Ngày mồng 10 tháng giêng âm lịch được coi là ngày vía thần tài. Trong ngày này, người ta thường làm lễ cúng Thần Tài với mong muốn tài lộc no đủ trong cả năm.
Ảnh: Minh họa
Thần Tài là vị thần cai quản tiền bạc và của cải. Có rất nhiều sự tích kể về Thần Tài nhưng biết đến nhiều nhất là câu chuyện kể về Triệu Công Minh, người đã giúp Khương Tử Nha đánh Trụ Vương. Sau khi tử trận lên bảng Phong Thần, Triệu Công Minh được Khương Tử Nha sắc phong làm Chính Nhất Long Hồ Huyền chân quân, thống lĩnh bốn vị thần trên trời là Chiêu Bảo – Nạp Trân – Chiêu Tài – Lợi Thị. Vì thế mà ông được cho giữ chức vụ cai quản tiền bạc, của cải. Cũng với lí do đó mà trong dân gian, mọi người thường thờ cúng Thần Tài để cầu mong tài lộc, may mắn sẽ đến.
Trong ngày vía Thần Tài, nhiều gia đình, đặc biệt là những người làm ăn, kinh doanh thường chuẩn bị mâm cỗ cúng chu đáo. Theo các chuyên gia phong thủy, đồ lễ cúng Thần tài rất đơn giản, lễ vừa đủ không cần quá lãng phí gồm các đồ vật như hoa quả tươi, nước sạch trong đó cần lưu ý những đồ vật không thể thiếu trong mâm cúng ngày vía Thần Tài gồm: Hương, nước, hoa, đèn nến.
Trong ngày vía Thần Tài, các gia đình thường sắm 1 bình hoa, 1 con tôm, 1 con cá lóc nướng, 1 con cua, 1 miếng thịt lợn quay, 1 bộ giấy tiền vàng mã, 1 đĩa ngũ quả, chum rượu, 2 điếu thuốc, gạo, muối hột. Với mong muốn xin Thần Tài cho gia chủ một năm mới nhiều tài nhiều lộc, làm ăn tấn tới.
Tuy nhiên, các chuyên gia phong thủy cũng lưu ý rằng sau khi cúng lễ ngày vía Thần Tài, gạo, muối cất lại để dùng không được rải ra ngoài. Rượu, nước đứng ở ngoài cửa tưới vào nhà mang ý nghĩa đem tài lộc vào nhà. Bên cạnh đó, hoa quả, bánh kẹo chỉ chia nhau với người thân trong gia đình, không chia sẻ với người ngoài.