Đời sống

“Chuồng cọp” bịt lối thoát hiểm

Duy Uyên 14/05/2023 - 07:46

Tại các khu tập thể, chung cư cũ, các nhà ống, người dân thường gia cố thêm ban công bằng lồng sắt kiên cố nhằm mục đích chống trộm cắp. Tuy nhiên chính những “chuồng cọp” này lại là nơi cản trở thoát hiểm khi có sự cố cháy nổ xảy ra.

Phòng trộm quên phòng cháy

Sáng 13/5, một vụ hỏa hoạn xảy ra tại phường Quang Trung (Hà Đông, Hà Nội) để lại hậu quả đau lòng khi 4 bà cháu trong gia đình tử vong và 1 người bị thương khi hỗ trợ dập tắt đám cháy.

chay-ha-dong.jpg
Ngôi nhà 4 tầng xảy ra hỏa hoạn ở Hà Đông khiến 4 người tử vong

Thông tin từ phía cơ quan chức năng, khu cháy xảy ra trên diện tích đất khoảng 50m2, trong đó phần cháy nằm trong ngôi nhà dạng ống, diện tích xây dựng khoảng 40m2, cao 3 tầng, 1 tum, diện tích sân trước khoảng 5m2 (lợp mái tôn), kết cấu chính bê tông cốt thép, tường xây gạch.

Tuy nhiên, điều đáng nói là toàn bộ mặt trước và các mặt tiếp giáp 2 bên với nhà hàng xóm bên cạnh đều bị chủ hộ rào chắn bằng hệ thống “chuồng cọp” – sắt thép kiên cố, không có một lối có thể thoát hiểm sang nhà bên.

Trước đó, rạng sáng 21/4/2022, xảy ra vụ cháy tại nhà dân ở khu tập thể B9 Kim Liên, phố Phạm Ngọc Thạch (Đống Đa, Hà Nội) khiến 5 người tử vong và 2 người bị thương.

Hay như vụ cháy xảy ra vào ngày 4/4/2021, tại căn nhà ống tại số 311 phố Tôn Đức Thắng (phường Hàng Bột, quận Đống Đa, Hà Nội) khiến 4 người tử vong hoặc vụ cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng ngày 30/3/2021 tại phường Cát Lát (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí  Minh) khiến 6 người thiệt mạng… Những vụ hỏa hoạn này đặc điểm chung là lối thoát hiểm duy nhất của căn nhà đã bị chặn bởi “chuồng cọp” kiên cố hoặc các vật dụng chắc chắn khác như xe máy, đồ đạc,…

Với tâm lý rào cho chắc, buộc cho chặt nhằm chống trộm cắp, đảm bảo an ninh, người dân đã vô tình đánh mất đi lối thoát nạn của gia đình nếu sự cố cháy nổ xảy ra. Đây là thực trạng đáng lo ngại, mặc dù được lực lượng chức năng cảnh báo rất nhiều nhưng người dân vẫn chủ quan, ý thức chấp hành chưa cao.

Nâng cao ý thức, chủ động mở lối thoát hiểm

Thượng tá Đỗ Anh Quyến, Phó Trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm (TP. Hà Nội), người có nhiều kinh nghiệm trong chỉ huy và trực tiếp tham gia nhiều vụ chữa cháy cho biết: “Hàn kín không gian thoáng của ngôi nhà hoặc gia cố thêm các chuồng cọp với mục đích bảo đảm an ninh, tăng diện tích ở các căn nhà cũ sau nhiều lần cải tạo, cơi nới, các căn hộ khu tập thể và thậm chí là những ngôi nhà cao tầng vừa xây mới, dù có phần hiệu quả trong phòng, chống trộm nhưng lại gây ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn công trình, đặc biệt gây mất an toàn trong phòng cháy, chữa cháy. Phần vật liệu các gia đình sử dụng thường bằng sắt thép, bê tông kiên cố, gây cản trở tiếp cận hiện trường khi hỏa hoạn xảy ra để dập lửa và giải cứu nạn nhân”.

Cũng theo Thượng tá Đỗ Anh Quyến, việc "phòng trộm mà quên phòng cháy” bằng cách gia cố thêm chuồng cọp diễn ra phổ biến. Những nhà dạng ống gần như chỉ có cầu thang trong nhà là lối thoát hiểm duy nhất. Tuy nhiên, khi có cháy, lối thoát này đã bị khói, lửa chặn. Vì thế, phương thức tối ưu nhất của lực lượng phòng cháy, chữa cháy là phải cắt dỡ những lồng sắt để mở đường cứu nạn. Vậy nhưng khi xảy ra cháy, thời gian cắt các lồng sắt khá lâu dẫn tới không kịp cứu người. Do đó, những “chuồng cọp” càng được gia công kiên cố thì nguy cơ thiệt hại về người và tài sản càng lớn bởi đường thoát nạn đã bị bịt kín.

chuongcop.jpg
"Chuồng cọp" được người dân gia cố để chống trộm nhưng vô tình lại bịt lối thoát hiểm của chính mình

Liên quan đến vấn đề này, các chuyên gia về PCCC khuyến cáo, người dân tuyệt đối không được bịt kín hoàn toàn ngôi nhà của mình mà nên chủ động mở lối thoát hiểm ở ban công hoặc khu vực tầng thượng.

Trong trường hợp lắp “chuồng cọp” thì gia chủ phải thiết kế ô cửa có khóa và để chìa khóa ở nơi dễ lấy. Khóa này cũng phải được mở thường xuyên, phòng trường hợp khi xảy ra sự cố, do mất bình tĩnh nên không tìm thấy chìa khóa hoặc khóa bị gỉ sét, khó mở.

Khi xảy ra hỏa hoạn, người trong nhà có thể thông qua các ô cửa này thoát ra ngoài bằng dây thừng. Nếu trong nhà không có dây thừng, người dân có thể dùng rèm, màn, quần áo nối với nhau để trèo xuống qua ô cửa.

Với những nhà xây mới, người dân nên bố trí lối thoát nạn đủ kích thước. Các nhà dân liền kề nên cùng nhau xây dựng phương án để tạo ra lối thoát hiểm ở ban công, từ nhà này sang nhà khác, khi xảy ra cháy có thể trợ giúp.

Người dân không được chủ quan và cần có ý thức tự trang bị các kỹ năng bảo đảm an toàn phòng chống cháy, nổ; tạo lối thoát hiểm cho căn nhà, không vì phòng trộm mà tự bịt đường sống của chính mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Chuồng cọp” bịt lối thoát hiểm