Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”

Trung Nguyễn| 28/10/2020 10:53
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

“Lời kêu gọi thi đua ái quốc” nói riêng và tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung về thi đua yêu nước có giá trị lý luận và giá trị thực tiễn sâu sắc, có sức sống mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước.

Thi đua phải xuất phát từ tinh thần yêu nước

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” động viên đồng bào, chiến sĩ phát huy truyền thống yêu nước, thực hiện những nhiệm vụ cấp bách chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, góp của, góp công vào sự nghiệp kiến thiết và bảo vệ đất nước.

images1318408_2.jpg

Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trong lời kêu gọi, Người nhấn mạnh: “Bổn phận của người Việt Nam, bất kỳ sỹ, nông, công, thương, binh, bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau... Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già trẻ, trai gái, bất kỳ giàu nghèo, lớn nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ đấu tranh trên mặt trận, quân sự, kinh tế, chính trị, văn hoá”.

Mục đích của thi đua ái quốc là nhằm đem lại hạnh phúc cho nhân dân, toàn dân đủ ăn mặc; toàn dân biết đọc, biết viết; toàn bộ đội đầy đủ lương thực, khí giới để diệt giặc ngoại xâm, toàn quốc sẽ thống nhất, độc lập hoàn toàn.

Không chỉ kế thừa, tiếp thu có chọn lọc tư tưởng thi đua của các nhà của các nhà kinh điển Mác xít mà Hồ Chí Minh còn gắn kết chặt chẽ tư tưởng đó với lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam. 

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, thi đua phải xuất phát từ tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc, trách nhiệm công dân với ý chí phấn đấu; phát huy sức mạnh cả vật chất và tinh thần. Thi đua không chỉ là hoạt động tích cực và sáng tạo trong công việc hằng ngày, trong lao động sản xuất, mà còn là hoạt động tư tưởng và tinh thần, là biểu hiện của lòng yêu nước, của tình cảm đối với Tổ quốc, đối với quê hương.

1-6-.jpg

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện tại Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua chống Mỹ, cứu nước (Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua lần thứ IV) diễn ra tại Hà Nội tháng 1/1967. 

Vì thế, khi phát biểu tại Đại hội chiến sỹ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc ngày 01/5/1952, Hồ Chí Minh đã nói: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Quan điểm ấy chính là động lực to lớn làm cho phong trào thi đua yêu nước có sức mạnh tinh thần vô cùng mạnh mẽ, tồn tại lâu dài, phát triển không ngừng, gắn liền với sự phát triển của dân tộc.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước không chỉ thể hiện qua những lời kêu gọi thi đua ái quốc của Người, mà nó còn được thể hiện ở sự quan tâm sâu sát của Người đến phong trào thi đua yêu nước, với mong muốn phong trào phải đi sâu vào thực tiễn của đời sống và biến nó thành những hành động cụ thể. Đồng thời, Người cũng chỉ ra rằng: Để phong trào thi đua đạt hiệu quả cao thì phải có sự đánh giá, tổng kết thực tiễn, trên cơ sở đó rút ra những kinh nghiệm và đề ra những nội dung phù hợp, sát với thực tiễn của phong trào.

Trong mỗi giai đoạn cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm chỉ đạo phong trào thi đua yêu nước phù hợp với nhiệm vụ cách mạng của từng thời kỳ. Người cũng chủ trương đa dạng các hình thức thi đua khen thưởng nhằm biểu dương và nhân rộng nhiều hơn nữa những tấm gương điển hình.

Người cho rằng: “Số người và những tập thể được công nhận là anh hùng, chiến sĩ thi đua được tặng Huân chương, Huy chương vẫn chỉ là số ít so với hàng triệu, hàng chục triệu con người hàng ngày góp gió thành bão, đang gánh vác mọi việc nước, việc nhà… gọi là người tốt việc tốt”. Bên cạnh hình thức tuyên dương anh hùng, chiến sĩ thi đua, Người còn đề xuất hình thức tuyên dương gương người tốt việc tốt, để những việc bình thường nhưng ích nước lợi dân được trân trọng và nhân rộng trong xã hội.

