Chương trình ETEP: Xây dựng và số hóa các khóa học, tài liệu bồi dưỡng

Ngô Chuyên| 23/11/2021 17:04
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng nay, tại Hà Nội đã diễn ra tọa đàm: Bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.

1 giáo viên cốt cán hướng dẫn cho 28,7 giáo viên phổ thông

Phát biểu tại tọa đàm, ông Phạm Tuấn Anh – Phó cục trưởng Cục Nhà giáo – Bộ GDĐT cho biết: Hoạt động bồi dưỡng thường xuyên giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục nhằm mục đích bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành bắt buộc hàng năm đối với giáo viên, cán bộ quản lý.

ts-pham-tuan-anh-pho-cuc-truong-cuc-nha-giao-va-cbqlgd.jpg
Ông Phạm Tuấn Anh – Phó cục trưởng Cục Nhà giáo – Bộ GDĐT.

Nâng cao mức độ đáp ứng của giáo viên, cán bộ quản lý theo yêu cầu vị trí, việc làm đáp ứng yêu phát triển giáo dục phổ thông và yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp.

Đồng thời nhằm bồi dưỡng phát triển năng lực tự học, tự bồi dưỡng, tự đánh giá công tác bồi dưỡng thường xuyên của giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục các cấp.

Ông Tuấn Anh cho biết thêm: “Bồi dưỡng thường xuyên được nhấn mạnh vào 3 nội dung chính: Thứ nhất: cập nhật kiến thức, kỹ năng chuyên ngành, đường lối, chính sách phát triển giáo dục phổ thông, chương trình giáo dục phổ thông, nội dung các môn học, hoạt động giáo dục thuộc chương trình giáo dục phổi thông. Đối với chương trình này do Bộ giáo dục thực hiện.

Thứ 2: Cập nhật kiến thức, kỹ năng chuyên ngành thực hiện nhiệm vụ phát triển giáo dục phổ thông theo từng thời kỳ của mỗi địa phương. Chương trình này do các Sở GDĐT thực hiện.

Thứ 3: Phát triển năng lực nghề nghiệp theo yêu cầu vị trí làm việc, chuẩn nghề nghiệp (chọn các mô đun theo các thông tư Bộ GDĐT ban hành.

Cũng tại buổi tọa đàm này, TS. Nguyễn Thị Diệu Cúc – chuyên gia Dự án ETEP – giảng viên Học viện Quản lý giáo dục cho biết: “Để chương trình hiệu quả, Ban quản lý chương trình ETEP đã giao cho các trường ĐH SP chủ chốt tham gia chương trình ETEP tổ chức biên soạn các mô đun nhằm đảm bảo yêu cầu về mặt thực tiễn, khoa học và theo định hướng của Bộ GDĐT để phục vụ cho việc bồi dưỡng đội ngũ cốt cán và đại trà trên toàn quốc.

Những giảng viên giảng dạy cho giáo viên cốt cán được lựa chọn rất kỹ, trình độ từ thạc sĩ trở lên. Hiện bình quân cả nước 1 giáo viên cốt cán hướng dẫn cho 28,7 giáo viên phổ thông.

TS. Cúc cũng cho biết thêm, tính đến thời điểm 18/11/2021 cả nước có 56/63 Sở GDĐT triển khai cho giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông học tập, bồi dưỡng trên hệ thống LMS. 2 Sở GDĐT đã ký hợp đồng với nhà cung ứng.

Bên cạnh đó, hiện có 5 Sở GDĐT chưa triển khai bồi dưỡng thường xuyên trên Hệ thống LMS gồm (Hà Nội, Nam Định, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Bạc Liêu). 

Cũng tại buổi tọa đàm này, TS Đặng Văn Huấn - Phó giám đốc BQL chương trình ETEP cho biết: Trong chương trình ETEP, Ban dự án đã xây dựng và số hóa các khóa học, tài liệu bồi dưỡng kỹ năng để đăng tải trên LMS dành cho bồi dưỡng trực tuyến và trực tiếp. Đồng thời, giáo viên có cơ hội tiếp cận tài liệu mọi lúc, mọi nơi.

