Chiều 9/10 (giờ địa phương), tại Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã phát biểu tại Phiên họp toàn thể thứ nhất Hội nghị Chủ tịch Quốc hội các nước Á Âu lần thứ ba (MSEAP 3). Trong đó, đề xuất 5 nội dung quan trọng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Hội nghị Chủ tịch Quốc hội các nước Á Âu lần thứ 3
Mở đầu bài phát biểu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gửi lời chào trân trọng và lời cảm ơn sâu sắc tới Ngài Chủ tịch Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ, Ngài Chủ tịch Duma Quốc gia Liên bang Nga và Ngài Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc về lời mời và sự đón tiếp nồng hậu dành cho Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự “Hội nghị Chủ tịch Quốc hội các nước Á Âu” lần thứ ba tại thành phố Antalya cổ kính và thơ mộng của Thổ Nhĩ Kỳ.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, một năm trôi qua kể từ khi Hội nghị MSEAP lần thứ 2 diễn ra tại Hàn Quốc, thế giới đã có những chuyển biến cả về chính trị và kinh tế. Nền kinh tế đã có sự phục hồi, nhưng cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là chiến tranh thương mại, chủ nghĩa bảo hộ, bất ổn địa - chính trị tại một số khu vực. Tình hình chính trị vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, tranh chấp chủ quyền, an ninh hàng hải, khủng bố, chủ nghĩa bạo lực cực đoan, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh mạng, biến đổi khí hậu đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định và sự phát triển bền vững của nhiều quốc gia.
Trong bối cảnh đó, chúng ta ghi nhận những nỗ lực gìn giữ hòa bình, hợp tác xoa dịu một số điểm nóng ở châu Á, Trung Đông, Bắc Phi, cùng những sáng kiến tận dụng các thành tựu vượt bậc về khoa học - công nghệ để đưa nhân loại sang thời kỳ phát triển mới. Điều này phù hợp với nguyện vọng và lợi ích của những người dân mà các đại biểu Quốc hội như chúng ta đại diện.
Theo Chủ tịch Quốc hội, Khu vực Á Âu là nơi giao thoa giữa văn minh châu Á, châu Âu, thể hiện sự đa dạng vốn có về văn hóa, lịch sử, tôn giáo và chính trị; cũng là nơi có nhiều lợi thế về tài nguyên và con người. Các quốc gia Á Âu ngày càng có nhiều sáng kiến hợp tác và hội nhập và Liên minh Kinh tế Á - Âu, nhân tố chủ đạo thúc đẩy liên kết Á Âu tiếp tục đạt tăng trưởng tích cực, góp phần xây dựng một tương lai thịnh vượng chung cho khu vực Á Âu.
Hợp tác kinh tế trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng, công bằng và cùng có lợi là điều kiện quan trọng để giữ môi trường hòa bình, ổn định nhằm vượt qua những thách thức để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Đồng thời, phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường, nâng cao các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu rủi ro thiên tai.
Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ sự nhất trí cao với chủ đề của Hội nghị là “Hợp tác kinh tế, môi trường và phát triển bền vững ở Á Âu”. bà cho rằng, với vai trò của mình, các nghị sĩ sẽ đóng góp cho sự phát triển, thông qua các hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định các nguồn lực; đồng thời còn là cầu nối với người dân của mỗi quốc gia, thúc đẩy ban hành và thực thi các chính sách hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng khẳng định, Việt Nam luôn tham gia tích cực và có trách nhiệm vào các hoạt động ngoại giao nghị viện trên thế giới và trong khu vực, sẵn sàng ủng hộ những hoạt động hợp tác với các nghị viện Á Âu, tăng cường chia sẻ kinh nghiệm, thông tin, góp phần hỗ trợ nhau đối phó với những thách thức toàn cầu, đóng góp vào việc bảo đảm hòa bình, an ninh, thịnh vượng trên thế giới.
"Chúng tôi sẵn sàng phối hợp nhằm kết nối cơ chế hợp tác nghị viện Á Âu với các cơ chế hợp tác liên nghị viện, như: IPU, AIPA, APPF..., mở rộng chương trình nghị sự, hướng tới thực thi có hiệu quả Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển bền vững như đã cam kết", Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nói và cho biết, Việt Nam đang tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện hơn, chủ động, tích cực tham gia, đóng góp vào các tiến trình hội nhập khu vực và trên thế giới. Việt Nam đã ký kết FTA với Liên minh Kinh tế Á - Âu, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)... và mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các nước Á Âu trên các lĩnh vực, nhất là đổi mới sáng tạo gắn với công nghệ số hóa, kết nối thông minh, phát triển bền vững, bao trùm…
Chủ tịch Quốc hội đưa ra 5 nội dung cụ thể nhằm tăng cường hợp tác kinh tế, môi trường và phát triển bền vững ở khu vực Á – Âu.
Thứ nhất, tăng cường hơn nữa việc hợp tác Á Âu, đẩy mạnh liên kết về kinh tế trong khu vực và liên khu vực, hợp tác thương mại đa phương toàn cầu trên cơ sở cùng có lợi và dựa trên luật pháp quốc tế.
Thứ hai, thúc đẩy hợp tác Á Âu trong chuyển giao công nghệ, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu, nâng cao vai trò tiên phong của các nước phát triển hỗ trợ, tăng cường năng lực đối với các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Thứ ba, ủng hộ nỗ lực của các nước Á Âu xây dựng cơ chế hợp tác nghị viện Á Âu thành một diễn đàn mạnh mẽ, hoạt động chặt chẽ hơn; mở rộng kết nối với các diễn đàn, tổ chức hợp tác liên nghị viện khác trên thế giới nhằm bổ sung và tăng cường hoạt động ngoại giao nghị viện, song hành cùng các tổ chức quốc tế và khu vực.
