Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam vừa tiếp nhận hồ sơ thông tin sai phạm có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến các gói thầu cung cấp thiết bị dạy học tại Sở GD&ĐT và Công ty CP Tiến bộ Quốc tế (AIC)
Sáng 3/4, Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường (Cảnh sát kinh tế) Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận hồ sơ có dấu hiệu vi phạm pháp luật tại Sở GD&ĐT và Công ty CP Tiến bộ Quốc tế (AIC) từ Thanh tra tỉnh chuyển sang để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó ngày 2/4, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh quý 1/2024. Tại họp báo, Thanh tra tỉnh Quảng Nam cho biết, đơn vị này đã công bố kết luận thanh tra đối với 4 gói thầu thiết bị dạy ngoại ngữ, 3 gói thầu đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải y tế do Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC) thực hiện.
Giai đoạn 2011-2017, tại Quảng Nam có 7 gói thầu do AIC trực tiếp thực hiện với tổng giá trị 64 tỷ đồng. Trong đó, có 4 gói thầu cung cấp trang thiết bị dạy học ngoại ngữ do Sở GD&ĐT làm chủ đầu tư.
Cụ thể 4 gói thầu này gồm: Gói thầu số 1 có giá trị gần 4 tỷ đồng, giá trị trúng thầu là 3,99 tỷ đồng, đơn vị trúng thầu là AIC, hình thức lựa chọn nhà thầu là chào hàng cạnh tranh. Gói thầu số 2 có giá trị gần 16,6 tỷ đồng, giá trị trúng thầu là 16,568 tỷ đồng, đơn vị trúng thầu là AIC, hình thức lựa chọn nhà thầu là đấu thầu rộng rãi. Gói thầu số 3 có giá trị gần 3,3 tỷ đồng, giá trị trúng thầu 3,263 tỷ đồng, đơn vị trúng thầu là AIC, hình thức lựa chọn nhà thầu là mua sắm trực tiếp. Và gói thầu số 4 có giá trị hơn 13,8 tỷ đồng, giá trị trúng thầu hơn 13,8 tỷ đồng, đơn vị trúng thầu là AIC, hình thức lựa chọn nhà thầu là đấu thầu rộng rãi.
Được biết, đối với 4 gói thầu mua sắm trang thiết bị dạy học ngoại ngữ do Sở GD&ĐT làm chủ đầu tư, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Kế hoạch số 3947/KH-UBND ngày 19/10/2012 về thực hiện Quyết định 1400/QĐ-TTg ngày 30/9/2008 về việc phê duyệt Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” trong các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Tổng kinh phí thực hiện đề án từ 2012-2020 hơn 342,5 tỷ đồng, từ các nguồn: Chương trình mục tiêu quốc gia hơn 274 tỷ đồng, nguồn vốn sự nghiệp hơn 34,2 tỷ đồng, nguồn khác hơn 34,2 tỷ đồng. Sở GD&ÐT mua sắm 4 gói thầu trang thiết bị dạy ngoại ngữ cho các trường phổ thông với tổng mức đầu tư gần 37,7 tỷ đồng, thực hiện hơn 37,6 tỷ đồng.
Theo kết luận, với 4 gói thầu về mua sắm trang thiết bị dạy ngoại ngữ cho các trường phổ thông phục vụ năm học 2016–2017, Sở GD&ĐT đã lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu chưa đảm bảo theo Luật Đấu thầu, cụ thể không có quyết định mua sắm được phê duyệt.
Qua xác minh, Thanh tra tỉnh Quảng Nam xác định các trang thiết bị dạy ngoại ngữ Sở GD&ÐT đã mua của đơn vị trúng thầu là AIC tại 4 gói thầu và bàn giao cho các trường học trên địa bàn toàn tỉnh có tổng số tiền sai phạm không có xuất xứ, không đúng xuất xứ, không có nguồn gốc là hơn 4,85 tỷ đồng.
Cụ thể, trang thiết bị dạy học ngoại ngữ Sở GD&ÐT mua của AIC xuất xứ là Singapore nhưng thực tế thiết bị bàn giao tại các trường là không có xuất xứ với số tiền hơn 1,4 tỷ đồng; trang thiết bị dạy học ngoại ngữ Sở GD&ĐT mua của AIC là Singapore nhưng thực tế thiết bị bàn giao tại các trường là của Trung Quốc với số tiền hơn 720 triệu đồng; trang thiết bị dạy học ngoại ngữ Sở GD&ÐT mua của AIC xuất xứ là Đài Loan nhưng thực tế thiết bị bàn giao tại các trường là không có xuất xứ với số tiền gần 2,7 tỷ đồng.
Thanh tra tỉnh Quảng Nam còn xác định công tác giao nhận không chặt chẽ, buông lỏng quản lý; trang thiết bị dạy và học ngoại ngữ đã mua sắm không thực sự phát huy hiệu quả như đề án đề ra, gây lãng phí lớn ngân sách Nhà nước. Khi bàn giao cho đơn vị thụ hưởng tại một số trường không có biên bản nghiệm thu, bàn giao; khi nghiệm thu, bàn giao không có chủ đầu tư; có nơi sau khi nghiệm thu, bàn giao vài ngày là không sử dụng được, nơi sử dụng lâu nhất là 2 năm và mục đích sử dụng cũng không phải vào việc dạy và học ngoại ngữ như mục tiêu của đề án.
Trách nhiệm sai phạm trong công tác nghiệm thu, bàn giao số lượng, chất lượng, xuất xứ trang thiết bị dạy và học ngoại ngữ thuộc về Giám đốc Sở GD&ĐT (ông Hà Thanh Quốc, nguyên Giám đốc Sở) và Tổ nghiệm thu. Hiện nay đề án nâng cao năng lực dạy và học ngoại ngữ giai đoạn 2008-2020 đã kết thúc, các bên đã thực hiện thanh lý hợp đồng nên việc khắc phục, bồi thường hợp đồng là không thể thực hiện được.
Do vậy, ngoài việc đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam xử lý hành chính các tập thể, cá nhân liên quan, Thanh tra tỉnh đề nghị thu hồi nộp vào ngân sách Nhà nước số tiền sai phạm liên quan đến việc thực hiện các gói thầu dạy và học ngoại ngữ do AIC nhận thầu tại Sở GD&ĐT là hơn 4,85 tỷ đồng. Trong đó, ông Hà Thanh Quốc, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT và Tổ nghiệm thu bàn giao trang thiết bị dạy và học ngoại ngữ của 4 gói thầu do AIC trúng thầu và cung cấp nộp số tiền sai phạm về gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước với số tiền hơn 4,85 tỷ đồng do vi phạm về mua sắm trang thiết bị dạy và học ngoại ngữ không đúng xuất xứ, không có xuất xứ theo kết quả trúng thầu, hợp đồng ký kết, biên bản nghiệm thu và bàn giao.