Cuộc họp báo của UBND tỉnh Thanh Hóa vào chiều 5/8 thực sự nóng khi ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh đã đứng lên phát biểu và nói sẽ đưa vụ việc liên quan giữa Hiệp hội và Sở Xây dựng ra Tòa.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng chủ trì cuộc họp đã thông tin tới các cơ quan báo chí tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm tháng 8/2016. Đặc biệt là trả lời các vấn đề nóng mà báo chí, dư luận đang quan tâm, phản ánh thời gian qua, trong đó đặc biệt là vụ việc liên quan đến Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa và Sở Xây dựng tỉnh.
Giám đốc Sở Nội vụ Đầu Thanh Tùng đã báo cáo tóm tắt kết quả xác minh, phản ánh, kiến nghị của Doanh nghiệp tư nhân Huy Lâm, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa về việc chậm thẩm định hồ sơ và thời điểm thanh tra doanh nghiệp của Sở Xây dựng.
Về quan điểm, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh luôn quan tâm, ủng hộ, bảo vệ và hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đúng quy định của pháp luật; kiên quyết chỉ đạo xử lý nghiêm khắc đối với cơ quan, công chức có hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính.
Vụ việc Doanh nghiệp tư nhân Huy Lâm, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh có liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính của Sở Xây dựng, ngay từ đầu lãnh đạo tỉnh đã gặp gỡ, trao đổi khẳng định sẽ xác minh làm rõ, nhưng do các bên thiếu kiềm chế nên vụ việc trở nên phức tạp, ảnh hưởng tới uy tín và môi trường đầu tư của tỉnh.
Thanh Hóa họp báo trả lời các vấn đề nóng
UBND tỉnh thống nhất hướng xử lý, yêu cầu Giám đốc Sở Xây dựng tổ chức kiểm điểm, phê bình, rút kinh nghiệm, chấn chỉnh ngay việc giao dịch, thực hiện giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, công dân đối với công chức Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và Trả kết quả. Đồng thời hoàn chỉnh quy trình thẩm định, trong đó quy định việc gửi, nhận văn bản thông báo, hướng dân cho tổ chức, công dân phải có hình thức gửi qua đường bưu điện.
UBND tỉnh cũng yêu cầu chủ Doanh nghiệp tư nhân Huy Lâm nghiêm túc rút kinh nghiệm về trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc thực hiện, chấp hành các quy định của pháp luật trong sự việc này.
Về phía Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh yêu cầu có văn bản nhận lỗi và báo cáo lại chính xác nội dung sự việc tới các cơ quan, tổ chức mà Hiệp hội đã gửi các văn bản; Căn cứ các nội dung kết luận trong báo cáo xác minh đã chỉ ra, căn cứ quy định của Điều lệ Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và quy định của pháp luật, Ban chấp hành, Ban thường vụ, Ban thường trực Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với Chủ tịch Hiệp hội và tập thể, cá nhân có liên quan.
UBND tỉnh đề nghị Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Thanh Hóa báo cáo lại chính xác nội dung sự việc với các cơ quan mà Chi nhánh đã gửi văn bản phản ánh.
Đồng thời, thống nhất giao Sở Xây dựng, các cơ quan liên quan, UBND TP.Thanh Hóa và UBND huyện Thạch Thành xử lý nghiêm những hành vi vi phạm trong hoạt động xây dựng của Doanh nghiệp tư nhân Huy Lâm, Tổng Công ty cổ phần Hợp Lực và các cá nhân theo quy định của pháp luật.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Đệ (áo xanh) nói sẽ đưa vụ việc ra tòa
Tại cuộc họp này, ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh đứng dậy phát biểu: “Chúng tôi không đồng ý với văn bản của Sở Nội vụ, sẽ tiếp tục gửi đơn đề nghị ra Trung ương”. Ông Đệ cũng cho biết, sẽ kiện ra Tòa nếu sự việc không giải quyết dứt điểm và thỏa đáng.
Khi Giám đốc Sở Thông tin&Truyền thông Trần Duy Bình đề nghị ông Đệ bình tĩnh và tôn trọng chủ tọa, tuy nhiên ông Đệ đã “cự” lại và tiếp tục nêu quan điểm của mình.
Tại buổi họp này, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng thông tin rộng rãi tới báo chí về việc số lượng Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh. Theo đó, hiện nay Sở này có 8 Phó Giám đốc, sở dĩ nhiều như vậy là do Thanh Hóa là tỉnh đất rộng, người đông, nếu số lượng chỉ là không quá 3 người như quy định tại Thông tư liên tịch số 14/2015 ngày 25/3/2015 của Liên bộ sẽ rất khó khăn trong quản lý, điều hành.
Đại diện Ban quản lý khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp báo cáo về cấp nước cho dự án Liên hợp lọc hóa dầu và khu kinh tế. Nếu việc cấp nước không đảm bảo theo cam kết và nhà máy lọc hóa dầu phải dừng vận hành vì lý do thiếu nước sẽ phát sinh thiệt hại về doanh thu khoảng 20 triệu USD mỗi ngày. Khi đó, vấn đề khởi phát trách nhiệm bảo lãnh của Chính phủ sẽ xảy ra và tỉnh Thanh Hóa phải chịu trách nhiệm theo chỉ đạo của Chính phủ tại Công văn 1370/TTg ngày 21/8/2008.
Trước tình hình này, để đáp ứng theo đúng chỉ đạo của Chính phủ phải đảm bảo nước phục vụ cho các Dự án trong KKTNS, ngày 10/6/2016, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Quyết định 1982/QĐ-UBND chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án hệ thống cấp nước KKTNS cho liên doanh nhà đầu tư Tổng Công ty Đầu tư Xây dựng và Thương mại Anh Phát và Công ty TNHH MTV Sông Chu.
Cũng tại buổi họp báo này, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng nêu quan điểm: “Sự việc giữa Doanh nghiệp Huy Lâm, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh với Sở Xây dựng là điều khiến chúng tôi vô cùng đáng tiếc. Một việc nhỏ nhưng các bên đẩy đi quá xa, làm ảnh hưởng tới môi trường đầu tư của tỉnh. Trước khi ban hành, thông qua bản báo cáo của Sở Nội vụ và các cơ quan khác, tỉnh đã mời Hiệp hội, Phòng Thương mại, Doanh nghiệp Huy Lâm cung cấp các căn cứ pháp lý, bằng chứng để phản bác nhưng không đưa ra được. Hiện Thanh tra Bộ Xây dựng đang tiến hành thanh tra các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh, khi nào có kết luận, sai đến đâu sẽ xử lý nghiêm, không bao che. Dự án cấp nước cho Nghi Sơn là một trong những vấn đề bức thiết, là việc ảnh hưởng tới an ninh quốc gia. Tỉnh sẽ đảm bảo cho các nhà máy hoạt động tốt trên địa bàn… Còn vấn đề gì chưa rõ, có các câu hỏi khác đề nghị phóng viên, nhà báo chuyển bằng văn bản, chúng tôi sẽ trả lời”.