Không chỉ nêu rõ mục đích, nội dung, ý nghĩa của phong trào thi đua yêu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ rõ phương pháp: Để phát triển phong trào thi đua, nhất định và phải kiên quyết “chống bệnh quan liêu, chống nạn tham ô, lãng phí”.

 Người quan niệm, “bệnh quan liêu sẽ ngăn trở phong trào thi đua, làm nó chậm tiến, và nạn tham ô, lãng phí sẽ làm giảm bớt những kết quả của phong trào thi đua”.

 Người còn nói, “thi đua không phải là ganh đua”, thi đua có nghĩa là mỗi người đều có thể phát triển tài năng, sáng kiến của mình, học hỏi điều hay lẫn nhau, giúp nhau sửa chữa khuyết điểm để cùng tiến bộ. Do đó, thi đua một cách thiết thực và tích cực sẽ giúp mỗi người chiến thắng những tật xấu, hướng về những điều tốt đẹp, dẹp bỏ dần những thói hư, những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân; đồng thời, làm cho mỗi người nâng cao tinh thần tiết kiệm, ý thức giữ gìn của công và hướng lòng mình đến chí công vô tư.

Thông qua phong trào thi đua, mỗi người sẵn sàng tiếp nhận một cách tự giác những nét đẹp mới trong đạo đức, lối sống, hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn - ở đó, mình sống vì mọi người và mọi người sống vì mình.

Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Ngày 4/3/2008 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 258/QĐ-TTg về việc lấy ngày 11/6 hàng năm là “Ngày Truyền thống thi đua yêu nước”.

Ngày 15/5/2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Học tập và làm theo tấm gương của Người, trên khắp đất nước, trong các ngành, các giới, các tổ chức chính trị - xã hội đã và đang dấy lên các phong trào thi đua lao động sáng tạo sôi nổi rộng khắp và phát triển mạnh mẽ.

Qua các phong trào thi đua đã xuất hiện ngày càng nhiều anh hùng lao động, chiến sĩ thi đua, những điển hình tiên tiến trong thời kỳ đổi mới.

Hơn 70 năm sau kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, ngọn cờ thi đua yêu nước đã trở thành phong trào cách mạng sâu rộng của quần chúng nhân dân, vẫn vẹn nguyên giá trị lý luận, thực tiễn và mang tính thời sự sâu sắc.

Phong trào thi đua yêu nước phát triển ngày càng mạnh mẽ qua các thời kỳ, sâu, rộng trong các tầng lớp nhân dân, các lực lượng vũ trang… với nhiều nội dung phong phú và hình thức sinh động, góp phần động viên sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đặc biệt, những năm gần đây, các phong trào thi đua yêu nước đã bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, của từng địa phương,cơ quan, đơn vị gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và thi đua lập thành tích nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước.

Ở tất cả các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương, các phong trào thi đua đã động viên và huy động được mọi nguồn lực xã hội, góp sức hoàn thành nhiệm vụ chính trị của đất nước.

Từ trong các phong trào thi đua, các cuộc vận động đã có hàng vạn sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học, công trình xây dựng, v.v.. được nghiệm thu, ứng dụng trong thực tiễn, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội to lớn; đồng thời, cũng xuất hiện ngày càng nhiều tập thể, cá nhân Anh hùng Lao động, chiến sĩ thi đua các cấp, những gương điển hình tiên tiến được Nhà nước, các cấp, các ngành, đoàn thể kịp thời biểu dương, khen thưởng, tạo sự lan tỏa trong xã hội.

Nhìn lại sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào rằng: Những thành quả của cuộc cách mạng ấy, gắn liền với việc tổ chức, thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước.

Hơn 70 năm đã qua nhưng lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn giữ nguyên giá trị và mang tính thời sự trong sự nghiệp đổi mới và phát triển của dân tộc Việt Nam.

