Chủ tịch nước: Hà Tĩnh đang đứng trước thời cơ, triển vọng lớn để “nổi bật lên”

Ngọc Mai| 13/12/2021 15:38
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ nội dung trên tại cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hà Tĩnh, diễn ra sáng 13/12.

chu-tich-quoc-hoi-tiep-cac-doanh-nghiep-han-quoc(1).jpg
Chủ tịch nước:  Hà Tĩnh có những nguồn lợi thế riêng có cả về hạ tầng kinh tế-xã hội và con người hiếm nơi nào có được

Cùng dự buổi làm việc có các đồng chí: Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Lê Văn Thành - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Lê Khánh Hải - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận những kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền quân và dân tỉnh Hà Tĩnh; cho rằng, kết quả này có được có cội nguồn từ sự đoàn kết, nhất trí cao trong toàn Đảng bộ, với quyết tâm chính trị cao với nhiều chỉ tiêu tăng trưởng đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Hệ thống chính trị được quan tâm, củng cố; an sinh xã hội được thực hiện tốt. Đặc biệt, Chủ tịch nước đánh giá cao những mô hình mới xuất hiện ở khu vực nông thôn Hà Tĩnh thu hút được sự tham gia của đông đảo bà con, cách làm đa dạng, xã hội hóa, huy động được các nguồn lực tham gia xây dựng và làm thay đổi bộ mặt ở khu vực nông thôn.

Tỉnh cũng làm tốt việc bố trí nơi ăn, chỗ ở, công việc làm cho người từ khu vực phía Nam hồi hương; an ninh trật tự ổn định, đồng bào các tôn giáo sống tốt đời, đẹp dạo, tích cực tham gia xây dựng và phát triển quê hương.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, Hà Tĩnh có những nguồn lợi thế riêng có cả về hạ tầng kinh tế-xã hội và con người hiếm nơi nào có được. Do đó, tỉnh đang đứng trước thời cơ, triển vọng lớn để “nổi bật lên” như Bác Hồ hằng mong muốn.

Về nhiệm vụ trước mắt, Chủ tịch nước đề nghị Hà Tĩnh làm tốt các mục tiêu kép tăng cường số lượng tiêm mũi 2, mũi 3 và tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em.

Tỉnh cần tiếp tục phấn đấu giảm khoảng cách giàu nghèo thông qua các biện pháp an sinh xã hội để “không ai bị bỏ lại phía sau.”

Chủ tịch nước đề nghị Hà Tĩnh đổi mới mạnh mẽ và mở cửa nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất; tăng cường thu hút nguồn lực để bổ sung giá trị gia tăng cho địa phương; chú ý tận dụng hết nguồn lực sẵn có của các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn.

Cùng với đó là tiếp tục quan tâm đến giáo dục, đào tạo; quan tâm, hỗ trợ đầu tư cho các học sinh giỏi để làm nguồn lực chất lượng cao lâu dài cho địa phương. Bởi Hà Tĩnh có truyền thống hiếu học, học giỏi với nhiều danh nhân nổi tiếng trong lịch sử trong nhiều lĩnh vực.

Chủ tịch nước đề nghị các cơ quan, bộ, ngành của Chính phủ nghiên cứu hỗ trợ giải quyết các đề xuất của Hà Tĩnh trong phát triển hạ tầng; trong đó có kết hợp huy động các nguồn lực trong và ngoài nước và vốn ngân sách.

Chủ tịch nước mong muốn Hà Tĩnh phải cùng với Nghệ An, Thanh Hóa hình thành một cực tăng trưởng mới của đất nước; đẩy mạnh hơn nữa các nền tảng phát triển theo mô hình cỗ xe tam mã: Sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu.

Đặc biệt Hà Tĩnh phải đi đầu trong chuyển đổi số; tăng cường áp dụng công nghệ cao trong sản xuất để nâng cao năng suất lao động. Trong thu hút đầu tư, cần đề cao tính chọn lọc để có những dự án tốt, hiệu quả; trong đó phải chú trọng đến phát triển nội lực, các doanh nghiệp nội địa.

Đáng chú ý, Chủ tịch nước căn dặn tỉnh cần thường xuyên coi trọng công tác bảo vệ môi trường, rút kinh nghiệm sâu sắc từ sự cố Formosa để đảm bảo tăng trưởng bền vững, gìn giữ vẻ đẹp tự nhiên của Hà Tĩnh. Xây dựng nông thôn mới, nông thôn kiểu mẫu gắn với xây dựng đô thị phù hợp với điều kiện đặc thù.

Chủ tịch nước cũng đề nghị Hà Tĩnh không chủ quan, xử lý tốt những vấn đề phát sinh đảm bảo quốc phòng, an ninh; gìn giữ, tăng cường mối quan hệ đối ngoại với các địa phương giáp biên thuộc nước bạn Lào.

Năm 2021, tăng trưởng GRDP của Hà Tĩnh đạt 5,02% (xếp thứ 4 khu vực Bắc Trung bộ); sản xuất công nghiệp phục hồi, tăng trưởng. Xuất khẩu đạt 2 tỷ USD (tăng 66,7%); nhập khẩu đạt 3,3 tỷ USD (tăng 50%). Thu ngân sách đạt gần 16 ngàn tỷ đồng, vượt 33,5% dự toán Trung ương giao. Giải ngân vốn đầu tư công đến nay đạt gần 7.800 tỷ đồng, bằng 80% kế hoạch. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã thu hút 52 dự án đầu tư, trong đó 51 dự án trong nước tổng vốn đăng ký trên 14.600 tỷ đồng.

Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tiếp tục đạt kết quả tích cực. Đến nay, toàn tỉnh có 171/182 xã đạt chuẩn NTM; 8/13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, 2 huyện đang đề xuất Trung ương công nhận đạt chuẩn trong năm 2021.

Cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tích cực. Lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm phát triển toàn diện. Chất lượng giáo dục toàn diện được giữ vững, chất lượng giáo dục đại trà ổn định. Đặc biệt, Hà Tĩnh đã thành lập Quỹ hỗ trợ học sinh đạt điểm cao, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vào đại học và đã kêu gọi được gần 16 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa; hiện có 101 em được hỗ trợ trong suốt quá trình học đại học. Quốc phòng - an ninh, trật an toàn xã hội được giữ vững.

Tỷ lệ hộ nghèo 3,05%, hộ cận nghèo còn 4,07%. Công tác khắc phục hậu quả thiên tai năm 2020 được tập trung chỉ đạo quyết liệt. Từ cuối năm 2020 đến nay, tỉnh đã huy động nguồn lực xã hội hóa xây dựng 41 nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh bão lũ và gần 3.500 nhà ở kiên cố cho các hộ dân với kinh phí xã hội hóa gần 290 tỷ đồng.

Công tác phòng, chống dịch COVID-19 được triển khai linh hoạt, sáng tạo. Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn có 1324 ca mắc, 1022 ca điều trị khỏi; tỷ lệ người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 mũi đạt 99% và đủ 2 mũi đạt 58%; đối với trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi đạt trên 50%.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch nước: Hà Tĩnh đang đứng trước thời cơ, triển vọng lớn để “nổi bật lên”