Để phù hợp với yêu cầu của cải cách tư pháp và Hiến pháp năm 2013 về tăng cường tranh tụng, bảo đảm sự công bằng trong quá trình chứng minh, Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 đã điều chỉnh quy định về chứng cứ.
Bổ sung quy định về chứng cứ
Nếu BLTTHS năm 2003 quy định chỉ cơ quan tiến hành tố tụng mới có quyền thu thập chứng cứ thì BLTTHS năm 2015 bổ sung người bị buộc tội, người bào chữa và một số người tham gia tố tụng khác cũng có quyền thu thập hoặc cung cấp chứng cứ.
BLTTHS năm 2015 bổ sung một số nguồn chứng cứ và quy định về loại trừ chứng cứ. Theo BLTTHS năm 2003, nguồn chứng cứ gồm: Vật chứng; lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; kết luận giám định; biên bản về hoạt động điều tra, xét xử và các tài liệu, đồ vật khác. BLTTHS năm 2015 bổ sung nguồn chứng cứ gồm: Dữ liệu điện tử; Kết luận định giá tài sản; Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác trong đấu tranh chống tội phạm. Ngoài ra, còn bổ sung quy định về loại trừ chứng cứ, theo đó: “Những gì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự”. Quy định này nhằm tháo gỡ những vướng mắc đặt ra trong thực tiễn, phù hợp với sự phát triển của khoa học công nghệ hiện đại và yêu cầu hội nhập quốc tế; đáp ứng các yêu cầu của chứng cứ về tính khách quan, tính liên quan và tính hợp pháp.
Một phiên tòa hình sự
Nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh chống tội phạm trong tình hình mới, đặc biệt là các tội phạm sử dụng công nghệ cao, BLTTHS năm 2015 quy định cụ thể về dữ liệu điện tử với tính cách là một loại nguồn chứng cứ như: khái niệm về dữ liệu điện tử; các nguồn chứa dữ liệu điện tử; yêu cầu về giá trị chứng cứ của dữ liệu điện tử; trình tự, thủ tục thu thập, phục hồi dữ liệu điện tử nhằm bảo đảm tính khách quan, tính nguyên trạng và tính có thể kiểm chứng của loại chứng cứ này.
Về phương thức người bào chữa thu thập chứng cứ, BLTTHS năm 2015 quy định quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa và cách thức người bào chữa thu thập chứng cứ, gồm: gặp thân chủ, bị hại, người làm chứng, những người biết về vụ án để hỏi và nghe họ trình bày về những vấn đề liên quan đến vụ án; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử và các tình tiết liên quan đến việc bào chữa. Quy định này phù hợp với yêu cầu tăng cường tranh tụng; đồng thời, tạo thuận lợi cho người bào chữa trong quá trình thu thập chứng cứ.
BLTTHS năm 2015 quy định chặt chẽ và chi tiết việc xử lý vật chứng. Theo đó, đã sửa đổi, bổ sung chi tiết việc xử lý vật chứng theo từng trường hợp: Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm lưu hành; vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có; vật chứng là vật không có giá trị hoặc không sử dụng được; vật chứng thuộc loại mau hỏng hoặc khó bảo quản; vật chứng là động vật hoang dã và thực vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quy hiếm, động vật, thực vật ngoại lai và một số trường hợp khác.
Quy định về biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế
Trong BLTTHS năm 2003, ngoài các biện pháp ngăn chặn được quy định trong cùng chương; các biện pháp cưỡng chế tố tụng khác được quy định rải rác trong nhiều chương của BLTTHS, không thống nhất và cách quy định và phải quy định lặp lại trong nhiều giai đoạn tố tụng. BLTTHS năm 2015 đã thu hút toàn bộ các biện pháp có tính cưỡng chế quy định trong các chương, các phần của BLTTHS để điều chỉnh chung trong chương VII. Từng biện pháp được điều chỉnh bởi năm yếu tố: Căn cứ áp dụng, thẩm quyền quyết định, trình tự, thủ tục và thời hạn tiến hành.
Sự điều chỉnh này nhằm bảo đảm tính thống nhất, chặt chẽ khi quy định về các biện pháp hạn chế quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013; tạo điều kiện để các cơ quan tiến hành tố tụng thuận tiện áp dụng, đồng thời, nhân dân thuận tiện trong việc giám sát.
BLTTHS năm 2015 quy định cụ thể hơn về các biện pháp bắt. BLTTHS năm 2003 chỉ quy định biện pháp bắt người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người phạm tội quả tang, bắt người đang bị truy nã, bắt bị can, bị cáo để tạm giam. BLTTHS năm 2015 quy định thêm trường hợp bắt người bị yêu cầu dẫn độ.
BLTTHS năm 2003 quy định bắt người trong trường hợp khẩn cấp là biện pháp ngăn chặn độc lập. BLTTHS năm 2015 quy định cụ thể về trường hợp giữ người trong trường hợp khẩn cấp, cụ thể là, trong thời hạn 12 giờ kể từ khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp hoặc nhận người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải tiến hành các hoạt động: Lấy lời khai ngay người bị giữ; ra quyết định tạm giữ; ra lệnh bắt người bị giữ và gửi ngay cho Viện kiểm sát kèm theo tài liệu liên quan đến việc giữ người để xét phê chuẩn hoặc trả tự do cho người bị giữ.
Bên cạnh đó, BLTTHS năm 2015 bổ sung và quy định chặt chẽ những người có thẩm quyền bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, tạm giữ. BLTTHS năm 2003 quy định những người có thẩm quyền bắt khẩn cấp gồm: Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp; Người chỉ huy đơn vị quân đội độc lập cấp trung đoàn và tương đương; người chỉ huy đồn biên phòng ở hải đảo và biên giới; người chỉ huy tàu bay, tàu biển, khi tàu bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng. Về thẩm quyền ra lệnh tạm giữ người, gồm những người có thẩm quyền bắt khẩn cấp và Chỉ huy trưởng vùng Cảnh sát biển. BLTTHS năm 2015 bổ sung thẩm quyền bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, tạm giữ cho một số chủ thể thuộc Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Kiểm ngư gắn với tiêu chí “thực hiện nhiệm vụ ở địa bàn biên giới, hải đảo, xa cơ quan điều tra chuyên trách”, cụ thể gồm: Người chỉ huy đơn vị quân đội độc lập cấp trung đoàn và tương đương; Đồn trưởng Đồn biên phòng, Chỉ huy trưởng Biên phòng Cửa khẩu cảng, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh, thành phố trực truộc trung ương, Cục trưởng Cục trinh sát Bộ đội biên phòng, Cục trưởng Cục phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng; Tư lệnh vùng Cảnh sát biển, Cục trưởng Cục nghiệp vụ và pháp luật Cảnh sát biển; Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy Cảnh sát biển; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư Vùng.
Nhằm khắc phục những hạn chế của BLTTHS hiện hành, pháp điển hóa Thông tư liên tịch số 05/TTLT-VKSTC-BCA-BQP ngày 7/9/2005, BLTTHS năm 2015 quy định cụ thể những việc cần làm ngay sau khi bắt người hoặc nhận người bị bắt. Cụ thể, quy định rõ trách nhiệm của cơ quan bắt hoặc nhận người bị bắt trong trường hợp truy nã; trách nhiệm của cơ quan đã ra quyết định truy nã.