Đảng đoàn Quốc hội cũng đang bàn siết chặt lại kể cả hoạt động của đại biểu Quốc hội chuyên trách lẫn đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm trong tổ chức của Quốc hội theo đúng Luật và phải làm theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại”, Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Ngày 11/5, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các ứng cử viên đại biểu Quốc hội thuộc đơn vị bầu cử số 3 của TP Hải Phòng đã tiếp xúc cử tri huyện Tiên Lãng, quận Kiến An và quận Dương Kinh để thực hiện quyền vận động bầu cử.
Các hội nghị tiếp xúc cử tri được kết nối trực tuyến đến các xã, phường để bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch Covid - 19.
Sau khi cùng các ứng cử viên trình bày trước cử tri của huyện Tiên Lãng, quận Kiến An, Dương Kinh, TP Hải Phòng về chương trình hành động của mình, thay mặt các ứng cử viên tại đơn vị bầu cử số 3, TP Hải Phòng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cám ơn những ý kiến tâm huyết của các cử tri dành cho ứng cử viên đại biểu Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Đảng đoàn Quốc hội đang xây dựng chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết số 161 ban hành tại kỳ họp lần thứ 11, Quốc hội khóa XIV để xây dựng Quốc hội trở thành cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong mọi lĩnh vực.
Trong đó, Quốc hội sẽ tiến hành cải tiến từ những kỳ họp, để làm sao nâng cao chất lượng và tiết kiệm được thời gian, còn người dân được biết những quyết sách của Quốc hội theo nguyên tắc dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng. Quốc hội sẽ tiếp tục tiến hành cải tiến hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các ủy ban, của đoàn đại biểu Quốc hội, từng đại biểu Quốc hội.
Sẽ có cơ chế đánh giá hoạt động của đại biểu kiêm nhiệm
Trả lời và làm rõ thêm ý kiến cử tri về vai trò, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội chuyên trách và đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm, Chủ tịch Quốc hội cho biết vừa qua, nhiều cử tri và đại biểu Quốc hội cũng kiến nghị cần có cơ chế đánh giá hoạt động của các đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm như thế nào, có hoàn thành trách nhiệm của người đại diện cho Nhân dân tại Quốc hội hay không. Chủ tịch Quốc hội cho biết, Quốc hội sẽ nghiên cứu để tới đây làm tốt vấn đề này, có các biện pháp tăng cường trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, kể cả đại biểu chuyên trách và đại biểu kiêm nhiệm theo đúng quy định của pháp luật.
"Đại biểu kiêm nhiệm, theo Luật Tổ chức Quốc hội 2014 và Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi năm 2020, ít nhất phải dành 1/3 thời gian cho các hoạt động của Quốc hội. Vì thế Quốc hội phải tính toán có cơ chế để các đại biểu tham gia. Chúng ta hứa rất nhiều, nói rất nhiều, nhưng trong suốt quá trình hoạt động của Quốc hội thì chỉ lo công việc ở cơ quan của mình, rồi đến ngày thì đi họp, thậm chí đi họp cũng không đẩy đủ. Thế làm sao thực hiện được lời hứa của mình? Tới đây, Đảng đoàn Quốc hội cũng đang bàn siết chặt lại kể cả hoạt động của đại biểu Quốc hội chuyên trách lẫn đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm trong tổ chức của Quốc hội theo đúng Luật và phải làm theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Đề cao trách nhiệm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật
Bày tỏ đồng tình rất cao với ý kiến của cử tri về việc ứng cử viên nếu trúng cử phải tiếp tục đề cao trách nhiệm trong việc hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, Chủ tịch Quốc hội nêu 2 hướng trọng tâm trong công tác lập pháp của Quốc hội.
Một là, tiếp tục thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Hai là, tiếp tục rà soát, xem xét độ vênh, sự mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống pháp luật hiện nay như thế nào, nhất là pháp luật về đất đai, về quy hoạch, về đầu tư, kinh doanh để kịp thời sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng đòi hỏi của cuộc sống. Việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật và tổ chức thi hành luật hiện vẫn đang là khâu yếu. Do đó, tới đây, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội sẽ tập trung giám sát vấn đề này.
Trong công tác lập pháp, Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, phải khắc phục được cả hai khuynh hướng hiện nay: một là, luật khung, luật ống, nhiều nội dung đã rõ, đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn nhưng cơ quan trình vẫn đề xuất quy định có tính nguyên tắc để sau đó ban hành văn bản hướng dẫn, dẫn đến tình trạng tùy tiện trong áp dụng luật; hai là, có nhiều vấn đề mới phát sinh, chưa rõ ràng, chưa đầy đủ, chưa chắc chắn lại quy định chi tiết trong luật nên khi thực tiễn thay đổi thì phải sửa đổi luật khiến “tuổi thọ” của luật bị rút ngắn.
