Sáng nay, 14/9, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã kiểm tra thực địa công tác chuẩn bị tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội - sự kiện ngoại giao đa phương lớn nhất được Việt Nam đăng cai tổ chức trong năm nay.
Cùng đi có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn - Trưởng Ban Tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 và các Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Hội nghị: Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, Chủ tịch Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn và đại diện Ban lãnh đạo, Ban Thư ký IPU...
Tại đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đã nghe các cơ quan báo cáo và kiểm tra thực địa công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, kỹ thuật, công tác an ninh, y tế, thông tin truyền thông...; tổng duyệt chương trình lễ khai mạc Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9; thăm các gian hàng tại khu Triển lãm Thành tựu đổi mới sáng tạo, sản phẩm OCOP.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao và biểu dương Ban Tổ chức Hội nghị, Ban Thư ký Quốc gia Hội nghị, các Tiểu ban, Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam và các cơ quan hữu quan Trung ương, thành phố Hà Nội đã nỗ lực hoàn thành khối lượng công việc rất lớn chuẩn bị tổ chức Hội nghị. Đến nay, tất cả công tác chuẩn bị đã hoàn thành, sẵn sàng mọi điều kiện cho việc tổ chức thành công Hội nghị.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 với chủ đề “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo” là sự kiện đối ngoại đa phương lớn nhất được Việt Nam đăng cai tổ chức trong năm nay. Hội nghị thu hút sự tham dự của gần 500 đại biểu quốc tế và trong nước, đến từ nghị viện các nước thành viên IPU và các tổ chức liên nghị viện, tổ chức quốc tế, quan sát viên.
Việc Quốc hội đăng cai tổ chức Hội nghị có ý nghĩa quan trọng, phát huy vai trò của Quốc hội trong triển khai đường lối đối ngoại của Đảng ta, nhất là Nghị quyết số 34-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Một số định hướng, chủ trương lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng”, Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng Khoá XII về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030 và Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030. Đồng thời, tiếp tục khẳng định sự tham gia tích cực, chủ động và có trách nhiệm, phát huy vai trò, vị thế của Quốc hội Việt Nam tại IPU - tổ chức nghị viện đa phương lớn nhất toàn cầu, đồng thời cũng là một trong những tổ chức đa phương có lịch sử lâu đời nhất thế giới.
Với chủ đề vừa mang tính thời sự vừa hướng đến tương lai phát triển bền vững trên toàn cầu, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Hội nghị là cơ hội để các nghị sĩ trẻ đến từ các nghị viện thành viên Liên minh Nghị viện thế giới cùng nhau thảo luận về các hành động của nghị viện, phát huy vai trò của giới trẻ trong việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, Ban Tổ chức Hội nghị, Ban Thư ký Quốc gia Hội nghị, các Tiểu ban, các cơ quan hữu quan tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các công việc, bảo đảm tổ chức thành công Hội nghị, thể hiện rõ vai trò và dấu ấn của nước chủ nhà.
Thay mặt Ban Lãnh đạo Diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU, Bà Emma Tangi Muteka, Nghị sĩ Namibia, trân trọng cảm ơn sự quan tâm sâu sát của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đối với Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 nói chung và công tác chuẩn bị tổ chức hội nghị nói riêng; đánh giá cao công tác chuẩn bị của nước chủ nhà Việt Nam cũng như lòng hiếu khách của Quốc hội, nhân dân Việt Nam.
Theo chương trình, sáng mai, 15/9, Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị quốc gia với chủ đề “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo”.
Tại Phiên khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ có phát biểu quan trọng chào mừng gần 500 đại biểu quốc tế và trong nước tham dự Hội nghị; Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng sẽ có thông điệp gửi tới Hội nghị.
Ngay sau phiên khai mạc, Hội nghị sẽ nghe phát biểu đề dẫn về tình hình thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững và vai trò của chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Tiếp đó, Hội nghị sẽ tiến hành 3 phiên thảo luận chuyên đề.
Cụ thể, Phiên thảo luận chuyên đề 1 về "Chuyển đổi số" sẽ tập trung vào: việc hoàn thiện thể chế, chính sách trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi số nhằm tăng cường các cơ hội phát triển kinh tế bền vững; chia sẻ kinh nghiệm của nghị viện các nước trong công tác lập pháp, giám sát và vai trò của các nghị sỹ trẻ nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (4IR); chia sẻ những tiến bộ đạt được trong việc số hóa các hoạt động của nghị viện vì sự phát triển bền vững.
Qua đó, các đại biểu sẽ tập trung đề xuất các chính sách và giải pháp, nhất là hoàn thiện thể chế về đổi mới, thử nghiệm các mô hình mới, triển khai các ứng dụng mới, các nền tảng số để tăng tốc chuyển đổi số; phổ cập kết nối số, nâng cao nhận thức số, văn hóa số và kỹ năng số cho người dân, thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số và bảo đảm tiếp cận công nghệ công bằng hướng tới mục tiêu không ai bị bỏ lại phía sau trong môi trường số, đảm bảo phát triển bền vững.
Tại Phiên thảo luận chuyên đề 2 về "Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp", Hội nghị sẽ tập trung thảo luận về việc hoàn thiện thể chế, chính sách trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (bao gồm cả khởi nghiệp của thanh niên) làm động lực cho sự phát triển bao trùm và bền vững, trong đó có lĩnh vực công nghệ thực phẩm (foodtech); chia sẻ kinh nghiệm của nghị viện các nước trong công tác lập pháp, giám sát và vai trò của các nghị sỹ trẻ nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; trao đổi, thảo luận về sự phát triển của trí tuệ nhân tạo góp phần đẩy mạnh quá trình đạt được SDGs; đề xuất với các nghị viện về các chính sách và giải pháp về việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách để giảm thiểu các rủi ro liên quan đến trí tuệ nhân tạo.
Tại phiên thảo luận chuyên đề 3 về "Thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững", Hội nghị sẽ tập trung thảo luận về: vai trò của các nghị viện và nghị sĩ trẻ trong việc thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa trong bối cảnh chuyển đổi công nghệ và toàn cầu hóa; hợp tác kỹ thuật số dựa trên đạo đức và giảm thiểu tác động không mong muốn của chuyển đổi số đối với quyền riêng tư, bảo mật và hạnh phúc; phát huy vai trò của văn hóa trong các chính sách phát triển tại cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế; cam kết bảo vệ và phát huy sự đa dạng văn hóa; tạo môi trường, hệ sinh thái thuận lợi cho văn hóa và đa dạng văn hóa; vai trò của văn hóa và đa dạng văn hóa trong phát triển bền vững.
Đặc biệt, Hội nghị dự kiến sẽ thông qua Tuyên bố Hội nghị về Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Đây sẽ là Tuyên bố đầu tiên của Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu sau 8 kỳ hội nghị.