Chung tay gỡ khó cho doanh nghiệp

Tuấn Anh| 13/04/2016 06:51
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thời gian qua, TP. Hồ Chí Minh có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động, sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, thực tế hoạt động cho thấy, doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần giải quyết để đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập quốc tế.

Doanh nghiệp còn "kêu"

Nhằm giải quyết kịp thời khó khăn doanh nghiệp trong và ngoài nước, những tháng đầu năm 2016, TP. Hồ Chí Minh tổ chức nhiều hoạt động gặp gỡ, trao đổi với tinh thần "Lắng nghe và đổi mới". Qua các hoạt động này, nhiều khó khăn, tồn tại, vướng mắc của doanh nghiệp được trực tiếp "truyền tải" đến lãnh đạo và cơ quan liên quan của thành phố.

Ông Đỗ Phước Tống, đại diện Công ty Cơ khí Duy Khanh, Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TP. Hồ Chí Minh cho biết, cơ khí là trái tim của ngành công nghiệp, đây là một trong những ngành trọng điểm của nền kinh tế. Tuy nhiên, những chính sách ưu đãi dành cho ngành cơ khí còn nhiều bất cập.

Cụ thể, nhiều năm nay, quy định đối với máy móc, thiết bị nhập khẩu có thuế suất là 0%; nhưng linh kiện, nguyên vật liệu nhập khẩu lắp ráp phục vụ ngành cơ khí lại phải chịu thuế suất. Đồng thời, thuế giá trị gia tăng ở một số lĩnh vực có thời gian chờ hoàn thuế kéo dài từ 3 tháng đến hơn một năm, đang dẫn đến tình trạng "chôn vốn" của doanh nghiệp. Trong khi doanh nghiệp Việt Nam có tiềm lực tài chính yếu và khó tiếp cận vốn ưu đãi.

Một trong những vấn đề bức xúc được nhiều doanh nghiệp đề cập là thủ tục hải quan, thuế còn bất cập và nhiêu khê. Đại diện cho gần 1.000 doanh nghiệp; trong đó, có hơn 400 doanh nghiệp FDI, ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp trong các Khu chế xuất - Khu Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh cho rằng, dù các quy định hiện hành của Nhà nước buộc nhiều địa phương phải "dẹp" các loại giấy phép con, một cửa cho doanh nghiệp nhưng việc này vẫn còn tồn tại rất nhiều nơi, gây phiền hà cho nhà đầu tư khi muốn thực hiện một dự án hoặc thông quan ở cửa khẩu bởi hàng loạt quy định mới, giấy phép con, cơ chế xin cho…

Theo ông Nguyễn Văn Bé, ngành hải quan dù đã liên thông một cửa nhưng lại có quá nhiều cửa ở các khâu để thông quan hàng hóa. Chẳng hạn, trong việc nhập khẩu thép đòi hỏi phải có giấy kiểm định, xin quota, cắt thép từng miếng để đem thẩm định; hay nhập hóa chất phải có giấy kiểm định của Bộ Công Thương chỉ với mục đích biết về số lượng cho công tác làm thống kê.

Với ngành dệt may, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may năm 2015 khá lớn (27,1 tỷ USD). Tuy nhiên, số này thu về rất khiêm tốn vì 70 - 80% nguyên phụ liệu đến từ nước ngoài, còn Việt Nam chỉ hưởng được phần nhân công rất nhỏ.

Chung tay gỡ khó cho doanh nghiệp

Cải cách thủ tục hành chính hải quan nhanh gọn là mong mỏi của nhiều doanh nghiệp (Ảnh minh họa)

Theo ông Phạm Xuân Hồng, việc ký kết FTA Việt Nam - Hàn Quốc hay TPP khiến cộng đồng doanh nghiệp phấn khởi, song cũng trăn trở vì không dễ để hưởng những lợi thế này nếu thiếu những cải cách mạnh mẽ. Để nâng cao cạnh tranh cho doanh nghiệp, thành phố cần tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, không chỉ về chủ trương mà phải có ưu đãi cụ thể như miễn thuế tiền thuê đất cho các dự án đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ để thu hút đầu tư.