Theo đó, phải thực hiện nghiêm quy trình xây dựng luật, đánh giá cẩn trọng, kỹ lưỡng tác động của chính sách, phải lắng nghe, tiếp thu ý kiến của nhân dân, luật pháp phải xuất phát từ cuộc sống và quay trở lại phục vụ cuộc sống, kiến tạo sự phát triển.
Đẩy lùi dịch bệnh, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân
Đối với ý kiến cử tri cho rằng, Quốc hội tiếp tục xây dựng, bổ sung hệ thống pháp luật về lĩnh vực y tế, công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, khám chữa bệnh BHYT; tăng cường giám sát các lĩnh vực về y tế; chế độ y bác sĩ trong cơ sở y tế đặc thù, nhất là dịch Covid-19.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, theo tinh thần Nghị quyết, sắp tới đây Đảng đoàn Quốc hội sẽ tiếp tục sửa đổi, bổ sung 1 loạt thể chế, chính sách pháp luật liên quan đến lĩnh vực này. Trước mắt sẽ sửa đổi Luật Khám chữa bệnh và Luật về bảo hiểm y tế. Thực tế đã bao phủ bảo hiểm y tế được 90%, nhưng mệnh giá bảo hiểm y tế còn rất thấp, danh mục chi cho bảo hiểm y tế lại rất lớn, nên mức độ chi trả còn hạn chế.
Nếu tăng mức giá dịch vụ lên cho phù hợp với kinh tế thị trường thì phải tính lộ trình từng bước, đồng thời với việc tăng giá dịch vụ thì phải tăng được mức bảo hiểm. Vì hơn 90% bảo hiểm y tế thì phần lớn là các đối tượng chính sách và các gia đình khó khăn do Nhà nước đảm bảo.
Cho nên khi nâng mệnh giá bảo hiểm y tế lên thì ngân sách phải chi và người bệnh cũng phải chi. Tức là nền đầu chi trả phải tăng lên, nên việc này phải theo lộ trình.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, dự kiến 5 năm tới đây, trong đầu tư chi tiêu ngân sách phải bố trí một phần tăng bảo hiểm y tế, để đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là trong yêu cầu về công tác phòng, chống dịch. Vừa qua Chính phủ ban hành chính sách và các địa phương bổ sung chi tiêu cho các lực lượng tuyến đầu bao gồm cả y bác sĩ, lực lượng công an, quân đội ở khu vực cách ly hay các khu vực xung yếu.
Cũng liên quan đến vấn đề sức khỏe, bày tỏ lo lắng về dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại nước ta những ngày vừa qua, cử tri quận Dương Kinh đánh giá cao những giải pháp, chính sách mà nhà nước đã áp dụng nhằm khắc phục và hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, cử tri này cũng kỳ vọng Quốc hội khoá XV sẽ quan tâm, xem xét những điều kiện thụ hưởng chính sách hỗ trợ cần sát thực tế hơn.
Ghi nhận ý kiến của cử tri, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, thời gian tới sẽ cùng Chính phủ bàn bạc để khắc phục tình trạng này. Hiện nay, đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 đang có những diễn biến phức tạp, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, với kinh nghiệm và sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nước ta sẽ đẩy lùi dịch bệnh, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân để phát triển kinh tế xã hội, thực hiện mục tiêu kép.
Hải Phòng cần nghiên cứu đề xuất cụ thể các cơ chế, chính sách đặc thù
Đối với ý kiến cử tri về phân cấp cho các địa phương cũng như có cơ chế, chính sách đặc thù cho TP Cảng, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, chúng ta không phát triển kiểu dàn hàng ngang mà quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước là, địa phương nào phát triển rồi, trở thành đầu tàu, động lực rồi thì phải tiếp tục có cơ chế chính sách đột phá, vượt trội để phát triển hơn nữa, phát huy được vai trò đầu tàu, động lực, lan tỏa cho các địa phương xung quanh, cho khu vực cũng như cho cả nước.
Với những địa phương còn khó khăn thì có cơ chế chính sách thích hợp để phát triển kinh tế, xã hội, giải quyết các vấn đề dân sinh, nâng cao phúc lợi xã hội, tạo điều kiện rút ngắn khoảng cách phát triển với các địa phương khác.
Chủ tịch Quốc hội nhất trí cho rằng, để thực hiện được các mục tiêu rất cao tại Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP nhiệm kỳ 2020 – 2025, Hải Phòng cần huy động tối đa mọi nguồn lực để phát triển theo phương châm nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng. Trong đó, yếu tố ngoại lực được hiểu theo cả hai nghĩa: đầu tư của các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài và sự hỗ trợ của Trung ương về cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội.
Vì vậy, Thành phố cần nghiên cứu đề xuất cụ thể các cơ chế, chính sách đặc thù để trình cơ quan có thẩm quyền và Quốc hội xem xét.