Là người giữ chức vụ cao nhất của Đảng, Nhà nước, nhưng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vô cùng giản dị và khiêm nhường. Ông luôn dành những từ ngữ trân trọng, trìu mến và ấm áp khi kể về thầy cô và bạn bè. Giờ đây, khi trái tim ấy đã ngừng đập, thầy giáo, bạn học năm xưa cũng đến để tiễn đưa ông đi nốt đoạn đường cuối cùng.
Đoàn viếng đặc biệt trong ngày Quốc tang
Sáng 25/7, ghi nhận của PV báo Công lý tại TP Hà Nội, rất đông người dân từ mọi miền Tổ quốc đã đến các điểm quét căn cước công dân để đăng ký viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong vô vàn những con người ấy, có một đoàn viếng “đặc biệt” tới tiễn đưa đồng chí Tổng Bí thư, đó là đoàn viếng của tập thể lớp Ngữ văn khoá 8, khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, là những người thầy, người bạn từ thủa thiếu thời với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Dẫn đầu đoàn viếng là thầy Nguyễn Ngọc Sơn - nguyên giảng viên của lớp Ngữ văn khoá 8, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Thầy Sơn cho biết, mặc dù đồng chí Nguyễn Phú Trọng là người giữ chức vụ cao nhất của Đảng, Nhà nước, nhưng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vô cùng giản dị và khiêm nhường. Ông luôn dành những từ ngữ trân trọng, trìu mến và ấm áp khi kể về thầy cô và bạn bè. Giờ đây, khi trái tim ấy đã ngừng đập thì người người tiếc thương, nhà nhà đau xót. Những thầy giáo, bạn học năm xưa cũng đến để tiễn đưa người học trò, người bạn học đi nốt đoạn đường cuối cùng.
Chính vì những điều giản dị ấy mà Tổng Bí thư vẫn luôn là một cậu học trò dễ mến đối với các thầy, cô Khoa Ngữ Văn khóa 8, là một người bạn chí cốt với những đồng môn năm nào. Ngày hôm nay, tóc ai cũng đã đổi màu, nhưng tình cảm ngày xưa vẫn vẹn nguyên trong lồng ngực. Trái tim ấm nồng đã ngừng đập, “đau lắm, thương lắm” đối với những người bạn, người thầy năm xưa của Tổng Bí thư. Tất cả những ai còn lại đã cố gắng để đến và tiễn đưa người con ưu tú của đất nước.
Ấn tượng sâu đậm của thầy giáo với đồng chí Nguyễn Phú Trọng
Chia sẻ trong xúc động, thầy Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, từ ngày nghe tin Tổng Bí thư mất, thầy không ngày nào ngủ được. “Không có gì để phải nói quá nhiều về Nguyễn Phú Trọng. Mà đơn giản, với tôi đó là một người học trò xuất sắc. Một người lãnh đạo vì nước vì dân. Nhưng khi gặp lại bạn bè, thầy cô thì lại chân tình, hồn nhiên”, thầy Sơn nói.
Theo lời kể của thầy Sơn, năm 2018, lớp Ngữ văn khoá 8 họp mặt tại trụ sở Đài Tiếng nói Việt Nam. Khi đứng lên phát biểu trước các thầy, cô và các bạn học cũ, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã nói những lời tâm tình: “Nhiều thập kỉ đã qua nhưng tình bạn, tình đồng đội, tình đồng chí và tình thầy trò vẫn đầm ấm, trong sáng. Đây là điều quý nhất, mỗi chúng ta đã và sẽ mang theo suốt đời”.
“Lúc đó, tôi nói với anh Trọng: “Nhân anh nói đến chữ Tình, tôi tặng anh câu thơ chữ Hán-Việt tôi mới sưu tầm được:
Thế gian vạn sự giai bào ảnh,
Thiên kiếp duy dư nhất điểm tình!
