Chiều 20/4, Công ty cổ phần BOT Trung Lương-Mỹ Thuận tổ chức hội nghị “Tháo gỡ và thúc đẩy dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận”. Đây là một trong những hoạt động để thực hiện thông báo kết luận của thường trực Chính phủ về dự án này.
Đến dự hội nghị có ông Phan Văn Mãi – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy Bến Tre, ông Hồ Nghĩa Dũng – Nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, ông Đoàn Minh Huấn – Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, ông Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch Hội Nhà báo VN cùng lãnh đạo các tỉnh, thành phố ĐBSCL.
Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được thực hiện theo hình thức BOT, có tổng chiều dài 51,1km với điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (nối tiếp cao tốc TPHCM-Trung Lương) và điểm cuối giao với Quốc lộ 30 tại nút giao An Thái Trung (huyện Cái Bè, Tiền Giang ). Đây là một trong những tuyến đường huyết mạch, giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong kết nối vùng Tây Nam Bộ với TP. HCM và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.
Các bên ký kết các thoả thuận tại hội nghị
Cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận được làm mới hoàn toàn, chạy song song tuyến đường Quốc lộ 1A hiện hữu. Dự án được khởi công lần đầu tiên từ tháng 11/2009, đến nay sau gần 10 năm mới chỉ thực hiện xong 15% khối lượng ông việc sau nhiều lần gặp bế tắc phải dừng và tái khởi động. Ngày 31/8/2018, Bộ GTVT đã có văn bản chấp thuận giãn thời điểm hoàn thành dự án đến hết 31/12/2020.
Tuy nhiên, sau khi tái khởi động lần 2 vào ngày 7/02/2015, Dự án lại gặp những khó khăn, vướng mắc mới và được đánh giá là không có cơ sở đảm bảo đúng tiến độ như yêu cầu của Chính phủ. Khó khăn lớn nhất là nguồn vốn để thực hiện dự án, lãi suất giữa vốn vay của hợp đồng dự án và lãi suất vay ngân hàng có sự chênh lệch lớn, dẫn đến không giải ngân được vốn vay tín dụng.
Bên cạnh đó, do những thay đổi của Luật Quản lý tài sản công nên nguồn doanh thu thu phí tại trạm TP HCM - Trung Lương để hỗ trợ tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận theo phương án tài chính ban đầu không thực hiện được. Một yếu tố khác cản trở việc thực hiện dự án là 1 trong 6 thành viên liên danh nhà thầu là Công ty TNHH Yên Khánh liên quan đến nhiều vụ án hình sự đang bị điều tra…
Để có thể thực hiện tiếp dự án chiến lược này, Công ty Cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận đã đề xuất Bộ GTVT chấp thuận mời Tập đoàn Đèo Cả vào tham gia quản trị, điều hành dự án. Tập đoàn Đèo Cả là một tập đoàn lớn, có nhiều kinh nghiệm thực hiện các dự án hạ tầng giao thông và đặc biệt là giải cứu dự án Bắc Giang – Lạng Sơn. Được sự chấp thuận của Bộ GTVT, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch tập đoàn Đèo Cả chính thức được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần BOT Trung Lương-Mỹ Thuận.
Ngay khi tham gia vào dự án, Tập đoàn Đèo Cả đã tích cực triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ. Đến nay, dự án đã được tái khởi động lại, với quyết tâm thông tuyến dự án vào cuối năm 2020 đúng theo chỉ đạo của Chính phủ. Ngày 19/4, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang, Bộ GTVT, Tập đoàn Đèo Cả đã có buổi làm việc cùng các nhà thầu và đã có nhiều kiến nghị để cùng tháo gỡ khó khăn.
Sáng cùng ngày, nhiều đồng chí lãnh đạo Trung ương và địa phương đã đi thực địa công trường thi công dự án, lắng nghe báo cáo, trình bày của lãnh đạo Công ty CP BOT Trung Lương –Mỹ Thuận, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhà thầu và đang làm việc tị đây các công nhân.
Nhà báo Thuận Hữu - Phó Ban Tuyên giáo Trung ương nghe báo cáo nhanh từ ông Hồ Minh Hoàng - CTHĐQT Tập đoàn Đèo Cả, đồng thời cũng là CTHĐQT Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận.
Ông Thuận Hữu - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung Ương đã đánh giá cao sự chuyên nghiệp trong việc tháo gỡ khó khăn, quyết liệt triển khai thi công của nhà đầu tư Công ty CP BOT Trung Lương –Mỹ Thuận. Ông tin tưởng rằng, bằng tinh thần trách nhiệm và sự đồng lòng đoàn kết từ các bộ ban ngành, chính quền địa phương và nhà đầu tư, dự án sẽ hoàn thành đúng tiến độ để đảm bảo lời hứa của Thủ tướng Chính phủ với người dân ĐBSCL.
Ông Hồ Nghĩa Dũng - nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết: “Từng là Bộ trưởng của ngành GTVT, tôi biết rằng cao tốc Trung Lương –Mỹ Thuận là dự án trọng điểm được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Dự án này góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội các tỉnh khu vực ĐBSCL phát triển. Tôi tin tưởng năng lực, kinh nghiệm và sự chuyên nghiệp Tập đoàn Đèo Cả khi tham gia dự án này. Công ty CP BOT Trung Lương –Mỹ Thuận ở thời điểm này là nhà đầu tư hội đủ cấc yếu tố để giải cứu tuyến cao tốc đã dở dang hơn 10 năm qua".
Trao đổi với phóng viên các báo đài bên lề hội nghị, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Công ty CP BOT Trung Lương- Mỹ Thuận cho biết: “Đến thời điểm này, tôi có thể hoàn toàn tin tưởng rằng chúng tôi sẽ hoàn thành đúng tiến độ dự án theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Bằng sự đồng lòng quyết tâm cao độ của Lãnh đạo địa phương, nhà đầu tư, nhà thầu, của tập thể cán bộ công nhân viên tham gia dự án, sự ủng hộ của các ngân hàng, tôi tin mọi khó khăn vướng mắc sẽ được tháo gỡ trong thời gian ngắn sắp tới. Tôi cho rằng, thời điểm này chúng tôi đã có đủ sự hội tụ “thiên thời địa lợi, nhân hoà” để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao”.
Hội nghị tháo gỡ và thúc đẩy dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ thuận đã đạt được những thành công tốt đẹp. Đã có 03 Biên bản thoả thuận được ký kết giữa các bên. Trong đó: Biên bản làm việc về việc cam kết cấp tín dụng và kiểm soát dòng tiền của dự án với Viettinbank ; Ký kết hợp đồng về việc bình ổn giá và cung cấp nhiên liệu thi công tại dự án giữa công ty Hamdeco và Petrolimex Tiền Giang; Ký kết cung cấp bình ổn giá nguồn nguyên vật liệu.