Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt - Áo

Ngọc Mai| 06/09/2021 18:55
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng 6/9 giờ địa phương, chiều cùng ngày giờ Việt Nam, tại Thủ đô Vienna, Cộng hòa Áo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt - Áo.

chu-tich-quoc-hoi-tham-du-dien-dan-viet-ao.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt - Áo

Đây là sự kiện do Phòng Thương mại Công nghiệp Áo phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ quán Việt Nam tại Áo tổ chức nhân dịp Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 tại Cộng hòa Áo.

Diễn đàn thu hút sự tham dự của gần 60 đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp lớn của hai nước trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, y tế, tư vấn, giao thông, ô tô, thiết bị an ninh, phòng cháy, xử lý rác thải y tế, xử lý bề mặt kim loại, thương mại, luật, dịch vụ hàng không, năng lượng… Đại diện các doanh nghiệp Áo đều đánh giá cao tiềm năng hợp tác đầu tư với Việt Nam, coi Việt Nam là cửa ngõ vào ASEAN; đồng thời mong muốn tìm hiểu thị trường hoặc mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Năm 2020, Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng 2,91%, là một trong những nền kinh tế thuộc nhóm tăng trưởng cao nhất trên thế giới. Trong 8 tháng đầu năm nay, Việt Nam được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế nâng triển vọng lên tích cực, các chỉ số kinh tế vĩ mô ổn định... và đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 ASEAN với quy mô GDP trên 350 tỷ USD; kết quả thu hút FDI tích cực và lần đầu tiên được UNCTAD đưa vào danh sách 20 quốc gia thu hút FDI hàng đầu thế giới. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt 6,5% trong năm 2021, cao hơn mức tăng trưởng 6% của toàn thế giới.

Đối với khu vực EU, năm 2020 bất chấp những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, kim ngạch thương mại Việt Nam - EU vẫn đạt gần 56 tỷ USD. EU là đối tác FDI đứng thứ 6 của Việt Nam với tổng vốn đầu tư đạt trên 22 tỷ USD. Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực từ tháng 8.2020 và dự kiến Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) khi chính thức được phê duyệt sẽ tạo ra khuôn khổ hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư lâu dài, ổn định; bảo đảm việc thực hiện các cam kết tự do hóa thương mại giữa Việt Nam và EU.

Là một trong những quốc gia Tây Âu đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ đầu những năm 1970, kim ngạch thương mại song phương Việt - Áo trong năm 2020 đạt 3,2 tỷ USD. Đây là con số ấn tượng trong bối cảnh dịch Covid-19, gấp 13 lần so với thời điểm năm 2010. Áo hiện có 37 dự án với tổng vốn đầu tư đạt khoảng 150 triệu USD, tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo và khoa học công nghệ và là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam khi hiện đang nằm trong nhóm 5 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong khối EU.

Tuy nhiên, những kết quả hợp tác giữa Việt Nam - Áo vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng và cơ hội hợp tác giữa hai nước.

Phát biểu với các doanh nghiệp hai nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao việc các cơ quan đã phối hợp tổ chức Diễn đàn rất ý nghĩa này. Áo là quốc gia đầu tiên trong chuyến công du đầu tiên tới khu vực châu Âu của lãnh đạo cấp cao Việt Nam kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát đầu năm 2020. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, điều này đã thể hiện sự coi trọng của Việt Nam trong quan hệ hợp tác kinh tế với EU nói chung và Áo nói riêng.

