Chứng kiến mẹ mất vì thiếu máu truyền, người đàn ông quyết hiến máu 100 lần

Thảo Nguyên| 05/06/2019 19:41
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Dù cả nhà đã cuống cuồng đổ đi khắp nơi để mua máu, xin máu nhưng mẹ tôi vẫn không đủ máu truyền nên đã qua đời”.

Là một trong những người hiến máu nhiều nhất nước với 70 lần, anh Nguyễn Trí Hiếu (45 tuổi, ở quận 4, TP.HCM) đã chia sẻ câu chuyện ám ảnh của chính gia đình mình, đây cũng là lý do khiến anh đều đặn đi hiến máu tình nguyện sau này.

“Mẹ tôi mất do không có máu để truyền. Khi ấy tôi mới 20 tuổi, hình ảnh gia đình đi huy động mọi người hiến máu, đi mua máu mà vẫn không đủ để truyền cho mẹ, đến giờ tôi vẫn nhớ”, anh Nguyễn Trí Hiếu mở đầu câu chuyện.

Theo anh Hiếu, thời điểm cách đây hơn 20 năm, phong trào hiến máu tình nguyện chưa phát triển, việc mua máu vẫn còn rất khó khăn. "Không chỉ mẹ tôi mà lúc đó, rất nhiều bệnh nhân lẽ ra có cơ hội được sống tiếp nhưng do thiếu máu mà đã phải rời xa thế giới này”, anh Hiếu chia sẻ.

Chứng kiến mẹ mất vì thiếu máu truyền, người đàn ông quyết hiến máu 100 lần

Anh Nguyễn Trí Hiếu đặt mục tiêu 100 lần hiến máu.


3 năm sau câu chuyện đáng buồn ấy, anh Hiếu đọc trên báo đài và biết tới việc hiến máu tình nguyện, cũng chính khí đó, chàng trai trẻ đã quyết tâm dành những giọt máu của mình giúp đỡ người bệnh, mong rằng rồi một ngày đất nước không còn thiếu máu, không còn một ai ra đi vì không được cho máu.

“Lần đầu tiên tôi chỉ hiến 250ml, rồi sau này 350ml và có khi lên đến 450ml. Tôi cũng tham gia vận động người thân và mọi người xung quanh tham gia. Tôi sẽ tiếp tục cho đến khi tôi không còn hiến máu được nữa. Tôi cũng đã đăng ký hiến mô, hiến tạng từ nhiều năm trước”, anh chia sẻ.

Đến nay, sau hơn 20 năm, anh Hiếu đã có 70 lần hiến máu. Gọi những người hiến máu tình nguyện là những “chiến sĩ”, anh Hiếu khẳng định quyết tâm thực hiện 4 lần hiến máu mỗi năm.

Cũng đến từ TP.HCM, ông Lâm Văn Vinh (57 tuổi) là một trong những thành viên Câu lạc bộ Nhóm máu hiếm của TP.HCM với 45 lần hiến máu.

Do mang nhóm máu B Rh-, với tỷ lệ khoảng 10.000 người mới có 4-7 người nên ông Vinh có tên trong danh sách hiến máu trực tiếp, cứ khi nào bệnh viện cần máu là gọi, dù đang ở đâu ông cũng gác hết việc để đến hiến máu.

Trong những lần hiến máu cho người bệnh, ông Vinh đã từng hiến máu cho 1 em nhỏ ghép thận và và 1 bệnh nhân mổ tim tại TP.HCM. "Chỉ còn 3 năm nữa là hết tuổi hiến máu, tôi hy vọng những giọt máu của mình sẽ còn giúp ích được thêm nhiều người khác”, ông Vinh chia sẻ.

Trong danh sách 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm nay, bên cạnh những người đã hiến máu đến 60, 70 lần, Ban tổ chức đã lựa chọn tôn vinh những người hiến máu nhóm máu hiếm, những người là thành viên CLB hiến máu dự bị ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo...

Đây là hoạt động thường niên đã được tổ chức ở nước ta từ năm 2008 nhằm tri ân, biểu dương những tấm gương hiến máu và vận động hiến máu tiêu biểu trên khắp mọi miền đất nước; không phân biệt ngành nghề, độ tuổi, dân tộc.

TS. BS Bạch Quốc Khánh - Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, Thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện cho biết, tại Việt Nam, năm 2018, toàn quốc đã vận động và tiếp nhận được gần 1,4 triệu đơn vị máu (quy đổi là gần 1,6 triệu đơn vị máu 250ml); trong đó 98,3% lượngmáu tiếp nhận từ người hiến máu tình nguyện, tương đương hơn 1,4% dân số tham giahiến máu (quy đổi là 1,68% dân số tham gia hiến máu), tỷ lệ hiến máu nhắc lạiđạt 42,5%.

Để có thể lan toả tinh thần hiền máu vì cộng đồng, cũng vào dịp Ngày Quốc tế người hiến máu năm nay, chương trình vận động hiến máu có quy mô lớn nhất “Hành trình Đỏ” lần thứ VII sẽ chính thức bắt đầu từ ngày 13/6 và kéo dài đến hết ngày 28/7 với sự tham gia của 39 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Đây là năm đầu tiên chương trình được tổ chức trong thời gian dài nhất, với sự tham gia của nhiều địa phương nhất.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chứng kiến mẹ mất vì thiếu máu truyền, người đàn ông quyết hiến máu 100 lần