Phong trào thi đua trong hệ thống TAND đã có những bước phát triển mạnh mẽ

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước , trong những năm gần đây, phong trào thi đua trong hệ thống TAND đã có những bước phát triển mạnh mẽ.

 Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TAND đã triển khai phong trào thi đua sôi nổi lập thành tích chào mừng Kỷ niệm các ngày Lễ lớn của đất nước, đặc biệt là phong trào thi đua cao điểm chào mừng “Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và làm theo tư tưởng của Bác về thi đua yêu nước”…

Trên cơ sở Nghị quyết của Ban cán sự đảng, Chỉ thị của Chánh án TANDTC về nhiệm vụ trọng tâm công tác, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TAND đã chỉ đạo các Tòa án tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước; cụ thể hóa nội dung, hình thức, mục tiêu thi đua bám sát nhiệm vụ chính trị, công tác chuyên môn; chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến… Do đó, công tác thi đua, khen thưởng tiếp tục đi vào nề nếp, động viên, khích lệ cán bộ, công chức nêu cao tinh thần trách nhiệm, làm việc có chất lượng, hiệu quả; phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình tiên tiến; biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc; quyết tâm xây dựng TAND vững mạnh, trong sạch, liêm chính.

Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp tiếp tục được kiện toàn về tổ chức; triển khai phong trào thi đua, tiến hành sơ kết, tổng kết, bình xét, đề nghị khen thưởng theo đúng quy định của Luật Thi đua, khen thưởng và Thông tư số 01/2018/TT-TANDTC. Nhiều Cụm thi đua đã có những mô hình mới, sáng tạo để các đơn vị trong Cụm và các Cụm thi đua khác học tập, nhân rộng.

Cùng với việc triển khai thực hiện đồng bộ 14 giải pháp theo chỉ đạo của Chánh án TANDTC, thông qua các phong trào thi đua, các đơn vị đã đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng xét xử, khắc phục những hạn chế trong việc thực hiện các chỉ tiêu về công tác chuyên môn.

Phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác thi đua khen thưởng trong thời gian tới được xác định là tiếp tục tuyên truyền, quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 34-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thi đua khen thưởng”; các nghị quyết, văn kiện của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; các quy định pháp luật về công tác tư pháp, cải cách tư pháp và thi đua khen thưởng.

Đẩy mạnh phong trào thi đua theo chủ đề xuyên suốt “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”, với phương châm “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 của Đảng. Tích cực triển khai Chỉ thị số 02/2019/CT-CA ngày 10/6/2019 của Chánh án TANDTC về việc phát động đợt thi đua đặc biệt chào mừng các ngày Lễ lớn của đất nước, chào mừng đại hội Đảng các cấp và kỷ niệm 75 năm Ngày Truyền thống TAND và các hướng dẫn của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TAND về tổ chức Hội nghị điển hình tiên tiến, khen thưởng phong trào thi đua giai đoạn 2015 - 2020 tiến tới Đại hội thi đua TAND lần thứ IV và Đại hội thi đua toàn quốc lần thứ X.

Các cấp uỷ, tổ chức Đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị quan tâm, trực tiếp chỉ đạo, đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thi đua khen thưởng, bảo đảm thực chất; lấy hiệu quả công việc làm thước đo để đánh giá, bình xét thi đua, nhằm khuyến khích các tập thể, cá nhân thi đua lập thành tích, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Thường xuyên rà soát, kịp thời vinh danh, khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác; chú trọng khen thưởng các tập thể nhỏ, công chức, viên chức và người lao động trực tiếp.

Bên cạnh đó, tăng cường phát hiện, bồi dưỡng, tuyên truyền về những tấm gương tập thể, cá nhân tiêu biểu, nhất là các nhân tố mới, để cổ vũ, nêu gương, nhân rộng, tạo động lực phát triển lan toả sâu rộng trong TAND.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”