Giải nghĩa câu thơ ấy là: Trên đời này mọi (sự) việc đều là bèo bọt, ảo ảnh. Nghìn kiếp qua đi, chỉ có một thứ còn lại, đó là cái tình, tình đời, tình người.
Anh Trọng bình luận: “Câu thơ hay quá thầy ạ, rất trùng hợp với suy nghĩ và phong cách sống của em”. Thế mà bây giờ, anh Trọng đã đi xa, lòng tôi rưng rưng đầy niềm tiếc thương. Kính tiễn Anh, một nhân cách lớn - Đồng chí Tổng Bí thư - Người luôn khắc sâu đạo nghĩa thầy trò”, thầy Sơn xúc động chia sẻ với PV Báo Công lý.
Một kỷ niệm khác về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được thầy Sơn kể lại là năm 2022, khi họp mặt lớp Ngữ Văn khóa 8, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, đồng chí Trọng về bắt tay từng người một. Với những người hơn tuổi, đồng chí vẫn kính trọng lễ phép. Với bạn bè cùng trang lứa, đồng chí vẫn giữ cách xưng hô “mày, tao” đầy giản dị, thân thương.
“Giai đoạn anh Trọng làm Bí thư Thành uỷ Hà Nội, có lần tôi gặp anh ở nhà anh Nguyễn Mạnh Hùng (đồng môn cùng khóa 8) khi anh mang quà chúc mừng đám cưới con gái anh Hùng. Gặp tôi, anh Trọng cười và nói: “Em đến nhà bạn Hùng mừng hạnh phúc hai cháu vì hôm tới em bận việc không đi dự lễ cưới được”. Tôi thực sự cảm kích trước sự chân tình và giản dị của vị lãnh đạo cấp cao Thành ủy”, thầy Sơn nhớ lại.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng trong mắt bạn đồng môn
Cũng trong đoàn viếng “đặc biệt” này, ông Nguyễn Ngọc Đảng - người bạn đồng môn với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ, bản thân ông rất xót thương khi người bạn của mình đã vất vả, cống hiến và làm việc đến cả những giây phút cuối cùng.
“Trái tim ấy luôn đập cùng nhịp đập của Nhân dân, luôn nghĩ và hy sinh vì Nhân dân. Nhưng điều trân quý là dù ở bất cứ cương vị nào, anh ấy vẫn luôn nghĩ và nhớ về tất cả thầy cô, bạn bè năm xưa. Những buổi họp lớp, những cái bắt tay thân tình. Đó là điều rất ý nghĩa. Khi chúng tôi trở lại khu Trảng Sơn sơ tán cũ (năm 1966 - 1967), anh vẫn đi bộ từ nhà ra mấy cây số, lên xe khách đi cùng các thầy cô, bạn bè. Gặp lại từng người, anh vẫn nhớ từng đặc điểm, từng tên gọi bí danh. Một người vô cùng sâu sắc”, ông Đảng xúc động nhớ lại.
Nhà giáo ưu tú Trần Ngọc Thảo - một trong những người bạn đồng môn tham gia đoàn viếng cho hay, nghe tin bạn đồng môn mất, trong lòng mọi người đau như cắt. 4h sáng 25/7, thầy Thảo từ Hải Phòng vượt hàng trăm cây số đến Nhà tang lễ Quốc gia để tiễn đưa đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần cuối.
“Anh mất đi, đồng môn chúng tôi mất một người bạn lớn. Nhân dân đau xót, quốc tế nghiêng mình. Ngày hôm nay, chúng tôi đến đây thắp nén hương để tiễn đưa anh về nơi an nghỉ. Và cũng xin gửi lại lời nhắn :”Anh hãy yên tâm, Đảng, Nhà nước, Nhân dân sẽ luôn tiếp bước theo con đường anh đã đi. Đất nước Việt Nam sẽ ngày càng hùng cường”, thầy giáo Thảo chia sẻ với PV Báo Công lý.