch COVID-19.

Cộng đồng người Việt Nam tại New Zealand có khoảng 11.000 người. Hội Sinh viên Việt Nam toàn New Zealand được thành lập vào tháng 3/2022, là Hội sinh viên đầu tiên có quy mô toàn quốc và là thành viên của Tổng hội Sinh viên Việt Nam.

Chuyến công tác lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính có ý nghĩa quan trọng khẳng định trách nhiệm của Việt Nam trước các vấn đề quốc tế, phát huy vị thế, vai trò Việt Nam trong ASEAN, trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện ASEAN- Australia; đồng thời có ý nghĩa quant trọng đối với việc củng cố, tăng cường quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Australia, quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – New Zealand.

Chuyến công tác tiếp tục góp phần triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XIII, trường phái, bản sắc "ngoại giao cây tre"; Kết luận 59-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng tham gia ASEAN đến năm 2030 và Chỉ thị 25-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyến công tác quan trọng của Thủ tướng với 3 quan hệ đối tác chiến lược