Tại hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh với các doanh nghiệp nước ngoài tổ chức giữa tháng 3 vừa qua, nhiều doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài phản ánh bất cập liên quan đến lĩnh vực hải quan, thuế, thủ tục hành chính, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng... trên địa bàn thành phố. Theo các doanh nghiệp, những bất cập trên phần nào hạn chế sự "hấp dẫn" đối với nhà đầu tư nước ngoài muốn đến TP. Hồ Chí Minh đầu tư.

Ông Han Dong Hee, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại TP. Hồ Chí Minh (Kocham) cho rằng, lĩnh vực thuế hiện có quá nhiều văn bản hướng dẫn và những văn bản này lại thường xuyên thay đổi làm doanh nghiệp FDI “chóng mặt” vì không thể theo kịp. Doanh nghiệp Hàn Quốc mong muốn, thành phố sớm có giải pháp tháo gỡ để tránh tạo ra cơ chế xin cho, gây khó khăn cho các doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào TP. Hồ Chí Minh.

Đổi mới vì doanh nghiệp

Trong các cuộc tiếp xúc với doanh nghiệp vừa qua, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Đinh La Thăng nhấn mạnh, doanh nghiệp là đội ngũ tiên phong trong hội nhập nên thành phố luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi phát triển trên mọi lĩnh vực. Thực tế cho thấy, Việt Nam chưa có nhiều đơn vị tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu nguyên nhân do cả cơ chế chính sách lẫn nội tại của doanh nghiệp chưa nâng cao được năng lực cạnh tranh trong hội nhập.

Từ thực tế trên, ông Đinh La Thăng cho rằng, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh phải nâng cao năng lực của mình trong việc cải cách thể chế, chính sách để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh tốt hơn. Doanh nghiệp tích cực cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm, dịch vụ để tạo thương hiệu hàng Việt tại thị trường khu vực và thế giới.

Theo ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh, một doanh nghiệp muốn phát triển phải có tối thiểu 3 điều kiện tiên quyết đó là: nguồn nhân lực, vốn và cơ chế chính sách, đây không chỉ là điều kiện để doanh nghiệp phát triển mà còn là điều kiện để hội nhập toàn diện. Vì vậy, cần phải quan tâm đào tạo phát triển nguồn nhân lực, tạo nguồn tài chính và lãi suất hợp lý, đặc biệt quan tâm khâu tổ chức thực hiện. Nhà nước phải khẩn trương hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật và con người, đặc biệt quan tâm khâu cải cách hành chính, tổ chức thực hiện khẩn trương đưa các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống.

 Ông Huỳnh Văn Minh kiến nghị, để giữ vững các thương hiệu đã có và phát triển thêm nhiều thương hiệu ngang tầm khu vực và thế giới, thành phố cần có chính sách hỗ trợ giúp doanh nghiệp thực hiện tốt việc xây dựng, giữ vững và phát triển thương hiệu. Hiện thương hiệu mới chưa được hình thành mà thương hiệu cũ dần dần bị mất đi là đáng lo ngại…

Về phía chính quyền, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, để phát triển kinh tế trong năm 2016, TP. Hồ Chí Minh quyết tâm đẩy mạnh cải cách hành chính trên mọi lĩnh vực nhằm tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và thu hút hiệu quả các nguồn lực đầu tư quốc tế.

 Bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền về cam kết của Việt Nam với các nước, lộ trình cắt giảm thuế và quy trình giám sát của các đối tác quốc tế, thành phố sẽ tiếp tục chú trọng thực hiện đơn giản hóa thủ tục hồ sơ, nhất là ở những khâu, công đoạn rườm rà, phức tạp làm mất thời gian và chi phí của doanh nghiệp. Ngoài ra, tập trung nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, thương hiệu; tăng cường giải pháp tháo gỡ khó khăn về vốn, mặt bằng, công nghệ cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đồng thời đẩy mạnh tổ chức các hoạt động kích cầu, kết nối doanh nghiệp để tạo thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến kinh doanh.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, thành phố sẽ triển khai nhiều nhóm dịch vụ mới; trong đó ưu tiên “số hóa” các thủ tục về cấp phép thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài; cấp giấy chứng nhận đầu tư, thành lập doanh nghiệp; cấp phép lao động. Để thị trường phát triển bền vững, thành phố tiếp tục thực hiện chương trình vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; phát huy hiệu quả chương trình bình ổn thị trường; tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng gian, hàng giả…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chung tay gỡ khó cho doanh nghiệp