Việc hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp phải chống gian lận, chống sai sót, nhưng cũng không vì thế mà trì hoãn, nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp tiếp cận vốn rất khó khăn.
Nhấn mạnh đây là vấn đề rất bức xúc được cử tri quan tâm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Ủy ban Tài chính - Ngân sách phải có hoạt động giám sát hay phiên giải trình về vấn đề này, không để tình trạng trì trệ, loay hoay.
Sáng nay (12/7), tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 24, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 5 và tháng 6/2023.
Cử tri, nhân dân đánh giá cao kết quả Kỳ họp thứ Năm
Trình bày Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 5 và tháng 6/2023, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình nêu rõ, cử tri và Nhân dân vui mừng, phấn khởi về tình hình kinh tế - xã hội trong nước tiếp tục ổn định và phát triển, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát. Đời sống của người dân tiếp tục được cải thiện. Tình hình chính trị, xã hội ổn định… Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được tăng cường, góp phần làm trong sạch bộ máy, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng.
Cử tri và nhân dân đánh giá cao kết quả Kỳ họp thứ Năm, đồng thời khẳng định, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra với nhiều đổi mới mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác giám sát, đánh giá tác động chính sách, lấy ý kiến xây dựng pháp luật… Cử tri vui mừng khi mức lương cơ sở tăng từ ngày 1/7/2023, đây là lần điều chỉnh tăng lương cao nhất từ trước tới nay, mang ý nghĩa và cần thiết trong thời điểm này để kịp thời hỗ trợ người lao động yên tâm làm việc sau đại dịch Covid-19, phù hợp với nguyện vọng của người dân và tình hình kinh tế - xã hội đất nước.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Trưởng ban Dân nguyện cho biết, cử tri và nhân dân bày tỏ quan tâm, lo lắng trước tình trạng thiếu điện, cắt điện luân phiên; việc tiếp cận, thụ hưởng nhà ở xã hội còn nhiều hạn chế, giá bán còn cao, vượt quá khả năng tài chính của đa số người lao động; tình hình khó khăn của nhiều doanh nghiệp do sụt giảm đơn hàng, người lao động bị mất việc, ngừng việc, giảm việc xảy ra nhiều địa phương; tình trạng nguyên, nhiên, vật liệu, vật tư sản xuất nông, lâm nghiệp, chi phí dịch vụ tăng, trong khi tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn;…
Qua báo cáo kết quả tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ Năm, Ban Dân nguyện tổng hợp được 1.711 kiến nghị của cử tri. Sau khi rà soát, phân loại, Ban Dân nguyện đã kịp thời chuyển các kiến nghị trên đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.
Về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư của Quốc hội, các cơ quan đã tiếp 635 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 651 vụ việc và có 30 lượt đoàn đông người. Qua tiếp công dân, đã ban hành 82 văn bản chuyển đơn của công dân đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết; hướng dẫn bằng văn bản 47 vụ việc; đã giải thích, hướng dẫn, thuyết phục công dân chấp hành đúng quy định của pháp luật đối với 522 vụ việc.
Liên quan đến tiếp nhận và xử lý đơn thư, các cơ quan đã nhận được 3.518 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân. Qua nghiên cứu 837 đơn đủ điều kiện xử lý, đã chuyển 531 đơn đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, ban hành 129 văn bản hướng dẫn, trả lời đơn công dân, đang nghiên cứu 86 đơn, tiếp tục xếp lưu 91 đơn đã giải quyết hết thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật và nhận được 277 văn bản trả lời của cơ quan có thẩm quyền. Qua công tác xử lý đơn thư, các cơ quan đã và đang tiến hành giám sát đối với 12 vụ việc.
Hướng dẫn cụ thể, tiêu chí rõ ràng về phòng cháy, chữa cháy, gỡ vướng cho các doanh nghiệp
Ban Dân nguyện kiến nghị, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần quan tâm hơn nữa hoạt động giám sát theo lĩnh vực phụ trách, nhất là việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân của các Bộ, ngành có liên quan đến lĩnh vực phụ trách đã được đề cập trong báo cáo công tác dân nguyện hàng tháng. Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp và giám sát các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương giải quyết dứt điểm các vụ việc cụ thể đã được đề cập tại báo cáo công tác dân nguyện hàng tháng.
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với nội dung báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 2.2023.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, việc hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp phải chống gian lận, chống sai sót, nhưng cũng không phải vì thế mà trì hoãn, nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp tiếp cận vốn rất khó khăn. Nhấn mạnh đây là vấn đề rất bức xúc được cử tri quan tâm, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Tài chính - Ngân sách phải có hoạt động giám sát hay phiên giải trình về vấn đề này, không để tình trạng trì trệ, loay hoay.
Đánh giá cao Báo cáo được chuẩn bị chi tiết, đầy đủ, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị Báo cáo cần bổ sung một số nội dung. Trong đó, tại Kỳ họp thứ Năm vừa qua, lần đầu tiên Quốc hội đưa nội dung kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV để thảo luận và được cử tri, Nhân dân quan tâm, đánh giá cao, cho thấy những kiến nghị phản ánh đã được Quốc hội đưa ra bàn thảo. Do vậy, trong Báo cáo công tác dân nguyện hàng tháng cần bổ sung đậm nét hơn.
Liên quan đến vấn đề thực hiện các quy định của pháp luật trong phòng cháy, chữa cháy, có ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp hiện đang gặp khó khăn khi đã thực hiện nhiều biện pháp, thủ tục, nhưng không được chứng nhận để tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần đưa ra hướng dẫn cụ thể, tiêu chí rõ ràng để tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao công tác chuẩn bị Báo cáo của Ban Dân nguyện. Báo cáo đã khái quát, tổng hợp về hoạt động dân nguyện của Quốc hội; cung cấp thông tin, đánh giá tình hình triển khai thuộc trách nhiệm của các cơ quan.
Trên cơ sở tình hình công tác dân nguyện trong kỳ báo cáo, báo cáo cũng có những kiến nghị cụ thể thuộc trách nhiệm các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn ĐBQH, Chính phủ, bộ, ngành, địa phương. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, quá trình hoàn thiện Báo cáo phải được theo dõi, đôn đốc, thống kê tổng hợp nhiều nội dung bảo đảm chất lượng các nội dung để giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội có những nhận định, đánh giá xác thực về tình hình.