Ngày 17/7, UBND huyện Đăk Tô (Kon Tum) cho biết đã có báo cáo thẩm tra nội dung mà báo chí phản ánh về việc ông N.H.L, Chủ tịch UBND xã Diên Bình bị lừa đảo qua mạng hơn 4,6 tỉ đồng.
Theo báo cáo của ông L, người này đã tự tìm hiểu và được giới thiệu Trung tâm thương mại GUM (tại nước Nga) có những sản phẩm điện tử chưa ai phân phối. Lợi nhuận cao nên gia đình ông L đã bàn bạc và thống nhất cùng nhau góp vốn để nhập hàng.
Tổng số tiền gia đình ông L đóng góp khoảng 4,6 tỉ đồng. Trong đó, vợ chồng ông L vay ngân hàng 1,3 tỉ đồng, gia đình bên vợ đóng góp 2 tỉ đồng và chị gái ông L đóng góp 1,3 tỉ đồng.
Theo ông L, trong quá trình hợp tác, gia đình đã 2 lần nhận chiết khấu tổng cộng 3,1 triệu đồng. Sau đó, gia đình thống nhất nâng cấp thành viên để hưởng chiết khấu cao hơn. Tuy nhiên, sau đó ông L nhận thấy khó thu hồi vốn, các khoản chi phí thu hồi cao, nhân viên chăm sóc khách hàng nhiều lần hứa hẹn nên đã trình báo với Công an tỉnh Kon Tum.
Hiện ông L vẫn liên hệ bình thường với nhân viên chăm sóc khách hàng của tổ chức này. Ông L khẳng định, số tiền đóng vào chưa mất và đang nhờ người thân tại Nga trực tiếp làm việc với trung tâm thương mại này để lấy lại.
Như Báo Công lý đã thông tin, từ tháng 5/2024, thông qua mạng xã hội, ông L. quen biết một tài khoản tên Nguyễn Yến, tự giới thiệu trú tại Đắk Lắk, đang du học tại Nhật Bản. Tài khoản Nguyễn Yến đã rủ ông L. làm thành viên phân phối cho các sản phẩm điện tử từ trung tâm thương mại tại nước Nga gửi về.
Ông L. đồng ý nên ngày 20/5, đã nộp 500 USD vào tài khoản cá nhân tên Trần Văn Khanh để đăng ký làm thành viên phân phối. Ngay sau đó, "đối tác" gửi các sản phẩm về để ông L. thực hiện phân phối. Hai ngày liền sau đó, ông L. nhận được chiết khấu mỗi ngày hơn 1,5 triệu đồng, tổng cộng 3,1 triệu đồng.
Ông L. trình bày đã 10 lần nộp với tổng số tiền hơn 4,6 tỉ đồng theo yêu cầu của "đối tác". Tuy nhiên, khi muốn rút, ông bị yêu cầu nộp thêm các loại phí khác nhưng vẫn không rút được. Nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo, ông đã trình báo vụ việc lên cơ quan Công an.