Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn FLC chia sẻ về cơ hội và thách thức kinh doanh trong giai đoạn hiện nay.
Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn FLC
Ngày 11/10/2016, Tạp chí điện tử Diễn đàn đầu tư BizLIVE đã tổ chức toạ đàm BizTALK "Ngày Doanh nhân bàn về xoá bỏ rào cản kinh doanh", ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của các doanh nhân về các vấn đề cần thay đổi để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp. Bên lề sự kiện, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn FLC về cơ hội và thách thức kinh doanh trong giai đoạn hiện nay.
PV: Thưa ông, trong một vài năm gần đây, cụm từ khởi nghiệp, “start-up” đang được nhắc đến rất nhiều. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cảnh báo về những rủi ro khi lập nghiệp. Là người từng gây dựng sự nghiệp từ con số 0 ban đầu, ông đánh giá như thế nào về cơ hội và thách thức cho những người trẻ muốn khởi nghiệp?
Ông Trịnh Văn Quyết: Tôi cho rằng, nên nhìn nhận câu chuyện ở 2 góc độ.
Một là, cơ hội kinh doanh luôn có. Khi nhìn ra cơ hội kinh doanh thì bạn có cơ hội khởi nghiệp. Và khởi nghiệp là cần thiết, nên khuyến khích. Nếu bạn đi làm thuê, bạn có thể lo cho cá nhân, gia đình mình. Còn khi bạn tạo ra một doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, bạn có thể lo cho rất nhiều người, nhiều gia đình.
Thêm vào đó, chính sách của Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua đã rất cởi mở, từ việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài, cải cách thủ tục hành chính đến các chính sách tài khóa, tiền tệ… Lao động Việt Nam, tài nguyên đất đai… cũng rất thuận lợi để bạn có thể khởi nghiệp. Ngay Nghị quyết 35 của Chính phủ ban hành đầu năm 2016 cũng cho thấy chủ trương khuyến khích phát triển doanh nghiệp của Việt Nam rất rõ ràng.
Ở góc độ thứ hai, câu chuyện xoay quanh những rủi ro. Mỗi năm có rất nhiều doanh nghiệp mới được hình thành. Tôi tin rằng, hầu hết những người khi mới mở công ty đều có một ý tưởng kinh doanh, có một hoài bão. Nhưng không phải ai cũng thành công. Những rủi ro liên quan đến nguồn tài chính ban đầu, nhân sự, mối quan hệ… thậm chí là nhiều câu hỏi rất đơn giản như: vận hành doanh nghiệp như thế nào? Xây dựng quy trình ra sao? Cách hạch toán sổ sách giấy tờ như thế nào? Các vấn đề về thủ tục hành chính khác… cũng khiến các bạn trẻ mới lập doanh nghiệp ngần ngại. Đó chưa kể là các vấn đề về cạnh tranh thương trường.
Thách thức rất nhiều, và đa số thứ mà các bạn có khi mới khởi nghiệp chỉ dừng lại ở một ý tưởng kinh doanh và… nhiệt huyết. Tuy nhiên, tôi cho rằng xã hội ngày nay đang cởi mở hơn. Bạn ngại các vấn đề về thủ tục hành chính, quy trình, sổ sách… đã có các công ty luật, công ty tư vấn, công ty dịch vụ. Phí dịch vụ cho các công ty mới thành lập khá thấp.
Bạn thiếu vốn, có thể huy động từ những nhà đầu tư có tên tuổi. Lên một phương án kinh doanh tốt, cẩn trọng, tìm một cộng sự tốt và mạnh dạn, tôi nghĩ cơ hội luôn có cho tất cả mọi người.
PV: Nếu ai đó đưa ra một ý tưởng khởi nghiệp tốt, ông có sẵn sàng đầu tư?
Ông Trịnh Văn Quyết: Tôi là người làm kinh doanh, nên với tôi, mọi cơ hội đều được cân nhắc. Nhưng ý tưởng kinh doanh tốt không đủ. Tất nhiên, ở hệ thống hiện tại của FLC, tôi có thể hỗ trợ nhiều cho các phương án kinh doanh mới, nhưng tôi vẫn cần một ý tưởng khởi nghiệp tốt của một người dám đam mê.
PV: Về cá nhân mình, ông thích và đánh giá cao lĩnh vực nào nhất?
Ông Trịnh Văn Quyết: Tôi đang làm về dịch vụ tư vấn luật, đầu tư bất động sản, tài chính… nên rõ ràng đây là 3 lĩnh vực mà tôi ưa thích và đánh giá cao cơ hội tăng trưởng. Nhưng tôi cho rằng, các lĩnh vực khác liên quan đến chăm sóc đời sống người dân như: giáo dục, y tế, nông nghiệp, thực phẩm - đồ uống… cũng rất hấp dẫn.
PV: Giả sử được ai đó yêu cầu đưa ra lời khuyên lựa chọn nhóm ngành đầu tư lúc này, ông có thể nói gì?
Ông Trịnh Văn Quyết: Tôi chỉ nói về cơ hội đầu tư cho nhà đầu tư đại chúng nói chung thôi nhé. Còn cơ hội cho khởi nghiệp, thì nên dựa theo ý tưởng, cơ hội kinh doanh, thế mạnh, đam mê riêng của mỗi người. Và như tôi đã nói, khởi nghiệp là cơ hội để đổi đời, nhưng cũng có nhiều rủi ro thất bại lắm.
Với việc lựa chọn kênh đầu tư cho người dân nói chung, tôi vẫn hướng đến 2 mảng là bất động sản và chứng khoán.
Ví dụ tại Hà Nội này, tốc độ đô tăng dân số nhanh, trong đó tăng hữu cơ và tăng do di dân về thành phố đều rất lớn. Mấy năm trước chúng ta còn lo hàng tồn kho lớn, dự án đắp chiếu… nhưng đến nay nhìn lại, số dự án mới phát triển thực ra còn lớn hơn nhiều số dự án tồn của giai đoạn trước. Nhu cầu nhà ở thực vẫn rất lớn, và tôi tin cơ hội đầu tư vào đây vẫn còn nhiều. Các phân khúc khác của bất động sản cũng vậy thôi. Ở những chu kỳ ngắn, nhà đầu tư có thể lỗ khi mua đúng đỉnh, nhưng nhìn dài hạn, bất động sản vẫn tăng giá.
Thứ hai là chứng khoán. Như các bạn thấy, đầu năm vừa rồi, nhiều chuyên gia đã đưa nhận định khá bi quan về vĩ mô năm nay, nhưng đó là chuyên gia trong nước. Còn các nhà đầu tư ngoại vẫn không ngừng đưa ra đánh giá cao về triển vọng thị trường trong nước, và mua vào. Và thực tế là các chỉ số thị trường đã tăng khá ấn tượng. Tôi tin là, với chính sách vĩ mô tốt, lãi suất vừa điều chỉnh giảm, kênh đầu tư vào ngoại tệ hạn chế, dòng vốn ngoại đang vào tích cực… thì chứng khoán vẫn là lựa chọn tốt.
Mới đây, có nhà đầu tư đã hỏi tôi vì sao đăng ký mua vào nhiều thế? Tôi nghĩ đơn giản thế này, mình đánh giá chứng khoán là kênh đầu tư tốt, và mình hiểu rõ nhất doanh nghiệp mình điều hành thì không có lý do gì để mình không mua vào thêm nếu có điều kiện.