Chủ tịch Quốc hội đặc biệt lưu ý, vấn đề quan trọng hàng đầu của Kon Tum là chính sách an sinh xã hội, chính sách cho vùng đồng bào dân tộc, gắn với quốc phòng, an ninh biên giới.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn công tác của Quốc hội làm việc với Lãnh đạo chủ chốt tỉnh Kon Tum
Trong khuổn chuyến công tác tại các tỉnh Nam trung bộ và Tây Nguyên, hôm nay (18/3), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng Đoàn công tác của Quốc hội đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Kon Tum về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng; những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung trong thời gian tới.
Cùng dự có các Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kon Tum Nguyễn Văn Hùng; đại diện lãnh đạo các Ủy ban: Kinh tế, Quốc phòng và An ninh, Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ…
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao những kết quả mà Đảng bộ và nhân dân tỉnh Kon Tum đã đạt được trong thời gian qua. Kon Tum đã vượt qua khó khăn để phát triển, thay đổi bộ mặt của địa phương. Tổng sản phẩm xã hội (GRDP) tăng 9,28% so với năm 2017, vượt kế hoạch đề ra. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Nông nghiệp phát triển theo chiều sâu; việc dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp để xây dựng “cánh đồng lớn”, ứng dụng công nghệ cao đã tạo ra các vùng chuyên canh Sâm Ngọc Linh, bước đầu có sản phẩm công nghiệp chế biến.
Ngoài ra tỉnh đã thực hiện cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các doanh nghiệp lớn, nhỏ và vừa tham gia.
Việc bảo tồn và giữ gìn giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số được chú trọng. Trong đó, khu du lịch sinh thái Măng Đen phong phú, sinh động nên đã thu hút được nhiều khách du lịch đến tham quan. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn đảm bảo. Hoạt động đối ngoại tiếp tục được tăng cường, mở rộng; triển khai đúng tiến độ công tác phân giới, cắm mốc tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia.
Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, tỉnh Kon Tum còn nhiều khó khăn, hạn chế như cơ sở hạ tầng yếu và thiếu; nguồn nhân lực còn hạn chế; nông nghiệp chưa gắn với công nghệ cao.
“Tỷ trọng của các ngành kinh tế mũi nhọn mà tỉnh đã xác định cũng chưa cao, chậm phát triển các vùng nguyên liệu để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp. Sản lượng, sức cạnh tranh của một số sản phẩm còn thấp. Công tác quản lý bảo vệ rừng tuy có tiến bộ hơn, nhưng chưa thể nói có giảm những vụ vi phạm pháp luật, nhưng lại gây thiệt hại về rừng thì vẫn còn khá nghiêm trọng”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Từ đó Chủ tịch Quốc hội đặc biệt lưu ý, vấn đề quan trọng hàng đầu của Kon Tum là chính sách an sinh xã hội, chính sách cho vùng đồng bào dân tộc, gắn với quốc phòng, an ninh biên giới. Tiếp đó là công tác bảo tồn, từ đó phát huy văn hóa các dân tộc, gìn giữ các địa điểm cách mạng.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Kon Tum tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, gắn với sản xuất theo hướng hàng hóa có gắn với doanh nghiệp, tích tụ ruộng đất để từng bước hình thành vùng sản xuất quy mô lớn. Thậm chí, Kon Tum nên “bắt tay” với Quảng Nam tìm cách xây dựng thương hiệu sâm Ngọc Linh để trở thành bảo vật quốc gia như Chính phủ xác định, và trở thành sản phẩm làm giàu cho nhân dân địa phương.
Đối với phát triển du lịch, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần lưu ý yếu tố văn hóa của vùng đồng bào dân tộc để từng bước xây dựng thương hiệu du lịch văn hóa cho Kon Tum, nghiêm túc đưa sản phẩm du lịch vào chiến lược trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Đối với công tác Đảng, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao việc Tỉnh ủy Kon Tum đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện và chặt chẽ thông qua hệ thống văn bản, nghị quyết định hướng phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Tỉnh ủy Kon Tum tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ", gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Quốc hội nhất trí giao VPQH tổng hợp và yêu cầu Chính phủ và các cơ quan liên quan xem xét, giải quyết kiến nghị của địa phương.
Báo cáo của UBND tỉnh cho thấy, tổng sản phẩm xã hội (GRDP) năm 2018 tăng 9,28% so với 2017, thu ngân sách nhà nước đạt hơn 2.808 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Đặc biệt, tỉnh tạo ra được các vùng chuyên canh Sâm Ngọc Linh và có sản phẩm công nghiệp chế biến. Việc dồn đổi, tích tụ đất đai để xây dựng “cánh đồng lớn” phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được chỉ đạo quyết liệt, bước đầu hình thành được một số địa điểm phù hợp. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 9% so với cùng kỳ và đạt 105% so với kế hoạch năm. Cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh được chú trọng; cơ chế một cửa, một cửa liên thông được triển khai rộng rãi và phát huy hiệu quả. Nhờ đó, công tác xúc tiến đầu tư được tăng cường và đạt nhiều kết quả. Sau thành công của Hội nghị "Đầu tư phát triển Sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác", một số doanh nghiệp lớn đã đến khảo sát, đầu tư tại tỉnh và thu hút trên 50 dự án, với tổng vốn đăng ký gần 10 nghìn tỷ đồng. |