Chú trọng công tác phòng ngừa tham nhũng trong hệ thống Tòa án nhân dân

Trần Quang Huy| 19/11/2016 08:01
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong công tác phòng chống tham nhũng, với nhận thức “phòng” hơn “chống”, những năm qua TANDTC thường xuyên tổ chức, triển khai thực hiện nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng.

Các trường hợp vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp đều bị xử lý nghiêm theo quy định đã từng bước góp phần xây dựng TAND các cấp trong sạch, vững mạnh.

Tăng cường các biện pháp phòng ngừa tham nhũng

Căn cứ Quyết định số 1557/QĐ-TTg ngày 18/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức, TANDTC đã thành lập Ban Chỉ đạo về đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức trong hệ thống TAND, đồng thời xây dựng Kế hoạch để thực hiện. TANDTC đã triển khai đến các Tòa án các cấp trong toàn quốc, yêu cầu các đơn vị đổi mới cơ chế tuyển chọn Thẩm phán, cán bộ lãnh đạo, xác định vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức. Bên cạnh đó, TANDTC xây dựng Bộ tiêu chuẩn các chức danh công chức; Quy chế đánh giá công chức hệ thống TAND; Phần mềm quản lý cán bộ, công chức TAND; Đề án cải cách chế độ tiền lương và chính sách đãi ngộ đặc thù đối với cán bộ, công chức Tòa án; thực hiện công khai, minh bạch trong trong tuyển dụng, bố trí, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ… TANDTC cũng chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát, bổ sung quy hoạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo; việc lập danh sách, tổ chức lấy phiếu tín nhiệm theo quy trình, công khai tại các cơ quan, đơn vị trong toàn hệ thống.

Chú trọng công tác phòng ngừa tham nhũng trong hệ thống Tòa án nhân dân

 TANDTC tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng

Cùng với đó, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức TAND tiếp tục được thực hiện nghiêm túc theo Quyết định số 1253/2008/QĐ-TANDTC, ngày 18/9/2008 của Chánh án TANDTC. TAND các cấp đã thực hiện tốt nhiệm vụ giải quyết, xét xử các vụ án; việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng luôn được đảm bảo theo các quy định của pháp luật. Mặt khác, trên cơ sở Quy chế về việc tặng quà, nhận quà tặng và nộp lại quà tặng, lãnh đạo TANDTC đã yêu cầu thủ trưởng các đơn vị thuộc hệ thống TAND quán triệt, thực hiện và báo cáo công khai trong cơ quan, đơn vị mình. Kết quả thực hiện cho thấy, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn hệ thống Tòa án đều thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về việc tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng. Điển hình là Thẩm phán Huỳnh Văn Quân (TAND huyện cần Đước, tỉnh Long An) và Thẩm phán Lê Văn Đẹp (TAND huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) đã nhiều lần trả lại quà biếu của đương sự...

Công khai trong quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước

Trong quá trình cải cách tư pháp, TAND, TAQS các cấp được đầu tư đáng kể để xây dựng trụ sở và mua sắm trang thiết bị cho các đơn vị thuộc TAND. Đây là lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí, vì vậy TANDTC luôn công khai, minh bạch trong quản lý các dự án đầu tư xây dựng. Tất cả các giai đoạn từ công tác lập kế hoạch, thẩm định dự toán, công tác đấu thầu, quyết định phê duyệt, bố trí vốn đầu tư và quyết toán vốn dự án công trình hoàn thành được quản lý chặt chẽ, đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, TANDTC thường xuyên cập nhật các văn bản pháp luật của Nhà nước để phục vụ công tác quản lý, điều hành; đồng thời hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư dự án xây dựng công trình thực hiện đúng theo quy định về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, nghiệm thu, quyết toán công trình hoàn thành. TANDTC chú trọng công tác kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện, xử lý; giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án; thực hiện việc phân công, luân chuyển cán bộ chuyên quản trong quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, nhằm phòng ngừa, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng trong đầu tư xây dựng.

Đối với công tác quản lý, điều hành, phân bổ ngân sách hành chính sự nghiệp, mua sắm tài sản công, TANDTC công khai, minh bạch từ công tác lập kế hoạch thu chi, phân bổ ngân sách, quyết toán ngân sách, công tác đấu thầu mua sắm trang thiết bị nhà nước theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành. Định kỳ hàng năm, TANDTC phối hợp với Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính tổ chức các lớp tập huấn về nghiệp vụ quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý tài chính, ngân sách và quản lý, sử dụng tài sản nhà nước cho các đối tượng là chủ đầu tư xây dựng công trình, chủ tài khoản, kế toán trong toàn hệ thống để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ nhằm phòng ngừa tham nhũng, lãng phí.

Thực hiện các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập

Thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định số 78/2013/NĐ-CP ngày 17/7/2013 của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập, hàng năm TANDTC tổ chức thực hiện kê khai, kiểm tra, công khai bản kê khai tài sản của cán bộ, công chức và tổng hợp, báo cáo kết quả kê khai tài sản, thu nhập thuộc phạm vi quản lý. Những năm qua, 100% cán bộ, công chức TAND đã tiến hành kê khai tài sản một cách nghiêm túc, góp phần phục vụ công tác quản lý cán bộ, công chức của TAND. Trên cơ sở bản kê khai tài sản, thu nhập và qua xác minh thì các đối tượng thuộc diện phải kê khai đều thực hiện đầy đủ, không có đơn, thư tố cáo về việc minh bạch tài sản thu nhập; không có trường hợp nào có kết luận xác minh tài sản, thu nhập không trung thực.

Mặt khác, để thực hiện có hiệu quả Nghị định số 107/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng (được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 211/2013/NĐ-CP) và Nghị định số 103/2006/NĐ-CP về trách nhiệm của người đứng đầu trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, TANDTC đã có nhiều văn bản nhằm cụ thể hóa việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng. Thời gian qua, TANDTC đã thực hiện nghiêm túc việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng ở cơ quan, đơn vị mình. Bất cứ ở cơ quan nào để xảy ra tình trạng cán bộ, công chức thuộc diện quản lý có hành vi tham nhũng, lãng phí thì người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu đều phải xem xét trách nhiệm. Việc xử lý triệt để đã có tác dụng đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, đồng thời có tác dụng răn đe đối với những cán bộ, công chức trong quá trình thực thi nhiệm vụ, góp phần phòng ngừa các hành vi tham nhũng.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chú trọng công tác phòng ngừa tham nhũng trong hệ thống Tòa án nhân dân