Trên facebook cá nhân, ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT FLC & FLC Faros vừa đưa ra nhận định lạc quan về thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2017.
Trong bối cảnh mấy tháng qua, các chỉ số chứng khoán đều tăng khá, nhưng động lực tăng trưởng lại đến từ các mã có vốn hoá lớn, với định giá vẫn còn khá thấp so với khu vực, đặc biệt là hiệu ứng của các doanh nghiệp nhà nước niêm yết sau cổ phần hoá, ông Quyết nhận thấy thị trường chứng khoán đã hình thành một mặt bằng mới so với đầu năm, cả về định giá và thanh khoản. Tất nhiên, cơ hội không trải đều cho tất cả, mà có sự phân hoá rõ rệt.
Ông cho rằng có hai yếu tố lớn khác sẽ tạo ra cú hích lớn với thị trường, là chứng khoán phái sinh và mức độ tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT FLC & FLC Faros
Những ngày vừa rồi, các công ty chứng khoán lớn đã bắt đầu được chấp thuận triển khai các nghiệp vụ chứng khoán phái sinh. Giai đoạn đầu tác động có thể chưa lớn, nhưng về lâu dài sẽ tạo ra sân chơi rất tốt cho các nhà đầu tư trên thị trường.
Trong khi đó, triển vọng nâng hạng của thị trường đã trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết, khi các tiêu chí cơ bản như quy mô thị trường, số doanh nghiệp tỷ USD, thanh khoản, độ mở của thị trường... gần như đã được đáp ứng.
Với việc được nâng tỷ trọng trong chỉ số MSCI trong tháng này, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng được hưởng lợi nhiều nhất. Thông tin từ MSCI cho thấy quỹ iShares MSCI Frontier 100 ETF có thể mua đáng kể các cổ phiếu ROS, HSG, NVL, SSI...
Ông Trịnh Văn Quyết nhận định: “Niềm tin của doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh - yếu tố vô hình nhưng đôi khi khi lại có vai trò quyết định đối với triển vọng thị trường - ngày càng được củng cố trong thời gian gần đây, sau hàng loạt những chính sách và hành động cụ thể của các cơ quan quản lý”.
Vị Chủ tịch FLC còn bày tỏ trên trang cá nhân sự kỳ vọng vào nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân vừa được Hội nghị Trung ương 5 ban hành, với mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường, điều rất có thể sẽ thổi một luồng sinh khí mới cho khu vực kinh tế tư nhân và toàn bộ nền kinh tế.
“Dòng tiền trong nền kinh tế rất thông minh. Và dòng tiền quốc tế cũng đang hướng đến Việt Nam ngày một lớn. Vì thế, từ nay đến cuối năm 2017, việc xuất hiện những phiên giao dịch có thanh khoản chạm ngưỡng 10.000 tỷ đồng là điều hoàn toàn có thể, khi chứng khoán Việt Nam vẫn đang chứng tỏ đây là cơ hội lớn”, ông Quyết khẳng định.