Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm và làm việc tại Bà Rịa - Vũng Tàu

02/01/2024 14:10
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng nay, 2.1, trong ngày làm việc đầu tiên của năm mới 2024, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có chuyến thăm, làm việc tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Cùng đi có các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới; Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Lê Quang Mạnh; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh; đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Về phía tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Viết Thanh; đại diện Tỉnh ủy, HĐND, UBND và Đoàn ĐBQH tỉnh...

ctqh-du-qn2-1704172057452.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với các công nhân đang thi công Dự án thành phần 3 Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu tại thị xã Phú Mỹ. Ảnh: Lâm Hiển

Ngay sau khi tới Bà Rịa - Vũng Tàu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác đã đến thăm, khảo sát thực tế tại Dự án thành phần 3 Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu tại thị xã Phú Mỹ.

Đã quyết tâm, “thần tốc” rồi, thì phải quyết tâm và “thần tốc” hơn nữa

Tại đây, sau khi nghe báo cáo tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 59/2022/QH15 ngày 16.6.2022 về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 và tình hình triển khai thực hiện 3 dự án thành phần, trong đó có dự án thành phần 3 do UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là cơ quan chủ quản, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, qua nghe báo cáo và khảo sát thực địa cho thấy, đến nay Bà Rịa - Vũng Tàu đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao để triển khai dự án và cơ bản đã “nhìn thấy hình hài cao tốc”, đoạn qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Chủ tịch Quốc hội biểu dương, đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự quản lý của Bộ Giao thông vận tải trong triển khai thực hiện dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư cũng như tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh. Trong đó, Quốc hội đã quan tâm giải quyết thông qua việc kịp thời bố trí vốn cho dự án, đặc biệt là có rất nhiều cơ chế, chính sách đặc thù để triển khai thực hiện dự án quan trọng quốc gia này.

“Tinh thần của Bà Rịa - Vũng Tàu là rất thần tốc, rất quyết tâm, triển khai rất nhanh đoạn qua địa phương, và với tiến độ như vậy, chúng tôi hy vọng sẽ hoàn thành không những đúng tiến độ mà còn vượt tiến độ đề ra”. Ghi nhận kết quả này, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, về vấn đề bố trí, phân bổ vốn, trên cơ sở nhu cầu vốn của dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tham mưu để khi Chính phủ trình Quốc hội sẽ phân bổ bảo đảm “tăng tốc để hoàn thành đoạn này (dự án thành phần 3 - PV).

Cùng với đó, để hoàn thành 2 dự án thành phần 1, 2 và đưa vào khai thác được toàn tuyến, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Giao thông vận tải, với vai trò “nhạc trưởng” cũng phải phát huy mạnh mẽ hơn nữa; đồng thời tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cần phối chặt chẽ hơn nữa với tỉnh Đồng Nai. Đặc biệt với vấn đề giải phóng mặt bằng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cùng với Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, theo đó “vấn đề nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì Chính phủ giải quyết, còn nếu thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc của Quốc hội, thì Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẵn sàng đáp ứng để chúng ta xử lý cho nhanh”.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, năm 2024 này, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có các dự án liên quan đến cao tốc, dự án trọng điểm quốc gia và dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Ủy ban Tài chính - Ngân sách, cơ quan được giao chủ trì chuyên đề giám sát này, phối hợp với Ủy ban Kinh tế triển khai sớm chuyên đề giám sát này với tinh thần “khi có quyết định giám sát thì tốc độ của dự án, công trình, nội dung thuộc phạm vi giám sát đã phải được đẩy lên” và “trong quá trình giám sát phải tháo gỡ được các vướng mắc, khó khăn đang đặt ra”.

“Đây là giám sát tối cao của Quốc hội, là cơ quan được giao chủ trì, Ủy ban Tài chính - Ngân sách sẽ góp phần vào cuộc từ sớm cùng với Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ, các địa phương để đẩy nhanh tiến độ cũng như tháo gỡ khó khăn về vốn hoặc các vướng mắc khác”. Lưu ý điều này, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, với tiến độ của dự án thành phần thứ 3 do UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là cơ quan chủ quản như hiện nay, tin rằng, chúng ta có thể hoàn thành sớm hơn so với kế hoạch các dự án thành phần, bảo đảm mục tiêu của toàn bộ dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu theo Nghị quyết 59 của Quốc hội, đó là cơ bản hoàn thành toàn tuyến vào năm 2025 và đưa vào khai thác, sử dụng vào đầu năm 2026.

