Tại Thủ đô Praha, tiếp tục chương trình thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Séc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã dự "Diễn đàn hợp tác kinh tế - du lịch Việt Nam".
Cùng dự có Tổng thống Cộng hòa Séc Milos Zeman. Phát biểu tại diễn đàn, Tổng thống Séc Mi-lốt Dê-man đánh giá cao sự phát triển nhanh về kinh tế xã hội của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua. Tổng thống khẳng định trong bối cảnh hiện thời, việc tăng cường quan hệ giữa hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế là hết sức cần thiết. Tổng thống cho rằng hợp tác kinh tế của doanh nghiệp hai nước vẫn còn nhiều tiềm năng, đặc biệt trong các lĩnh vực: điện năng, thiết bị công nghiệp nặng, khai thác khoáng sản, ứng dụng công nghệ. Tổng thống mong muốn và đề nghị Việt Nam tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp Séc đầu tư hiệu quả vào Việt Nam.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: TTXVN
Đánh giá cao đông đảo đại diện doanh nghiệp đã dự diễn đàn, minh chứng sinh động cho mối quan hệ hợp tác kinh doanh giữa các cộng đồng doanh nghiệp nói riêng, giữa ba nước nói chung, Chủ tịch nước nhấn mạnh, trải gần 30 năm thực hiện chính sách đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn mang ý nghĩa lịch sử, kinh tế liên tục tăng trưởng ở mức cao, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, ổn định chính trị - xã hội được giữ vững, hội nhập với khu vực và quốc tế ngày càng sâu rộng. Chủ tịch nước nêu rõ, Việt Nam hiện là điểm đến an toàn và hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài và du khách quốc tế. Trong thời gian tới, hàng loạt hiệp định thương mại song phương và đa phương sẽ được ký kết giữa Việt Nam và các nước, trong đó có Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) là cơ sở quan trọng thúc đẩy hoạt động thương mại - đầu tư -du lịch giữa Việt Nam với các nước khu vực và thế giới.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, thị trường trên 90 triệu dân của Việt Nam là bộ phận quan trọng của thị trường ASEAN rộng lớn với trên 500 triệu dân, cùng nhiều chính sách ưu đãi đang chờ đón các nhà đầu tư nước ngoài. Một nhân tố thuận lợi cho quan hệ hợp tác kinh doanh giữa ba nước là đội ngũ hàng chục ngàn cựu học sinh từng tu nghiệp tại các trường Đại học của Séc và Slovakia trước đây, trong đó có nhiều người trong số họ đang giữ trọng trách trong bộ máy Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam, sẽ đóng vai trò cầu nối tích cực cho tình hữu nghị và hợp tác thương mại - đầu tư giữa các nước. Chủ tịch nước tin tưởng, việc các thỏa thuận hợp tác được ký nhân dịp này giữa các bên sẽ là nền tảng hỗ trợ hữu hiệu kết nối giữa các doanh nghiệp.
Chủ tịch nước khẳng định, với nền tảng là quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp, khung pháp lý hoàn thiện và môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, các khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải, sẽ được lắng nghe và giải quyết; đưa các lĩnh vực tiềm năng như thương mại, đầu tư, du lịch ngày càng phát triển sâu rộng hiệu quả.
Hiện, quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam - Séc đang có chuyển biến tích cực. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng từ mức 92,12 triệu USD năm 2006 lên 294,37 triệu USD năm 2014. Năm 2012, Séc công bố chiến lược xuất khẩu quốc gia đến năm 2020, đưa Việt Nam (nước duy nhất trong ASEAN) vào danh sách 12 thị trường ưu tiên.
Tính đến nay, Séc có 36 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký 64 triệu USD. Séc thường xuyên tham gia các Hội nghị quốc tế tài trợ cho Việt Nam và là nước Ðông Âu đầu tiên liên tục cấp ODA cho Việt Nam, tới nay đạt khoảng 18 triệu USD. Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Séc trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, du lịch cũng đạt kết quả tốt. Chính phủ Séc tiếp tục cấp học bổng cho sinh viên và nghiên cứu sinh của Việt Nam. Hai bên xúc tiến hợp tác du lịch giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam và Bộ Phát triển vùng của Séc.