Tiếp tục chương trình tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ nhất, sáng nay (2/8), Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng các đại biểu Quốc hội Tổ đại biểu Quốc hội khóa XIV, đơn vị 1, Tp Hồ Chí Minh đã có buổi tiếp xúc cử tri tại quận 4, Tp. Hồ Chí Minh.
Chủ tịch nước gặp gỡ, trao đổi với cử tri
Tại buổi tiếp xúc cử tri, đại biểu Quốc hội Lâm Đình Thắng thay mặt Tổ đại biểu Quốc hội khóa XIV, đơn vị 1, Tp Hồ Chí Minh đã báo cáo với cử tri về: Kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016 - 2021, kết quả xác nhận tư cách đại biểu; công tác nhân sự; kết quả phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước; chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh, hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2017.
Cử tri đã bày tỏ hoan nghênh kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV với tinh thần trách nhiệm, dân chủ, thẳng thắn, Quốc hội đã hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm là xem xét, quyết định cơ cấu tổ chức, bầu và phê chuẩn nhân sự cấp cao của các cơ quan nhà nước bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện và đúng quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri cũng phản ánh tâm tư và kiến nghị nhiều ý kiến tâm huyết về hoạch định chính sách, pháp luật để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; giải quyết các vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường, y tế -giáo dục; bảo vệ chủ quyền biển đảo; những vấn đề quốc kế dân sinh gắn với đời sống hằng ngày của nhân dân như: an toàn giao thông, chế độ tiền lương đối với người lao động, chính sách đối với người có công, phát triển khoa học công nghệ...
Thay mặt Tổ đại biểu Quốc hội khóa XIV, đơn vị 1, Tp. Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Trần Đại Quang trân trọng cảm ơn cử tri đã dành sự tín nhiệm cao đối với các đại biểu Quốc hội; khẳng định các đại biểu Quốc hội cam kết triển khai tốt chương trình hành động đã được nêu tại các hội nghị tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử, đồng thời nghiêm túc tiếp thu các ý kiến tâm huyết, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của cử tri đối với những vấn đề được dư luận quan tâm.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đạt mục tiêu đề ra
Giải đáp ý kiến cử tri về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, cùng những nhiệm vụ, giải pháp trong những tháng còn lại của năm 2016, Chủ tịch nước Trần Đại Quang chia sẻ: Trong 6 tháng đầu năm 2016, nền kinh tế nước ta gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 5,52% (thấp hơn so với cùng kỳ năm trước là 6,32% và thấp hơn mục tiêu cả năm 6,7%).
Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại buổi tiếp xúc
Nhấn mạnh các giải pháp để phát triển kinh tế -xã hội vĩ để đạt được mục tiêu chủ trương đã được Quốc hội đề ra, Chủ tịch nước cho biết trong 6 tháng cuối năm 2016, Trung ương đặt quyết tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó nhiệm vụ trọng tâm được đề ra là: Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất, sức cạnh tranh của nền kinh tế và từng doanh nghiệp; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, phát triển cơ sở hạ tầng; có giải pháp hữu hiệu để khắc phục hậu quả hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.
“Để thực hiện bằng được các mục tiêu và nhiệm vụ trên đây, Chính phủ đã và đang đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính hiện đại, hiệu lực, hiệu quả và chuyên nghiệp; thực hiện kiên quyết các giải pháp, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng; triển khai hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế…” Chủ tịch nước nói.
Tiếp tục giảm biên chế, tinh gọn bộ máy hành chính
Chia sẻ về vấn đề cải cách tiền lương cho người lao động, chế độ chính sách đối với người nghỉ hưu, người có công, Chủ tịch nước khẳng định đây là chủ trương, chính sách chung đã được Quốc hội, Chính phủ bàn thảo nhiều. Khó khăn hiện nay là nguồn kinh phí, đất nước còn nhiều khó khăn, khả năng nguồn lực ngân sách Nhà nước chưa bảo đảm. Vấn đề ưu tiên trước hết hiện nay là cải cách chế độ, chính sách đối với những người đã nghỉ hưu, người có công. Một trong những giải pháp quan trọng để cải cách tiền lương cho người lao động là phải tinh gọn bộ máy hành chính nhà nước, tinh giản biên chế gọn nhẹ, chất lượng.
“Sắp tới triển khai đề án một cách cơ bản hơn vấn đề tiền lương. Ngoài việc nguồn kinh phí ở đâu để giải quyết vấn đề này thì một trong những giải pháp rất quan trọng đó là phải tinh gọn bộ máy hành chính nhà nước và phải tiếp tục giảm biên chế để làm sao xây dựng bộ máy hành chính của nhà nước tinh, gọn, chất lượng, không cồng kềnh. Chỉ có như thế chúng ta mới giải quyết cơ bản được vấn đề tiền lương”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề ngân sách, trước con số nợ công khiến nhiều cử tri còn băn khoăn, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết, để giải quyết vấn đề quản lý và sử dụng nợ công một cách hiệu quả, điều quan trọng là phải có chỉ tiêu về đánh giá an toàn nợ công trong giai đoạn 2016 - 2020 như: Khả năng trả nợ bằng nguồn thu ngân sách; mức độ bội thu hoặc bội chi ngân sách hàng năm; tỷ lệ nợ công/GDP; các tiêu chí khác: chất lượng và rủi ro nợ công; mức độ an toàn nợ nước ngoài theo tiêu chí của Ngân hàng thế giới/Quỹ Tiền tệ quốc tế; hiệu quả sử dụng vốn đầu tư phát triển; hệ số tín nhiệm của quốc gia…
Theo Chủ tịch nước, rủi ro nợ công ở Việt Nam hiện nay phụ thuộc vào những yếu tố chính như tốc độ tăng GDP, lạm phát, lãi suất, mức thâm hụt tài khoản vãng lai và dự trữ ngoại hối của quốc gia. Do đó, những nhân tố này cần được kiểm soát tốt để giảm thiếu rủi ro về nợ công.
Tại buổi tiếp xúc, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng đã giải đáp, chia sẻ với cử tri quận 4 về các vấn đề khác như: Chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao, vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh quốc gia, vấn đề bảo đảm chủ quyền lãnh thổ, thực thi pháp luật, phòng chống tham nhũng… góp phần giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm môi trường thuận lợi để xây dựng và phát triển kinh tế, đáp ứng yêu cầu đặt ra trong tình hình mới.