Lãnh đạo Bộ Y tế kêu gọi cả nước chung sức, chung lòng ủng hộ đội ngũ y bác sĩ và các lực lượng làm nhiệm vụ trên tuyến đầu chống dịch vững tin, dũng cảm và ấm lòng; không kỳ thị nhân viên y tế và người nhà.
Ảnh minh họa
Sáng nay (30/3), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) đã có cuộc họp với Bộ Y tế.
Bác sĩ phải tự tin, dũng cảm trong quyết định điều trị
Tại cuộc họp các ý kiến thống nhất nguyên tắc là tiếp tục đề cao tính chủ chủ động. Đặc biệt trong thời điểm này các bác sĩ phải tự tin, dũng cảm trong quyết định điều trị. Phác đồ là nguyên tắc chung, chỉ có bác sĩ đang điều trị trực tiếp mới có thể biết rõ phải ra quyết định vào thời điểm nào, dùng thuốc gì, phương pháp nào để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất…
Lãnh đạo Bộ Y tế kêu gọi cả nước chung sức, chung lòng ủng hộ đội ngũ y bác sĩ và các lực lượng làm nhiệm vụ trên tuyến đầu chống dịch vững tin, dũng cảm và ấm lòng; không kỳ thị nhân viên y tế và người nhà. Các địa phương cần bố trí khu vực riêng phục vụ nhân viên y tế và các lực lượng phòng, chống dịch cách ly, nghỉ ngơi, bảo đảm sức khoẻ trong giai đoạn căng thẳng này.
Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Thị Thuỷ, Bộ đã có văn bản chỉ đạo các địa phương chuẩn bị cơ sở vật chất (khách sạn, lưu trú) để bố trí khu cách ly cho các y bác sĩ và lực lượng làm công tác phòng, chống dịch,…
Đại diện Hiệp hội Khách sạn Việt Nam cho biết, thực hiện chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, hiệp hội đã khuyến nghị các hội viên bố trí cơ sở làm nơi cách ly cho cán bộ y tế và các lực lượng làm công tác phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn dịch tễ và chất lượng phục vụ với chất lượng cao nhất, cộng đồng trách nhiệm với đất nước, tiếp sức cho những người trên tuyến đầu chống dịch,…
Trong cuộc họp, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng và lãnh đạo các ngành chức năng thống nhất cao với ý kiến của Ban Chỉ đạo, đồng thời đề nghị về vấn đề truyền thông phòng chống dịch bệnh, cần thống nhất phát ngôn theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Bên cạnh đó, cần triển khai những biện pháp để ứng phó kịp thời các tình huống phát sinh như: Xử lý các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về phòng chống bệnh truyền nhiễm để bảo đảm răn đe, giáo dục, công bằng; trao đổi thông tin về những đối tượng khai báo y tế gian dối, có thể gây nguy hiểm cho xã hội;...
Chủ động bảo đảm trang thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch
Các đại biểu đã bàn bạc về việc chủ động bảo đảm trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19.
Trước hết về sản xuất khẩu trang y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, hiện các doanh nghiệp trong nước có thể sản xuất được 5 triệu khẩu trang y tế/ngày. Chúng ta cũng chủ động được nguồn nguyên liệu. Về khẩu trang chuyên dụng (N95), các doanh nghiệp có thể sản xuất được sản phẩm có chất lượng tương đương,…
Trên cơ sở đó, lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị các doanh nghiệp tiến hành sản xuất khẩu trang với công xuất tối đa. Doanh nghiệp nào có năng lực thì tiến hành mở rộng dây chuyền.
Về trang phục bảo hộ y tế, Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho biết, hiện chúng ta cũng đang sản xuất bộ quần áo bảo hộ với chất lượng tương đương nhập khẩu.
Bên cạnh đó, các cơ quan khoa học, y tế cũng đang phối hợp với chuyên gia nước ngoài và một số doanh nghiệp lớn tập trung nghiên cứu, sản xuất máy thở để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Thông tin mới nhất từ Bộ Y tế cho biết, trong hôm nay có 30 bệnh nhân mắc COVID-19 đã được điều trị khỏi, chuyển theo dõi sức khoẻ tại cơ sở khác. Các nhân viên y tế mắc COVID-19 tình hình sức khoẻ ổn định. Như vậy, cùng với 25 bệnh nhân đã khỏi bệnh từ trước, trong hôm nay Việt Nam sẽ có 55 bệnh nhân khỏi bệnh và ra viện. Tính đến 6h sáng 30/3, cả nước đã ghi nhận 194 ca mắc bệnh COVID-19, 25 ca đã khỏi bệnh và ra viện. 169 ca bệnh còn lại hiện đang được điều trị tại 22 cơ sở y tế trên cả nước, trong đó, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Kim Chung, Đông Anh) đang tiếp nhận và điều trị nhiều bệnh nhân nhất với 80 trường hợp (66 người Việt và 14 người nước ngoài). Về diễn tiến sức khoẻ 3 ca bệnh nhân nặng, thông tin từ Tiểu ban Điều trị cho biết, liên tục trong những ngày qua, các bác sĩ của bệnh viện cùng các chuyên gia đầu ngành của Bộ Y tế đã hội chẩn, nỗ lực chăm sóc và điều trị nên hiện sức khoẻ đã tiến triển tốt lên. Trong đó 1 bệnh nhân không cần thở máy từ đêm 28/3; bệnh nhân người Anh đang tiến triển khá hơn, đang cân nhắc giảm chế độ máy thở; 1 bệnh nhân chạy ECMO ngày thứ 10 đang khá lên, hy vọng cai dần ECMO. |