“Đã quyết tâm rồi, thì phải quyết tâm hơn nữa, đã thần tốc rồi phải thần tốc nữa, và phải thần tốc ở cả 3 đoạn để đến năm 2025 là về đích”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng để thi công dự án thành phần 3

Tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội khóa XV đã thông qua chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 (Nghị quyết số 59/2022/QH15). Theo đó Dự án được chia thành 3 dự án thành phần với mục tiêu hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ với đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, kết nối các trung tâm kinh tế cảng biển; phát huy tối đa tiềm năng của cảng biển Cái Mép - Thị Vải, đáp ứng nhu cầu vận tải; tạo dư địa, động lực, không gian phát triển vùng Đông Nam Bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại; góp phần bảo đảm quốc phòng an ninh; nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, từng bước thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Dự án được chia thành 3 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công, giao Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh Đồng Nai và UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm cơ quan chủ quản; tiến độ chuẩn bị đầu tư, thực hiện Dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 90/NQ-CP ngày 25.7.2022 để triển khai thực hiện. Cụ thể, dự án thành phần 1 (do UBND tỉnh Đồng Nai làm cơ quan chủ quản) có chiều dài khoảng 16km với sơ bộ tổng mức đầu tư 6.240 tỷ đồng; dự án thành phần 2 (Bộ Giao thông vận tải làm cơ quan chủ quản) có chiều dài khoảng 18,2km với sơ bộ tổng mức đầu tư 6.407 tỷ đồng.

Dự án thành phần 3, do UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm cơ quan chủ quản với quy mô đầu tư điểm đầu tại Km34+200, kết nối với điểm cuối Dự án thành phần 2 tại vị trí giáp ranh giữa địa phận tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Đồng Nai thuộc địa phận xã Phước Bình, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Điểm cuối tại Km53+700 giao với Quốc lộ 56 - tuyến tránh Bà Rịa thuộc địa phận thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tổng chiều dài tuyến khoảng 19,5km. Giai đoạn hoàn chỉnh dự án sẽ là đường cao tốc cấp 100, quy mô 6 làn xe (theo tiêu chuẩn TCVN 5729 - 2012 “Đường ô tô cao tốc - Yêu cầu thiết kế”). Giai đoạn phân kỳ là đường cao tốc cấp 100, quy mô 4 làn xe. Diện tích đất sử dụng cho dự án thành phần 3 khoảng 140,45ha và tổng mức đầu tư: hơn 4.900 tỷ đồng.

Thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 90/NQ-CP ngày 25.7.2022 về việc triển khai Nghị quyết 59/2022/QH của Quốc hội và Quyết định số 17/QĐ-TTg ngày 28.7.2022 về việc phân cấp thực hiện các dự án thành phần. Theo đó, UBND các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bộ Giao thông vận tải được giao nhiệm vụ cơ quan chủ quản triển khai thực hiện các dự án thành phần.

Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thành phần 2 và Dự án thành phần 3 vào ngày 6 và 15.12.2022, cơ bản đáp ứng tiến độ yêu cầu. Tổng mức đầu tư của 3 dự án thành phần được phê duyệt là 17.829 tỷ đồng, trong đó tổng mức đầu tư dự án thành phần 3 là 4.963 tỷ đồng.

ctqh-du-qn4-1704172426869.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nghe báo cáo tiến độ thi công Dự án thành phần 3 Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu tại thị xã Phú Mỹ. Ảnh: Lâm Hiển

Toàn bộ Dự án được chia thành 3 dự án thành phần xây dựng với tổng số 5 gói thầu xây lắp do Cục Quản lý đầu tư xây dựng làm cơ quan chuyên môn về xây dựng. Đến nay, các Chủ đầu tư đã hoàn thành công tác lập thiết kế kỹ thuật và dự toán 5/5 gói thầu.