Để tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước, hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1972-2022), Chủ tịch Quốc hội đề nghị hai nước cần đẩy mạnh trao đổi thông tin sâu rộng về chính sách liên quan tới đầu tư của mỗi nước, đặc biệt trong các lĩnh vực ưu tiên hợp tác như năng lượng sạch, hạ tầng, viễn thông, kinh tế số, ứng dụng công nghệ sinh học… Nâng cao vai trò của Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Áo về hợp tác kinh tế thương mại, đồng thời phối hợp triển khai các chương trình hợp tác xúc tiến đầu tư, thương mại dưới nhiều hình thức để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hai bên hiểu biết hơn về môi trường, cơ hội đầu tư của mỗi nước. Các cơ quan hữu quan hai nước cần khuyến khích và thúc đẩy dòng đầu tư và thương mại hai chiều, trên cơ sở cùng có lợi; tăng cường trao đổi các đoàn doanh nghiệp đi khảo sát tìm hiểu thị trường cơ hội đầu tư và kết nối kinh doanh.

chu-tich-quoc-hoi-tham-du-dien-dan-viet-ao-1.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt - Áo

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị doanh nghiệp Áo và Phòng Thương mại Công nghiệp Áo ủng hộ Việt Nam, có tiếng nói thúc đẩy Quốc hội Áo hoàn tất các thủ tục phê chuẩn EVIPA trong thời gian sớm nhất. EVIPA sớm có hiệu lực cùng với EVFTA sẽ tạo lợi thế cạnh tranh rất lớn cho các doanh nghiệp châu Âu nói chung và Áo nói riêng đầu tư vào Việt Nam, mở ra những cơ hội mới kết nối giao thương giữa Việt Nam và Áo. Ví EVFTA và EVIPA như “hai cánh của một con chim”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, nếu chỉ có hiệp định thương mại mà không có hiệp định bảo hộ đầu tư thì quyền lợi của các nhà đầu tư Việt Nam cũng như nhà đầu tư châu Âu sẽ không được bảo đảm. “Khi EVIPA được các nghị viện thành viên EP phê chuẩn thì mới có thể coi hai Hiệp định này như một cao tốc, đại lộ kinh tế kết nối giữa châu Âu và Việt Nam”. Chủ tịch Quốc hội cũng mong muốn doanh nghiệp Áo ủng hộ để Chính phủ Áo hỗ trợ cung cấp vaccine, các trang thiết bị y tế, giúp Việt Nam phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Áo có thể trở thành cầu nối giúp Việt Nam tiếp cận thị trường EU; đồng thời, Việt Nam sẽ trở thành cầu nối giúp Áo tiếp cận thị trường ASEAN rộng lớn với hơn 650 triệu dân và một thị trường lớn hơn với 800 triệu dân khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam là thành viên, đã chính thức có hiệu lực. “Chúng tôi cam kết tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất hướng đến các chuẩn mực của OECD, đó là: giữ vững ổn định chính trị xã hội và kinh tế vĩ mô; tháo gỡ những điểm nghẽn của nền kinh tế về thể chế pháp luật, hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực; phát triển các chuỗi cung ứng, giảm chi phí giao dịch, đặc biệt là chi phí về logistics và chi phí hành chính; xây dựng môi trường - chính sách ổn định, có tính dự báo cao, thực thi minh bạch và trách nhiệm giải trình”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Với sự tham dự Diễn đàn của nhiều doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam và Áo trong các lĩnh vực mà hai bên có tiềm năng hợp tác, Chủ tịch Quốc hội mong muốn, cộng đồng doanh nghiệp hai nước phát huy lợi thế, kết nối hợp tác để xây dựng và hình thành các chuỗi giá trị, kết nối giữa hai nước và với thị trường toàn cầu. Theo đó, cộng đồng doanh nghiệp hai nước không chỉ là chủ thể của tiến trình hợp tác kinh tế, mà cần đóng vai trò khởi xướng các ý tưởng mới, tạo động lực mới trong thương mại và đầu tư, góp phần củng cố và làm phong phú hơn mối quan hệ tốt đẹp giữa Nhà nước và nhân dân hai nước. Quốc hội Việt Nam hiện đang có chương trình tổng thể về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm tạo môi trường thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Việt Nam sẵn sàng trao đổi cởi mở và cam kết luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư Áo đầu tư thành công, bền vững, lâu dài ở Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt - Áo