Với mức vốn lên đến gần 600 tỉ để xây dựng trung tâm thương mại sạch và đẹp nhất phố núi, điều đó đã tạo sự quan tâm đặc biệt của các tiểu thương. Bên cạnh sự đồng thuận thì cũng có những ý kiến hoài nghi.
PV Báo Công lý đã có buổi trao đổi với ông Hồ Sỹ Nhân, Giám đốc Công ty TNHH Đại Phát xoay quanh một số vấn đề liên quan.
PV: Một số ý kiến cho rằng đây là công trình phung phí nguồn lực tài chính của tỉnh Gia Lai trong khi có hàng loạt công trình dân sinh cấp bách khác cần nguồn vốn đầu tư. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Ông Hồ Sỹ Nhân: Trung tâm thương mại Pleiku hiện tại đã xuống cấp trầm trọng, nhiều người kinh doanh buôn bán ở đây cảm thấy lo lắng vì những vấn đề như kén khách du lịch do chợ có mùi hôi thối hay như không có người mua. Gần như toàn bộ tiểu thương kinh doanh ở đây đều mong muốn có được chợ mới khang trang hơn, sạch sẽ hơn. Dựa trên nhu cầu cần thiết và cấp bách của người dân, nhà đầu tư sẽ tập trung nguồn nhân lực, vật lực của doanh nghiệp vào việc triển khai xây dựng công trình. Đây là nguồn vốn xã hội hóa dựa trên chủ trương chung của Nhà nước, của Chính phủ do chính doanh nghiệp bỏ ra chứ không phải nhà nước bỏ ngân sách địa phương ra đầu tư.
Phối cảnh Trung tâm thương mại gần 600 tỉ đồng
PV: Thưa ông, như vậy, nhà đầu tư có tính đến vấn đề mượn sức dân để huy động tài chính cho mục đích đầu tư cho công trình Trung tâm thương mại TP. Pleiku không?
Ông Hồ Sỹ Nhân: Trung tâm thương mại Pleiku xây dựng hoàn thiện, đưa vào sử dụng, lúc đó nhà đầu tư mới cho dân và các hộ tiểu thương có nhu cầu thuê quầy sạp để buôn bán. Quan điểm của nhà đầu tư là không huy động vốn và lấy tiền trước của dân.
PV: Có thông tin cho rằng, sau khi Trung tâm thương mại xây dựng xong, nhà đầu tư sẽ tiến hành đấu giá quầy sạp, ai giá cao sẽ được còn giá thấp sẽ bị loại, những người đã kinh doanh trước đây cũng phải chịu chung tình trạng này?
Ông Hồ Sỹ Nhân: Không có chuyện nhà đầu tư cho đấu giá quầy sạp kinh doanh, chúng tôi luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các hộ đã kinh doanh tại Trung tâm thương mại Pleiku trước đây vào kinh doanh tại Trung tâm thương mại mới. Sau khi công trình hoàn thành, chúng tôi sẽ cho các hộ kinh doanh đã đăng ký bốc thăm phân chia vị trí lô sạp.
PV: Nhiều hộ tiểu thương cho rằng thời gian thuê 25 năm, 50 năm là quá dài khiến họ không đảm bảo được nguồn lực tài chính như mong muốn, ông suy nghĩ sao về vấn đề này?
Ông Hồ Sỹ Nhân: Việc cho thuê 25 năm, 50 năm là giá tạm tính đưa ra để lấy ý kiến. Đối với các hộ dân, tiểu thương có mong muốn thuê 5 năm, 10 năm, 15 năm hay lâu hơn nữa thì phía nhà đầu tư chúng tôi sẽ linh động cho các hộ tiểu thương trong vấn đề thời gian thuê. Thậm chí, nếu các hộ dân, hộ tiểu thương gặp khó khăn nhưng có nhu cầu thuê quầy, sạp thì nhà đầu tư sẽ thu xếp, hỗ trợ để các hộ tiểu thương được vay vốn ngân hàng. Tài sản thế chấp là quầy sạp của chính các hộ tiểu thương đó.