Chánh án TAND huyện Phù Ninh (Phú Thọ) Vũ Bình Phương đã được giới thiệu ứng cử viên HĐND nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Báo Công lý xin trân trọng giới thiệu đến cử tri tỉnh Phú Thọ tiểu sử tóm tắt, chương trình hành động của ông Vũ Bình Phương, ứng cử viên đơn vị bầu cử số 02 tại đơn vị bầu cử số 2 gồm các xã: Trạm Thản, Tiên Phú và Trung Giáp.
Họ và tên: VŨ BÌNH PHƯƠNG - sinh ngày 01/12/1974
Quê quán: xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ
Chỗ ở hiện nay: Khu 2A, phường Nông Trang, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Trình độ chuyên môn: Thạc sỹ Luật học; Trình độ lý luận chính trị: Cao cấp
Ngày vào Đảng: 19/5/2000
Chức vụ hiện nay: Huyện ủy viên, Thẩm phán trung cấp, Chánh án TAND huyện Phù Ninh.
Nếu được cử tri tín nhiệm lựa chọn bầu tôi là Đại biểu HĐND huyện Phù Ninh nhiệm kỳ 2021 - 2026, tôi nguyện sẽ đem hết khả năng và trách nhiệm của mình để làm tròn nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân, góp phần nâng cao hiệu lực và hiệu quả trong hoạt động của HĐND, đáp ứng với lòng mong đợi của đông đảo cử tri. Bản thân tôi luôn gương mẫu chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các phong trào của địa phương.
Tích cực đấu tranh chống mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền, lãng phí, tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật khác, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Là đại biểu HĐND cần phải bám sát với đời sống thực tế của nhân dân, thường xuyên gần gũi, lắng nghe ý kiến của nhân dân và thực sự là cầu nối giữa nhân dân với Nhà nước, thông qua đó cần có tiếng nói, trách nhiệm, trung thực và kịp thời phản ánh những khó khăn, bức xúc của nhân dân đến cấp có thẩm quyền để giải quyết những nguyện vọng chính đáng của cử tri. Tham dự đầy đủ các kỳ họp của HĐND và chịu sự giám sát chặt chẽ của nhân dân.
Tích cực tham gia ý kiến với HĐND huyện trong việc cụ thể hoá các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng nói chung, của Đảng bộ huyện nói riêng thành các chủ trương, cơ chế, chính sách hợp lòng dân trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông; công tác xoá đói giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới; phát triển giáo dục, y tế; bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm;… đồng thời tăng cường công tác giám sát việc chấp hành, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước và các nghị quyết của Huyện ủy, HĐND huyện, tất cả vì mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong huyện.
Tôi sẽ tiếp tục học tập, rèn luyện giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống lành mạnh, hoà đồng gần gũi với nhân dân; không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ, năng lực, kỹ năng công tác, để thực hiện tốt nhiệm vụ của người đại biểu dân cử; đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, vận động gia đình và nhân dân chấp hành, thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của HĐND huyện đề ra, xứng đáng với niềm tin, kỳ vọng của các cử tri.
Với cương vị là một cán bộ lãnh đạo công tác trong ngành Tòa án, là đại biểu HĐND huyện, tôi sẽ kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện tham nhũng, lãng phí, quan liêu, lạm dụng quyền lực, nhũng nhiễu nhân dân và các biểu hiện mất dân chủ, trì trệ “Nói không đi đôi với làm”. Tôi phải có trách nhiệm cùng các cấp, các ngành xây dựng hệ thống TAND ngày càng vững mạnh; xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; luôn thực hiện tinh thần phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư; kiên quyết đấu tranh chống tội phạm, tận tâm bảo vệ lẽ phải, góp phần giữ vững an ninh trật tự, bảo vệ thôn xóm bình yên. Để làm tốt được điều này, tôi xác định cần tập trung vào một số công tác chính như sau:
Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Hiến pháp và các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội về công tác tư pháp và cải cách tư pháp; gắn việc thực hiện các nhiệm vụ công tác của Tòa án với việc thực hiện các yêu cầu của cải cách tư pháp.
Chủ động tổ chức triển khai thực hiện các Luật, Pháp lệnh được Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua có liên quan tới tổ chức và hoạt động của Tòa án, đặc biệt là Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và các Bộ luật dân sự, Bộ luật hình sự, luật tố tụng hành chính,… Đẩy mạnh và thực hiện tốt công tác tổng kết thực tiễn xét xử và đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật, trong đó đặc biệt chú trọng việc triển khai áp dụng án lệ.
Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án, nhất là các vụ án về tham nhũng, về ma túy, các vụ án trọng điểm được dư luận xã hội quan tâm; đảm bảo các phán quyết của Toà án phải đúng pháp luật, đảm bảo công lý, bảo vệ các quyền con người, quyền công dân, thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng trong xét xử. Tập trung làm tốt công tác hòa giải, công tác đối thoại trong giải quyết các vụ án dân sự, hành chính. Không để có các vụ án quá thời hạn xét xử do lỗi chủ quan; phấn đấu không để xảy ra việc xét xử oan hoặc bỏ lọt tội phạm.
Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, công chức, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức Tòa án trong sạch, vững mạnh; thường xuyên kiểm tra, thanh tra nội bộ, tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm, tiêu cực của cán bộ, công chức.
Thực hiện tốt công tác dân vận cho cán bộ, Thẩm phán; tăng cường công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Tòa án, nhằm góp phần thực hiện hiệu quả việc đổi mới thủ tục hành chính - tư pháp, đảm bảo công khai minh bạch các hoạt động của Tòa án, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi giải quyết công việc tại Tòa án.
Đẩy mạnh và triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua; tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, kết hợp với thực hiện cuộc vận động “Nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của đội ngũ Thẩm phán, cán bộ, công chức Toà án nhân dân các cấp” gắn với phong trào thi đua “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” với phương châm “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”.
Tăng cường sự giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, của các tổ chức xã hội và nhân dân đối với hoạt động xét xử của Tòa án. Hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, của các tổ chức xã hội và nhân dân đối với các cơ quan tư pháp, trong đó có hoạt động xét xử của Tòa án có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần xây dựng cơ quan Tòa án vững mạnh, nâng cao chất lượng xét xử, hạn chế đến mức thấp nhất các bản án oan sai, bỏ lọt tội phạm; tăng cường vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng trong việc tuyên truyền, cung cấp thông tin về hoạt động xét xử, các phiên tòa xét xử các vụ án trọng điểm, nhằm góp phần đẩy mạnh công tác phổ biến giáo dục pháp luật, làm chuyển biến nhận thức, từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, quản lý xã hội bằng pháp luật, phục vụ cho sự nghiệp đổi mới đất nước.