Chữa bệnh bằng "bác sĩ google": Cha mẹ đang tự hại con mình

Thảo Nguyên| 30/04/2017 09:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cuộc sống hiện đại, công nghệ thông tin ngày càng phát triển, nhiều bậc cha mẹ có thói quen lên facebook hỏi đơn thuốc, lên Google tra cứu thuốc hoặc mua thuốc qua mạng mà không biết rằng điều này tiềm ẩn nhiều nguy hại cho sức khỏe.

Bố mẹ tự kê đơn, con gánh hậu quả...

Trên mạng facebook hiện nay, không khó để bắt gặp những status, topic hỏi cách chữa bệnh, chia sẻ đơn thuốc hoặc cách dùng thuốc chẳng hạn như: “Các mẹ cho em hỏi làm thế nào để chữa khỏi ho có đờm cho con. Bé nhà em 8 tháng bị ho có đờm, cho uống siro mà không đỡ”, hay “Con em bị ngạt mũi khó thở, nhỏ thuốc gì để con nhanh khỏi dễ chịu hơn hả các mẹ”...

Chữa bệnh bằng

Mua thuốc qua mạng đã trở thành thói quen của không ít người nhưng rất dễ gây hại

Trên thực tế, có nhiều trường hợp vì mẹ quá tin vào những đơn thuốc, kinh nghiệm được chia sẻ trên mạng mà khiến tình hình của con ngày càng nặng thêm.

Chị T.H (Cầu Giấy, Hà Nội) đưa con đến viện khám trong tình trạng cháu bé xanh xao, khó thở, ho nhiều, trên da xuất hiện nhiều vết mẩn đỏ. Chị H cho biết, hôm trước thấy con gái húng hắng ho, sổ mũi, nghĩ con bị viêm họng nên chị lên mạng tìm hiểu và ra hàng thuốc gần nhà mua một liều thuốc kháng sinh cho con uống. Nhiều lần con ốm, sốt chị cũng tự ý mua thuốc từ kháng viêm, kháng sinh đến thuốc long đờm, giảm ho cho bé uống và bệnh bé đều đỡ. Thế nhưng lần này đã qua gần 1 tuần uống thuốc mà bệnh chưa có dấu hiệu đỡ.

Ngoài ra, các bậc cha mẹ thường có tâm lý chung là sợ thuốc gây hại cho con. Vì thế, nhiều cha mẹ thay vì cho trẻ dùng thuốc đúng liều lượng như bác sỹ kê, họ lại tùy ý giảm liều lượng theo cảm tính, chỉ cho trẻ dùng 1-2 lần/ngày thay vì 3-4 lần. Ngược lại, có những bà mẹ chứng kiến cảnh con ho, chảy mũi, nôn trớ nên đau lòng và sốt ruột, nôn nóng chữa khỏi bệnh cho con nên tự ý tăng liều sử dụng, cho trẻ uống thuốc dồn dập trong 1 ngày. Họ không hề biết rằng, dùng thuốc quá liều có thể gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

Tại Khoa Chỉnh hình – Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), mỗi tháng các bác sĩ thường tiếp nhận vài trường hợp các bé nhập viện do gia đình tự đắp lá, đắp cao khi trẻ bị thương, gây viêm tấy lan rộng, thậm chí tạo thành ổ áp – xe. Có những trường hợp bệnh nhân vào viện khi vết thương đã bị nhiễm trùng huyết, hoại tử, phải cắt bỏ chi vì biến chứng nặng.

Đây là những bài học đắt giá, cảnh tỉnh các bậc làm cha, làm mẹ đang có con nhỏ. Cha mẹ tuyệt đối không nên áp dụng những cách trị bệnh chưa được khoa học khẳng định, không nghe theo những kinh nghiệm truyền tai hay tùy ý dùng thuốc cho con mà không có ý kiến của thầy thuốc để tránh những hậu quả khó lường cho con.

Chữa bệnh bằng

Khi trẻ đã mắc bệnh, cha mẹ hãy bình tĩnh đưa con đi khám và tuân thủ điều trị

Dùng thuốc không được tùy tiện

Theo BS Phạm Thị Ngọc Lan (Khoa Khám bệnh, BV Nhi TW): "Một điều rất đáng báo động hiện nay là việc các bà mẹ lên mạng học theo cách chữa bệnh, hoặc ra quầy thuốc kể bệnh rồi lấy thuốc về cho con uống, điều này hết sức nguy hiểm, sẽ dẫn đến việc bệnh của trẻ lai rai lâu không khỏi, đặc biệt là tình trạng kháng kháng sinh”, BS Lan cảnh báo.

Đa số trẻ nhỏ mắc bệnh cấp tính tức là mắc bệnh nhanh và chữa bệnh cũng nhanh khỏi. Tuy nhiên, hiện nay có một số phụ huynh khi thấy con bị bệnh lại không đưa con đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị mà lên mạng tìm đọc và chữa bệnh cho con theo những kinh nghiệm được chia sẻ trên các diễn đàn, trang mạng. Chỉ đến khi các triệu chứng bệnh của con ngày càng tăng nặng mới chịu đưa con đến bệnh viện, khi đó tình trạng bệnh của trẻ đã nặng và để chữa khỏi cho trẻ là không hề dễ dàng.

Chữa bệnh bằng

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng.

Cùng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai cho hay, trong thực tế quá trình điều trị hàng chục năm qua cho các bệnh nhi, ông đã từng chứng kiến nhiều trường hợp đau lòng, chỉ vì bố mẹ quá tin vào "bác sĩ google" khiến bệnh tình của con nặng thêm, đến khi vào viện đã biến chứng nặng.

PGS. Dũng cũng đưa ra khuyến cáo, thuốc là mặt hàng đặc biệt nên chỉ có bác sĩ và dược sĩ mới có thể tư vấn và cung cấp thuốc. Tuy nhiên, ở mức độ nhất định, dược sĩ cũng chỉ được tư vấn cho bệnh nhân nhóm thuốc không cần đơn thuốc. Còn các thuốc bắt buộc phải kê đơn thì bắt buộc phải có đơn thuốc do bác sĩ kê đủ liều lượng, đủ thời gian...

“Mỗi loại thuốc khi uống vào cơ thể đều phải chuyển hóa qua gan, đào thải qua thận, do đó nếu dùng lâu dài - nhất là thuốc kháng sinh dễ gây hại, chưa kể là bị dị ứng thuốc kháng sinh. Thuốc kháng sinh được phân làm nhiều nhóm, mỗi loại kháng sinh chỉ để tiêu diệt một số loại vi khuẩn nhất định, bệnh nặng hay nhẹ, thuốc uống hay tiêm, thời gian ngắn hay dài, dùng cho phụ nữ khác, người già khác, trẻ em khác… đều do bác sĩ chỉ định. Việc tự ý mua thuốc về uống, tự ý tăng hoặc giảm liều, cắt thuốc sẽ rất nguy hiểm tuy nhìn bề ngoài, người bệnh có thể khỏi về mặt lâm sàng, triệu chứng nhưng thực tế vi khuẩn vẫn còn và bệnh sẽ tái phát, hoặc vi khuẩn kháng thuốc sẽ khó điều trị”- PGS. Dũng nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chữa bệnh bằng "bác sĩ google": Cha mẹ đang tự hại con mình