Nguồn nước sạch ổn định và lâu dài góp phần nâng cao sức khỏe cho người dân, giúp giảm thiểu bệnh tật nhất là đối với trẻ em, phụ nữ, người già.
Những ai theo dõi cả quá trình hình thành dự án, triển khai cho tới khi chính thức đi vào phát nước, hẳn sẽ nhận thấy rằng công trình Nhà máy nước mặt sông Đuống thực sự là dự án trọng điểm của Thủ đô không chỉ ở mức độ quy mô đầu tư (giai đoạn 1 – 5000 tỷ đồng) mà vì nó có liên quan trực tiếp đến sức khỏe của hàng triệu người dân.
Bởi tính chất quan trọng ấy, Chủ tịch Thành phố Hà Nội đã xuất hiện tại lễ khởi công dự án, trực tiếp đi kiểm tra tiến độ dự án và vui mừng uống nước trực tiếp tại vòi dự lễ phát nước chính thức, khởi công dự án giai đoạn 2.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đến dự lễ khánh thành, phát biểu và tham quan nhà máy nhân dịp Nhà máy nước mặt sông Đuống chính thức đi vào hoạt động
Trong lễ phát nước tại Nhà máy nước mắt sông Đuống ngày 13/10/2018, ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch Thành phố Hà Nội nhấn mạnh: “Thông qua việc đầu tư xây dựng hệ thống cung cấp nước sạch với quy mô lớn, mang tính liên vùng, liên tỉnh, công trình Nhà máy nước mặt Sông Đuống sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu chiến lược trong phát triển một hệ thống cấp nước sạch bền vững, có khả năng cung cấp và đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng nước sạch ổn định và lâu dài cho Thủ đô và các vùng lân cận; góp phần nâng cao sức khỏe cho người dân trong việc hưởng lợi từ việc sử dụng nước sạch, đặc biệt là trẻ em, người già và phụ nữ, giúp giảm thiểu các bệnh tật gây ra từ nguồn nước và tình trạng ô nhiễm môi trường sống do nguồn nước không hợp vệ sinh gây ra”.
Có thể thấy rằng, Chủ tịch Thành phố đã đặt rất nhiều kỳ vọng vào dự án này, bởi đây là dự án nước sạch đầu tiên triển khai tại Hà Nội áp dụng những công nghệ hiện đại tiên tiến hàng đầu thế giới cho ra nước sạch uống được ngay tại vòi – điều mà các nước châu Âu đã làm được từ vài chục năm trước.
Vì lẽ đó, Chủ tịch Thành phố yêu cầu các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư để đảm bảo dự án tiếp tục hoàn thành đúng tiến độ giai đoạn 2 (vào năm 2020) cung cấp 300 nghìn m3 nước/ngày đêm và tiến tới giai đoạn 3 (hoàn thành 2022) cung cấp 600 nghìn m3 nước/ngày đêm.
Trong những năm qua đã có hàng trăm bài báo đề cập tới vấn đề nước sinh hoạt của người dân Thủ đô. Gọi là “nước sạch” nhưng thực tế lại không phải vậy, khi mà ở nhiều nơi, nhiều khu vực, người dân phải đối diện với nguồn nước nhiễm asen gấp nhiều lần mức độ cho phép; rất nhiều tạp chất xuất hiện trong nước gây hư hại đồ dùng và làm ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của người dân.
Nguồn nước cũng giống như mạch máu trong cơ thể con người. Nếu nước bẩn sẽ sinh ra nhiều loại bệnh, đe dọa trực tiếp sức khỏe, tính mạng của người sử dụng. Tỷ lệ các bệnh cấp và mãn tính về đường tiêu hóa (tả, lị, thương hàn…), chân tay miệng… ngày càng tăng.
Đáng chú ý các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng khi sử dụng nước nhiễm asen nặng để ăn uống thì con người có thể mắc bệnh ung thư, trong đó thường gặp là ung thư da.
Bên cạnh đó, những người ăn uống phải nước nhiễm chì lâu ngày có thể mắc bệnh thận, thần kinh, nhiễm Amoni, Nitrat, Nitrit. Gây mắc bệnh xanh da, thiếu máu, ung thư…
Các kiểm nghiệm từng cho thấy, trong các nguồn nước máy, nguồn nước bị nhiễm bẩn hoặc các nguồn nước áp dụng các biện pháp khử trùng không đảm bảo có chứa một số vi khuẩn gây tiêu chảy, thủng giác mạc, viêm đường tiết niệu… hoặc chứa quá nhiều fluor gây đen răng, mục xương.
Những vi khuẩn gây bệnh đường ruột đặc biệt là nhóm Samonella, khuẩn tả có thể tồn tại trong nước khá lâu. Đồng thời, có nhiều xét nghiệm còn cho thấy các vi khuẩn gây bệnh đường ruột khác như leptospira, brucella, tularensis… tồn tại trong nước tự nhiên và trong nước uống.
