Do ảnh hưởng của bão Conson, ngày 8/9 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có mưa lớn diện rộng, cảnh báo trên các sông suối khu vực Bắc Bộ, từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có khả năng xuất hiện một đợt lũ trên thượng lưu các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Bình từ 4-7m, trung, hạ lưu từ 2-4m.
Theo dự báo, đỉnh lũ trên các sông suối nhỏ, thượng lưu các sông có khả năng đạt mức báo động 1- báo động 2, có sông trên báo động 2; hạ lưu các sông chính ở dưới mức báo động 1. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi khu vực Bắc Bộ và từ Thanh Hóa đến Quảng Bình; ngập úng cục bộ tại các vùng trũng thấp, đô thị ở các tỉnh khu vực trung du, đồng bằng Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 1. Khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa 100-200 mm/đợt, có nơi trên 250 mm/đợt.
Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão, mưa lớn trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công điện khẩn yêu cầu các địa phương, đơn vị sẵn sàng ứng phó với thiên tai, đặc biệt là phương án sơ tán dân đảm bảo an toàn trong trường hợp xảy ra bão mạnh, mưa, lũ lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất và đảm bảo phòng, chống dịch và an toàn thiên tai cho các địa điểm sơ tán, khu cách ly.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và mưa lũ, thông tin, cảnh báo kịp thời đến chính quyền địa phương và người dân biết để chủ động triển khai các biện pháp phòng, tránh, ứng phó có hiệu quả, kiên quyết không để xảy ra thiệt hại do chủ quan.
Toàn tỉnh Thanh Hóa mới thu hoạch được khoảng 5% diện tích lúa mùa, để giảm thiểu thiệt hại do mưa bão, sâu bệnh gây ra, kịp thời có quỹ đất để sản xuất vụ Đông và tránh lây lan dịch bệnh Covid-19 trên diện rộng, yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trực tiếp chỉ đạo công tác huy động lực lượng lao động, phương tiện cơ giới, khẩn trương thu hoạch lúa mùa khi ruộng lúa chín từ 80% trở lên theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”; ưu tiên thu hoạch trước đối với những diện tích có nguy cơ ngập úng cao.
Các địa phương khẩn trương thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn và thường xuyên giữ liên lạc với thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển để thoát ra hoặc không đi vào vùng nguy hiểm của bão; kiểm tra hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại bến. Sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn và phòng chống dịch bệnh Covid-19 cho phương tiện và người trên các tàu thuyền vận tải, tàu thuyền đánh cá vãng lai, đặc biệt là phương tiện từ các khu vực đang có dịch vào tránh trú trên địa bàn tỉnh. Quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền, các hoạt động kinh tế trên biển và ven biển để đảm ảo an toàn về người và tài sản. Chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn các lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản trên biển, ven biển, các tuyến đê biển xung yếu hoặc đang thi công; không để người ở lại chòi canh, lồng bè khi bão đổ bộ…
Triển hai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát nhà ở không an toàn, các khu dân cư ven biển, bãi sông, ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn khi có tình huống xảy ra.
Thanh Hóa đã chỉ đạo thủy điện Trung Sơn chủ động thực hiện vận hành hồ chứa theo đúng quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Mã; duy trì mực nước hồ không vượt quá cao trình (+150)m khi lưu lượng lũ đến hồ nhỏ hơn 1.800 m3/s. Trước khi thực hiện lệnh vận hành các cửa xả, phải thông báo cho chính quyền địa phương, cơ quan chức năng và nhân dân các khu vực hạ du biết để chủ động triển khai các biện pháp phòng tránh.
Trong sáng ngày 8/9, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có mưa lớn kèm theo gió mạnh. Một số tuyến đường trên địa bàn TP Thanh Hóa đã bị ngập cục bộ, nước tràn cả vào nhà người dân. Lãnh đạo tỉnh đang theo sát diễn biến của bão Conson để sớm ban hành lệnh cấm biển và các biện pháp cấp bách di dời người dân tránh thiệt hại đáng tiếc.