Mô hình bồi dưỡng giáo viên phổ thông, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông kiểu mới với: 7 ngày học trực tuyến đọc tài liệu học tập, tự học dưới sự hướng dẫn của giảng viên sư phạm, giảng viên quản lý giáo dục chủ chốt. Hoàn thành các nhiệm vụ học tập trên hệ thống LMS bằng các câu hỏi trắc nghiệm trước khi học trực tiếp.

2 ngày học trực tiếp hoặc trực tiếp qua lớp học ảo: học tập trung dưới sự hướng dẫn của giảng viên sư phạm, giảng viên quản lý giáo dục chủ chốt.

img_2066.jpg
Toàn cảnh buổi tọa đàm.

7 ngày hoàn thành các bài tập kết thúc khóa học dưới sự hỗ trợ của giảng viên sư phạm, giảng viên quản lý giáo dục chủ chốt. Hoàn thành kế hoạch hỗ trợ đồng nghiệp

Thay đổi hình thức bồi dưỡng tiếp cận

Năm 2021, do dịch bệnh diễn biến phức tạp ngoài các hội thảo - tập huấn sử dụng tài liệu  bồi dưỡng trực tiếp Ban quản lý chương trình ETEP  đã phối hợp với các Vụ giáo dục tiểu học, giáo dục Trung học, Ngân hàng Thế giới và 8 trường ĐH SP triển khai bồi dưỡng trực tiếp qua lớp học ảo để chia sẻ và đúc rút kinh nghiệm cả về nội dung lẫn phương thức tổ chức dạy trực tuyến trước khi triển khai bồi đưỡng cốt cán trên diện rộng.

"Theo đó, có khoảng 500 lượt giảng viên sư phạm chủ chốt, giảng viên quản lý giáo dục chủ chốt tham dự. Đội ngũ này thuộc 7 trường ĐHSP (ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm Hà Nội II, ĐH Sư phạm Thái Nguyên, ĐH Vinh, ĐH Sư phạm Huế, ĐH Sư phạm Đà Nẵng, ĐH Sư phạm TP. HCM) và Học viện Quản lý giáo dục", TS. Cúc cho biết.

Theo TS Cúc đánh giá, mô hình trực tiếp, kết hợp trực tuyến đội ngũ cốt cán này sẽ hỗ trợ đồng nghiệp là giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông tự bồi dưỡng trên Hệ thống trực tuyến LMS tại nhà trường, tại địa phương.

Đánh giá về quá trình được học lớp bồi dưỡng giáo viên phổ thông, cô giáo Nguyễn Thị Phương Thảo – giáo viên cốt cát ở THCS Hương Cần (huyện Thanh Sơn – tỉnh Phú Thọ) cho hay: “Khi được sở giáo dục lựa chọn là giáo viên cốt cán bằng hai hình thức trực tuyến và trực tiếp bản thân tôi ý thức được việc tự học, tự nghiên cứu để làm sao đáp ứng được nhiệm vụ dạy học.

Đồng thời, tại lớp học này, mỗi học viên như chúng tôi được hỗ trợ của các giảng viên, các đồng nghiệp trong ngành về những khó khăn, vướng mắc của mình trong quá trình công tác”.

Cô Thảo cũng cho biết thêm, ngoài học trực tuyến chúng tôi còn được học trực tiếp tại giảng đường ĐH Sư phạm II chúng tôi được cũng cố thêm kiến thức. Đồng thời những vấn đề học trực tuyến chưa rõ hay còn băn khăn có thể trao đổi với các chuyên gia, giảng viên tại buổi học trực tiếp..

Không chỉ vậy, các nhóm được thành lập để trao đổi qua zalo cũng là một cách hay để duy trì các buổi học.

Còn với cô Dương Thị Hồng Minh – Trường Tiểu học và THCS Văn Minh (huyện Na Rì - tỉnh Bắc Cạn): Lớp bồi dưỡng này giúp tôi lĩnh hội kiến thức thông qua các lớp tập huấn. Có nhiều nội dung mới mẻ, lần đầu tiên thầy cô được tiếp cận không chỉ áp dụng vào chương trình giáo dục phổ thông mới mà còn ccó thể áp dụng vào chương trình lớp 7 và lớp 9 cũ.

Tài liệu không chỉ được cung cấp bản cứng mà tài liệu được ban tổ chức cung cấp bản mềm nên rất thuận tiện cho giáo viên nghiên cứu.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chương trình ETEP: Xây dựng và số hóa các khóa học, tài liệu bồi dưỡng