Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí đề nghị Chính phủ nghiên cứu để gia hạn thời hạn áp dụng biểu giá điện gió, nhất là với các dự án đã làm xong nhưng chưa vận hành được do tác động của dịch bệnh Covid-19, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ.
Chiều 6/11, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2021 và kết quả thực hiện Nghị quyết số 31/2016/QH14 của Quốc hội về dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam cho biết, đến nay tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã cơ bản được kiểm soát, GRDP tăng khá đạt 9,45%, thu ngân sách nhà nước đạt 85,1% kế hoạch, đầu tư toàn xã hội ước đạt 26 nghìn tỷ đồng, công tác an sinh xã hội được đảm bảo.
Đáng chú ý sau 5 năm Quốc hội khoá 14 ban hành nghị quyết 31 về dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Chính phủ đã ban hành nghị quyết số 115 về một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ Ninh Thuận phát triển kinh tế, xã hội, ổn định đời sống nhân dân. Nghị quyết 31 và Nghị quyết 115 có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh trên nhiều mặt, góp phần để 2 năm (2019-2020), Ninh Thuận thuộc nhóm tỉnh có tốc độ tăng trưởng GRDP cao nhất cả nước, thu ngân sách đạt gần 4 nghìn tỷ và về đích trước 3 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra.
Qua trao đổi tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu 2 vấn đề trọng tâm. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 31 của Quốc hội, giao Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với địa phương thực hiện việc này, đánh giá căn cơ hơn những kết quả đạt được, những tồn tại, khó khăn và những vấn đề đang đặt ra. “Nếu cần thiết có thể nghiên cứu để có cơ chế, chính sách đặc thù cho Ninh Thuận”. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cần cố gắng làm sớm việc này.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với các kiến nghị, đề xuất cụ thể của tỉnh Ninh Thuận về sớm ban hành cơ chế giá điện mặt trời, nối lưới đối với các dự án điện mặt trời vận hành thương mại sau ngày 1/10/2021; chủ trương kéo dài thời gian về cơ chế hưởng giá điện gió theo Quyết định số 39 của Thủ tướng đến hết ngày 31/3/2022… Đây là những vấn đề lớn đã được nêu tại Nghị quyết số 31 của Quốc hội và Nghị quyết số 115 của Chính phủ, đồng thời xuất phát từ thực tiễn của địa phương, một số vấn đề do vướng mắc chung như chính sách về giá điện năng lượng tái tạo…
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí đề nghị Chính phủ nghiên cứu để gia hạn thời hạn áp dụng biểu giá điện gió, nhất là với các dự án đã làm xong nhưng chưa vận hành được do tác động của dịch bệnh Covid – 19. “Đây cũng có thể xem là một trong những giải pháp trong kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch, đặt trong bối cảnh như thế để chúng ta tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Đối với nhóm chính sách giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết 31/2016/QH14 và Nghị quyết 115/NQ-CP, về cơ chế áp dụng tỷ lệ cho vay lại 10%, hỗ trợ 100% vốn đối ứng cho các dự án quan trọng, cấp bách sử dụng vốn nước ngoài, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với đề xuất của tỉnh về việc đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành cho phép tiếp tục áp dụng Nghị quyết 115/NQ-CP cho đến hết năm 2023 hỗ trợ vốn đối ứng cho các dự án quan trọng cấp bách mà sử dụng vốn nước ngoài.
Về Đề án ổn định sản xuất, đời sống nhân dân và phát triển khu dân cư tại vị trí quy hoạch xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, đề nghị Chính phủ chỉ đạo bộ ngành thực hiện Đề án, giao Bộ Công thương sớm đề xuất Chính phủ quyết định thời gian chấm dứt quy hoạch nhà máy điện hạt nhân tạo điều kiện pháp lý cho tỉnh phê duyệt Đề án này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân bổ vốn theo cam kết để thực hiện nằm trong khung đầu tư công, có báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trước khi quyết định.
Về đề xuất thay thế quy mô công suất điện hạt nhân bằng nguồn điện khí LNG trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII), Chủ tịch Quốc hội cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng kiến nghị của tỉnh, đề nghị Chính phủ nghiên cứu thực hiện khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 31/2016/QH14 của Quốc hội đã giao Chính phủ: “chú trọng phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo, nguồn năng lượng an toàn, hiệu quả, bảo vệ môi trường để cung ứng đủ điện đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội”.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, điện khí LNG đã có chủ trương phát triển, đề nghị Bộ Công thương tiếp tục nghiên cứu về cơ cấu các nguồn điện trong Quy hoạch điện VIII như đã phân tích, trong đó cần xem xét ưu tiên phát triển điện khí hóa lỏng, do đây là một trong những giải pháp vừa đem lại hiệu quả kinh tế vừa bảo đảm phát triển bền vững.
Về vấn đề truyền tải điện, theo chỉ đạo tại Nghị quyết 55-NQ/TW, Chính phủ đã có Tờ trình trình Quốc hội về Luật sửa đổi, bổ sung 10 Luật, trong đó sửa đổi Luật Điện lực theo hướng tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động truyền tải điện. Dự kiến tại kỳ họp chuyên đề cuối năm, Quốc hội sẽ xem xét nội dung này.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý xây dựng Quy hoạch cần đồng bộ, thống nhất với quy hoạch phát triển cảng biển quốc gia, bảo đảm phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương, cụ thể như khu vực phía Nam có lợi thế về cảng biển nước sâu, thuận tiện cho việc nhập nhẩu khí LNG.