Để đáp ứng tiến độ khởi công Dự án trước ngày 30.6.2023, cơ quan chuyên môn về xây dựng đã khẩn trương tổ chức thẩm định, đáp ứng tiến độ phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán và lựa chọn nhà thầu thi công. Đến ngày 18.6.2023 các dự án thành phần đã đồng loạt khởi công theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

Đối với hệ thống giao thông thông minh (ITS) và hệ thống thu phí của các dự án thành phần, hiện nay Đề án “Đầu tư, quản lý, vận hành khai thác và bảo trì hệ thống ITS và hệ thống thu phí ETC trên đường cao tốc” do Cục Đường bộ Việt Nam - Bộ Giao thông vận tải xây dựng vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện và chưa chính thức ban hành nên trong giai đoạn trước mắt, hệ thống ITS chỉ đầu tư một số hạng mục hạ tầng (bể cáp, ống bảo vệ cáp, bệ móng cột), hạng mục trạm thu phí chỉ đầu tư giá long môn, tương tự như phương án đã thực hiện của Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Dự án thành phần 3 chỉ bao gồm 1 gói thầu xây lắp, đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu trong tháng 6.2023.

Về công tác giải phóng mặt bằng, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm cơ quan chủ quản dự án thành phần 3, bắt đầu thực hiện công tác này từ tháng 10.2022 và đến nay đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và bàn giao mặt bằng để thi công dự án.

Dự án thành phần 3 đã khởi công xây dựng vào ngày 18.6.2023 và đang triển khai 11 mũi thi công, giá trị thực hiện đến ngày 31.12.2023 đạt khoảng 10% khối lượng công trình, cụ thể phần cầu đã thi công 143 cọc khoan nhồi, 77 phiến dầm, đổ 1.484 m bê tông mố trụ cầu tại các cầu Suối Nhum; Cầu vượt Hội bài - Châu Pha; Cầu Suối Đá; Cầu vượt ngang Km43+767; phần đường đã thi công 1.500 md cống các loại, đắp 200.000 m3 đất, 10Km đường công vụ dọc tuyến.

Về công tác bố trí vốn và giải ngân, tổng số vốn đã được giao trong kế hoạch hàng năm là 2.128 tỷ đồng, giải ngân đạt 100% tổng số vốn đã được giao. Ngoài ra, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tạm ứng 570,318 tỷ đồng vốn ngân sách tỉnh để chi trả chi phí giải phóng mặt bằng dự án trong thời gian vốn ngân sách trung ương chưa thể bố trí.

Kiến nghị phân bổ vốn ngân sách 2021 cho dự án trong 2024 để bảo đảm tiến độ thực hiện

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện đã gặp một số khó khăn, vướng mắc, như chi phí giải phóng mặt bằng được tính toán tại thời điểm hiện tại của dự án thành phần 3 tăng khoảng 990 tỷ đồng so với chi phí giải phóng mặt bằng tại tổng mức đầu tư đã được phê duyệt, các dự án thành phần dự kiến tăng khoảng 3.674,0 tỷ đồng so với chi phí giải phóng mặt bằng tại tổng mức đầu tư đã được phê duyệt, dẫn đến tổng mức đầu tư Dự án tăng khoảng 3.665,2 tỷ đồng so với sơ bộ tổng mức đầu tư được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 59/2022/QH15.

Để bảo đảm việc triển khai dự án theo đúng yêu cầu tại Nghị quyết 59/2022/QH15 của Quốc hội, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Chủ tịch Quốc hội và Đoàn công tác tiếp tục quan tâm, thường xuyên giám sát tình hình thực hiện Dự án; chỉ đạo các cơ quan liên quan kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, đảm bảo tiến độ yêu cầu. Có ý kiến với Đoàn ĐBQH các địa phương có dự án đi qua thường xuyên quan tâm, hỗ trợ và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án, đặc biệt là chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận với chính sách đền bù, hỗ trợ khi thu hồi đất để giải quyết dứt điểm vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư; kiểm soát chặt chẽ giá các mặt hàng, dịch vụ, giá vật liệu xây dựng, chống việc lợi dung tăng giá, ép giá; công bố giá, chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng hàng tháng sát với biến động của thị trường.

Cùng với đó, cần xem xét Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án do tăng chi phí giải phóng mặt bằng khi Chính phủ trình. Xem xét phân bổ nguồn vốn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 cho dự án trong năm 2024 để bảo đảm tiến độ thực hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm và làm việc tại Bà Rịa - Vũng Tàu