Thăm, chúc Tết cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Viện Nghiên cứu lập pháp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tới đây Quốc hội sẽ xây dựng đề án, quy hoạch, kiện toàn đội ngũ cán bộ, trong đó có Viện nghiên cứu lập pháp. Vì vậy, Viện cũng cần chuẩn bị “từ sớm, từ xa” trong việc kiện toàn đội ngũ cán bộ kế cận; cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu tại Viện Nghiên cứu lập pháp
Chiều 27/01 (mùng 6 Tết), tại trụ sở cơ quan Văn phòng Quốc hội, GS.TS Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội đã tới thăm, chúc Tết cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Viện Nghiên cứu lập pháp nhân dịp đầu xuân Quý Mão năm 2023.
Cùng đi có: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới; Trợ lý Chủ tịch Quốc hội; đại diện các vụ, đơn vị của Văn phòng Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội: Viện Nghiên cứu lập pháp cần chuẩn bị “từ sớm, từ xa” trong việc kiện toàn đội ngũ cán bộ kế cận; cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ vui mừng đến thăm, làm việc với tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc Viện Nghiên cứu lập pháp, cảm nhận được không khí phấn khởi và tràn đầy quyết tâm của cơ quan nghiên cứu hàng đầu của Quốc hội trong ngày làm việc đầu tiên của năm mới.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Viện Nghiên cứu lập pháp là thiết chế rất đặc thù, qua các thời kỳ phát triển của Quốc hội có nhiều đặc điểm khác nhau, có thời kỳ đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội trực tiếp làm Trưởng Ban Công tác lập pháp,… Do đó, hoạt động nghiên cứu lập pháp giữ vai trò quan trọng đối với hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.
Nhắc lại Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cách đây 14 năm khi làm Chủ tịch Quốc hội cũng đặc biệt quan tâm đến hoạt động của Viện Nghiên cứu lập pháp, Chủ tịch Quốc hội cho biết, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ủy ban Thường vụ đã quan tâm, tìm tòi, nghiên cứu để hoàn thiện cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ của Viện nghiên cứu lập pháp nhằm giúp Viện tiếp tục phát huy và hoạt động hiệu quả.
Theo đó, Ủy ban Thường vụ đã ban hành Nghị quyết số 05/2021/UBTVQH15 ngày 29/9/2021 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Nghiên cứu lập pháp. Việc ban hành Nghị quyết số 05/2021/UBTVQH15 là một trong những sản phẩm, thành quả đầu tiên của việc thực hiện Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết số 161 của Quốc hội khóa XIV về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trong bộn bề công việc năm 2022 của Quốc hội, Viện nghiên cứu lập pháp đã hoàn thành các nhiệm vụ quan trọng được giao. Tiếng nói của Viện là tiếng nói mang tính độc lập, có giá trị hữu ích trong công tác lập pháp của Quốc hội, nhất là đối với những vấn đề mới, khó, còn nhiều ý kiến khác nhau. Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá cao Viện nghiên cứu lập pháp đã huy động được trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học đóng góp ý kiến để hoàn thiện vào các pháp lệnh, các nghị quyết, các luật mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội thông qua.
Đối với những khó khăn mà Viện nghiên cứu lập pháp đang gặp phải, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Viện cần nghiên cứu rà soát lại các nhiệm vụ, căn cứ theo Nghị quyết số 05/2021/UBTVQH15; Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập để đảm bảo hoạt động, chế độ chính sách theo đúng quy định của pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, tới đây Quốc hội sẽ xây dựng đề án, quy hoạch, kiện toàn đội ngũ cán bộ, trong đó có Viện nghiên cứu lập pháp. Vì vậy, Viện cũng cần chuẩn bị “từ sớm, từ xa” trong việc kiện toàn đội ngũ cán bộ kế cận; cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Đồng thời, tiếp tục bám sát các Đề án lớn của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; soát xét lại 137 nhiệm vụ lập pháp theo Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội; các nhiệm vụ lập pháp cụ thể trong năm 2023 để tạo sự chủ động trong triển khai thực hiện các chức năng, nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, Viện Nghiên cứu lập pháp cần đặc biệt chú ý đến việc lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học vào các dự án luật quan trọng được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 5, thứ 6, như: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi),…; không ngừng thúc đẩy mở rộng hợp tác, phối hợp với các cơ sở nghiên cứu khoa học, cơ sở đào tạo trong và ngoài nước; việc hợp tác, phối hợp với các cơ quan, tổ chức cần đi vào chiều sâu, thực chất; tăng cường mạng lưới chuyên gia, nhà khoa học, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả trong việc huy động các chuyên gia, nhà khoa học vào hoạt động góp ý, tham vấn chính sách đối với hoạt động lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương sự chủ động, tích cực, sự nỗ lực của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Viện Nghiên cứu lập pháp, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, những thành quả đạt được trong năm 2022 của Viện đã góp phần vào kết quả chung của khối các cơ quan tham mưu, phục vụ hoạt động của Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Trong không khí phấn khởi và tràn đầy niềm tin, hy vọng của năm mới Quý Mão, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng Viện Nghiên cứu lập pháp sẽ thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đề ra trong năm 2023, tiếp tục phát huy hiệu quả cơ chế chuyên gia để đóng góp nhiều hơn nữa vào hoạt động của Quốc hội. Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội chúc tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc Viện Nghiên cứu lập pháp, một năm mới dồi dào sức khỏe, thành công.
Thay mặt cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển trân trọng tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội; khẳng định sẽ nỗ lực hiện thực hóa tin tưởng và kỳ vọng của Chủ tịch Quốc hội; nỗ lực phấn đấu, đổi mới để không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của Quốc hội.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội cùng các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội để Viện Nghiên cứu lập pháp tiếp tục phát triển toàn diện, mạnh mẽ; xứng đáng với vị thế cũng chức năng, nhiệm vụ được giao.