Tối 13/2, (tức Mùng 4 Tết Giáp Thìn 2024), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Định tổ chức chương trình nghệ thuật chào mừng 235 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 - 2024).
Tham dự chương trình có các đồng chí: Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Kim Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định.
Lãnh đạo các sở, ban, ngành cùng hàng ngàn người dân về tham dự buổi lễ.
Cách đây 235 năm, vào ngày Mùng 5 tháng Giêng năm Kỷ Dậu 1789, nghĩa quân Tây Sơn dưới sự lãnh đạo của người anh hùng dân tộc Quang Trung (Nguyễn Huệ) đã đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược, làm nên Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa lịch sử. Đây là một trong những chiến công hiển hách nhất lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Đó là chiến thắng được tạo nên bằng sức mạnh quật khởi của nông dân kết hợp với truyền thống yêu nước và đoàn kết của dân tộc.
Nhiều năm qua, nhà nước cùng nhân dân đã đầu tư giữ gìn, phát huy và tôn vinh các di sản văn hóa, các giá trị lịch sử tốt đẹp mà triều đại Tây Sơn cũng như người anh hùng dân tộc Quang Trung để lại. Trong đó, di tích quốc gia đặc biệt Khu Đền thờ Tây Sơn Tam kiệt tại tỉnh Bình Định đã được quy hoạch xây dựng, tôn tạo xứng tầm.
Chương trình nghệ thuật chào mừng 235 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa có chủ đề “Hào khí Tây Sơn”, thời lượng 120 phút. Nội dung chương trình gồm 3 phần: Phần 1 - Tây Sơn tụ nghĩa; phần 2 - Ngọc Hồi - Đống Đa, bản hùng ca bất tử; phần 3 - Viết tiếp bản hùng ca. Xuyên suốt chương trình có nhiều phân cảnh tái hiện lịch sử nước ta vào thế kỷ XVIII…
Ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Bình Định cho biết: “Chương trình nghệ thuật đêm mùng 4 Tết Giáp Thìn 2024, chúng tôi phối hợp khá chặt chẽ với các đơn vị, các địa phương, ekip thực hiện chương trình nghệ thuật này. Đây là một chương trình nói về khởi nghĩa của nông dân Tây Sơn, đặc biệt là 3 anh em nhà Tây Sơn. Chương trình này chúng tôi chuẩn bị chu đáo, tương đối hoành tráng hơn các năm trước đây. Thông qua chương trình nghệ thuật đặc biệt này để cho du khách hiểu hơn về truyền thống, đặc biệt là đối với công lao to lớn của nhà Tây Sơn đối với việc dựng nước và giữ nước.”