Thứ tư, tăng cường xây dựng lòng tin, sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, cùng nhau hợp tác vì các mục tiêu phát triển bền vững, đem lại hòa bình, ổn định và thịnh vượng cho mọi người dân.
Thứ năm, tiếp tục ủng hộ cải cách các cơ chế quản trị toàn cầu theo hướng công bằng, dân chủ và hiệu quả hơn, phù hợp với sự thay đổi của tương quan lực lượng và vai trò ngày càng tăng của các nền kinh tế đang phát triển.
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng rằng, dưới sự đồng chủ trì của Ngài Chủ tịch Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ, Ngài Chủ tịch Duma Quốc gia Liên bang Nga, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc, sự hợp tác của các nghị viện và sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt của Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ, Hội nghị Chủ tịch Quốc hội Á Âu lần thứ 3 sẽ thành công tốt đẹp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam dự hội nghị MSEP3.
* Trước đó sáng 9/10 (theo giờ địa phương), với sự chủ trì của hai đồng sáng lập là Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Moon Hee Sang và Chủ tịch Quốc hội nước chủ nhà Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim, Hội nghị Chủ tịch Quốc hội Á Âu lần thứ 3 (MSEAP3) đã chính thức khai mạc tại TP. Antalya.
Chủ đề chung của hội nghị là “Hợp tác kinh tế, môi trường và phát triển bền vững ở khu vực Á Âu”. Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu tham dự hội nghị.
Tại lễ khai mạc, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã có thông điệp gửi đến lãnh đạo nghị viện, quốc hội các nước tham dự hội nghị: Hợp tác nghị viện các nước khu vực Á Âu có vai trò hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị hòa bình, ổn định và dân chủ giữa các nước trong khu vực cũng như trên toàn thế giới. Tổng thống bày tỏ tin tưởng hội nghị sẽ thành công tốt đẹp, có nhiều ý kiến giá trị nhằm thúc đẩy tiến trình này.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim nhấn mạnh, các nước trong khu vực Á Âu đang đứng trước bối cảnh thách thức gia tăng nhanh chóng. Đó là thách thức về môi trường, chiến tranh, nghèo đói, bệnh tật, chủ nghĩa khủng bố, thảm họa thiên nhiên, chính sách cấm vận, bảo hộ thương mại… Tại MSEAP3 sẽ có những phiên thảo luận để cùng nhau tìm ra những giải pháp chung tay nỗ lực cùng thế giới giải quyết, ứng phó với những thách thức đó.
“Ngoài ra, còn có rất nhiều vấn đề cần giải quyết hướng tới tương lai như vấn đề nhân đạo, cấm phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, ngăn ngừa tình trạng khan hiếm nước, bảo đảm an ninh lương thực… Đó là những vấn đề mấu chốt trong khuôn khổ hợp tác khu vực Á Âu trong tương lai”, Chủ tịch Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ phát biểu.
Với vai trò đồng chủ trì MSEAP3, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Moon Hee Sang nhấn mạnh, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang có bước tiến rất mạnh mẽ và xóa bỏ những rào cản giữa các ngành, hướng tới sự hội tụ môi trường siêu kết nối và môi trường siêu thông minh giữa các quốc gia. Với việc áp dụng trí tuệ nhân tạo và hội tụ công nghệ sẽ mang lại những lợi ích về kinh tế-xã hội, thúc đẩy năng suất và tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, trong tiến trình đó sẽ có những tác động phụ như thất nghiệp, bất bình đẳng gia tăng. Bên cạnh đó là tác động của biến đổi khí hậu và tình trạng ô nhiễm môi trường gây ra những tổn thất sâu rộng về kinh tế-xã hội tại nhiều quốc gia.
Để chuẩn bị cho những thay đổi đó, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc cho rằng cần thúc đẩy việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (LHQ) đã được thông qua vào năm 2015. Điều quan trọng là những thách thức này không thể giải quyết ở một quốc gia riêng lẻ nào, mà cần các nỗ lực chung ở cấp độ quốc tế để nâng cao nhận thức cũng như trách nhiệm của từng quốc gia. Để các sáng kiến cấp độ quốc gia khu vực Á Âu được triển khai thành công, điều quan trọng là cần bảo đảm duy trì hợp tác và trao đổi giữa quốc hội các nước khu vực Á Âu.
Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc đề xuất, từ MSEAP4 sẽ tổ chức thêm các cuộc thảo luận riêng rẽ ngoài các phiên họp toàn thể để các nhà lập pháp của các quốc gia thành viên cùng nhau trao đổi; bày tỏ hy vọng từ MSEAP3 sẽ có được nhiều cơ hội thúc đẩy hợp tác, trao đổi cơ hội ở khu vực.
Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin bày tỏ hy vọng tại MSEAP3, nghị viện, quốc hội các nước khu vực Á Âu sẽ cùng trao đổi về các vấn đề phát triển kinh tế, nhân đạo, hòa bình trên nguyên tắc tôn trọng, không can thiệp vào công việc nội bộ, tôn trọng chủ quyền và luật lệ của các quốc gia thành viên.
Theo Chủ tịch Duma Quốc gia Nga, đây là thời điểm thúc đẩy trao đổi nhiều hơn nữa giữa các nghị viện, quốc hội khu vực Á Âu; bày tỏ tin tưởng MSEAP đang đi đúng hướng trong việc thúc đẩy giao tiếp, hợp tác giữa các nghị viện, quốc hội thành viên. Bên cạnh các phiên họp toàn thể, các hoạt động tiếp xúc song phương của các đoàn quốc hội cũng có vai trò rất quan trọng, đóng góp vào thành công chung của hội nghị, đem lại nền tảng cho sự phát triển của khu vực Á Âu.