Toàn cảnh Nhà máy nước mặt sông Đuống nhìn từ trên cao
Theo tổ thức Y tế thế giới có đến 75% người Việt Nam mắc bệnh giun sán, trong số đó trẻ em chiếm tỷ lệ từ 70 - 90%. Ấu trùng của các loại giun này sẽ chui vào ruột, mật, não, mắt… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Đó là những con số thật sự đáng báo động, có nguy cơ ảnh hưởng rất xấu tới đời sống của những thế hệ tương lai của đất nước, nếu như không có các biện pháp kịp thời để ngăn chặn.
Sự ra đời của Nhà máy nước mặt sông Đuống đã và đang góp phần tích cực để giải quyết thực trạng này. Khi đi vào vận hành, NMNM sông Đuống sẽ đảm bảo đủ cung cấp nguồn nước sạch cho 1/3 dân số Hà Nội (khoảng 3 triệu dân, tại 168 xã, phường thuộc 8 quận, huyện ở khu vực Đông Bắc và phía Nam thành phố Hà Nội, các khu đô thị, khu công nghiệp trên đường 179 và một số vùng phụ cận như Bắc Ninh, Hưng Yên…) và dần thay thế nguồn nước ngầm đã và đang có nguy cơ ô nhiễm cao.
Chị Nguyễn Thị Kim Hoa (Thôn Thượng Thương Hà, huyện Gia Lâm) chia sẻ: “Gia đình tôi rất vui khi được sử dụng nước của Nhà máy nước sông Đuống, vì nước rất sạch đến mức uống được luôn thì rất yên tâm. Nhà tôi có con nhỏ nên sử dụng nước trước đây cũng rất lo lắng, bây giờ thì rất yên tâm, nước uống được luôn thì không cần phải sử dụng máy lọc nữa”.
Một người dân khác là anh Trần Văn Dũng (xã Dương Hà, huyện Gia Lâm) cho biết: “Là một trong những hộ dân đầu tiên tiếp nhận nguồn nước sạch của Nhà máy nước mặt sông Đuống, chúng tôi rất phấn khởi, rất yên tâm.
Trước kia chúng tôi sử dụng giếng nước khoan, xây bể tự lọc nhưng khi nấu vẫn còn vẫn đục nên vừa dùng vừa lo lắng mà cũng chẳng biết phải làm thế nào. Chúng tôi rất cảm ơn nhà máy đã làm dự án nhanh để dân chúng tôi có nước sạch sử dụng. Chúng tôi rất hạnh phúc đón nhận nguồn nước sạch và ai cũng quí điều đó mọi người rất an tâm sử dụng và đã có kiểm định và không có mùi hay cặn bẩn gì cả”.
Ngay sau phát nước giai đoạn 1, NMNM sông Đuống triển khai ngay giai đoạn 2 của dự án, dự kiến tháng10/2019 sẽ nâng công suất lên 300.000m2/ngày đêm. Và trong chiều nay ngày 16/10 , đã tiến hành đánh chìm tuyến ống thép dẫn nước qua sông Hồng có chiều dài 500m, dẫn nước sạch sang khu vực Hoàng Mai, Thanh Trì thay thế cho nguồn nước bị nhiễm phèn của người dân ở phía Nam thành phố Hà nội. Tuyến ống qua sông Hồng được thiết kế đi dưới sông sử dụng 2 ống thép DN1400 (theo Tiêu chuẩn BS EN 10224: 2002,. Chiều sâu đặt ống trung bình ≥4.0m, với chiều dày lớp phủ tự nhiên lên trên khoảng 2.6m kết hợp với bê tông gia tải và bê tông bảo vệ ống tạo độ ổn định của tuyến ống băng sông trong quá trình vận hành. Sử dụng mối nối mềm DN1400 để kết nối với ống trước và sau điểm qua sông. Tuyến ống được trắc dọc trên nguyên tắc theo độ dốc địa hình của dòng sông. Đoạn ống kéo qua sông đánh chìm được thiết kế với độ dốc nhỏ nhất nằm trên địa hình bằng phẳng sau khi đã ổn định phui đào. Đoạn ống hai đầu bờ được thiết kế kết nối với ống nằm dưới sông theo độ dốc thực tế của dòng sông. Sau khi hoàn thành tuyến ống qua sông Hồng sẽ đảm bảo cung cấp nước liên tục với lưu lượng 200,000 m3/ngđ – 300,000 m3/ngđ cho các khu vực Quận Hoàng Mai; Thành Trì và các Quận thuộc các khu vực nội đô; thay thế các nguồn nước ngầm hiện đang bị suy thoái và ô nhiễm trầm trọng góp phần cải thiện điều kiện sống; cung cấp nguồn nước sạch đảm bảo tiêu chuẩn cho người dân. |