Thực trạng sản xuất kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng diễn biến phức tạp nhưng thiếu kiểm soát đang gây bức xúc và thiệt hại lớn cho người dân.
Theo ông Phạm Ngọc Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam là xử lý vi phạm phân bón giả bằng hình thức hành chính, “nói như dân gian chỉ là gãi ghẻ” nên doanh nghiệp không sợ mà sẵn sàng sai phạm và nộp phạt là xong.
Gần 4.000 vụ vi phạm mỗi năm
Theo thống kê của Hiệp hội phân bón Việt Nam, hiện có khoảng 7.000 loại phân bón đang được lưu hành trên thị trường. Với một số lượng phân bón lớn như vậy đã gây không ít khó khăn cho công tác quản lý, sản xuất, kinh doanh phân bón. Đây cũng là một trong những yếu tố tạo cơ hội cho nạn phân bón giả, kém chất lượng cũng như các hành vi vi phạm pháp luật trong việc sản xuất và kinh doanh phân bón gia tăng.
Chia sẻ tại cuộc họp báo về Hội thảo ”Lập lại thị trường phân bón Việt Nam và bảo vệ quyền lợi cho nông dân” hôm 26/9/2016, ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón cho biết, hàng năm Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã kiểm tra xử phạt sản xuất, kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng phát hiện gần 4.000 vụ vi phạm. Con số thống kê chưa đầy đủ của Cục Quản lý thị trường cho thấy, các năm qua có 63 công ty, tổ hợp sản xuất kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng bán ra trên 48 tỉnh thành.
Nhiều mẫu phân bón đến tay người nông dân chỉ còn là bùn và đất sét. Ảnh: Thanh niên
Hàng loạt dẫn chứng về những vụ vi phạm sản xuất kinh doanh phân bón giả đã được ông Thúy đưa ra. Ví dụ như Công ty TNHH Việt Thái (Đồng Nai) đăng ký chất lượng dinh dưỡng trên giấy phép và bao bì phân bón NPK với hàm lượng dinh dưỡng 53% nhưng khi kiểm định tổng hàm lượng dinh dưỡng chỉ có 7,2%; Công ty CP Quốc tế Đông Trung đăng ký hàm lượng dinh dưỡng phân NPK trên giấy phép cũng là 53% nhưng kiểm định chỉ có 8,2%. Thậm chí có những công ty kinh doanh phân bón không khác gì “đem bán đất cho nông dân” bởi hàm lượng dinh dưỡng trong phân khi kiểm tra quá thấp. Có những công ty khi kiểm tra hàm lượng lượng dinh dưỡng phân NPK chỉ có gần 3%, có trường hợp chỉ có 1,9%, còn lại là toàn bột đá vôi…
Một vấn đề đáng báo động nữa là sản xuất tiêu thụ phân bón giả, kém chất lượng không chỉ xuất hiện trong các cơ sở sản xuất phân bón, trong đại lý kinh doanh phân bón mà còn xảy ra cả trong các phòng kiểm nghiệm, kiểm định. Cụ thể Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có kết luận số 235/KL-TTr, báo cáo kết quả kiểm tra 11 trung tâm khảo nghiệm, kiểm định thì 100% trung tâm đều vi phạm các Nghị định, Thông tư về quản lý khảo nghiệm phân bón. Những sai phạm tại các trung tâm này có hệ thống, kéo dài nhiều năm trong công tác chỉ định chứng nhận chất lượng, thử nghiệm, sản xuất và kinh doanh phân bón. 11 trung tâm sai phạm đã cấp khống, cấp sai hàng chục nghìn mẫu phân bón cho hàng trăm doanh nghiệp.
Khi xử phạt chỉ như “gãi ghẻ”
Phân bón giả, kém chất lượng là một thực trạng nhức nhối, khiến nhiều nông dân rơi vào tình cảnh lao đao, trắng tay. Mặc dù có nhiều chính sách đã được đưa ra, cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc nhưng vấn nạn phân bón giả vẫn hoành hành. Nguyên nhân được chỉ ra là do mức xử phạt hành chính thấp, không đủ sức răn đe khiến nhiều doanh nghiệp cố tình vi phạm, chấp nhận nộp phạt để hoạt động phi pháp.
Nhận xét về vấn đề xử phạt trong vi phạm sản xuất phân bón giả, ông Phạm Ngọc Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp sản xuất phân bón lãi hàng trăm tỷ đồng mà tiền xử phạt lại quá thấp “nói như dân gian chỉ là gãi ghẻ” nên doanh nghiệp không sợ và sẵn sàng sai phạm, nộp phạt là xong.
Một thực tế được ông Hùng nêu ra là có nhiều vụ các cơ sở sản xuất đóng cửa và bỏ trốn do có thông tin lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra. Câu hỏi đặt ra là ai đã báo thông tin cho các cơ sở này và có hay không việc bảo kê của các lực lượng thi hành công vụ, tham gia tiếp tay cho gian thương?
Cùng quan điểm với ông Hùng, ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cũng cho rằng có lợi ích nhóm, bảo kê của các lực lượng thi hành công vụ, tham gia tiếp tay cho gian thương. “Các thành phần này như “quả bom nổ chậm” phá hoại Nghị định, thông tư, bóp méo sự thật, bóp méo pháp luật, gây thiệt hại cho hàng chục triệu nông dân và nền nông nghiệp trong nhiều năm qua", ông Thúy nêu quan điểm.
Dẫn chứng được ông Thúy đưa ra là vụ việc Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 là đơn vị phát hiện, được các tổ chức liên ngành và các bộ tham gia, kiểm tra đã xác định Công ty CP Phân bón Thuận Phong (Đồng Nai) có 19/29 mẫu phân bón không phù hợp, Bộ Công Thương cũng có kết luận có 8 mẫu phân bón giả tại công ty này. Nhưng hơn 1 năm qua, khi vụ việc chưa được Thủ tướng kết luận thì tỉnh Đồng Nai đã cho dỡ niêm phong và chỉ xử lý hành chính đối với doanh nghiệp. Đây là việc làm coi thường tất cả các kết luận của cơ quan pháp lý, các bộ ngành chức năng
Các chuyên gia cũng chỉ ra bất cập trong công tác quản lý là mỗi khi phát hiện một cơ sở sản xuất phân bón có dấu hiệu vi phạm thì cơ quan chức năng vẫn chưa biết quy trách nhiệm cho ai. Một thực tế khác là các lực lượng chức năng khi phát hiện ra cơ sở sản xuất có dấu hiệu nghi ngờ phải mang mẫu đến cơ quan giám định. Nhưng có khi các tổ chức này còn cấp khống dẫn đến tình trạng phải xin lỗi và đền bù cho doanh nghiệp. Ngoài ra, còn có tình trạng các các địa phương bao che, né tránh việc doanh nghiệp sản xuất phân bón giả bởi chính các doanh nghiệp này đem lại nguồn thu lớn cho các địa phương.
Rõ ràng, những chế tài xử phạt hay những bất cập trong cơ chế, chính sách quản lý phân bón đang khiến cho vấn nạn sản xuất phân bón giả, kém chất lượng hoành hành. Theo ông Nguyễn Hạc Thúy, để lập lại trật tự trên thị trường phân bón, phải tập trung tăng mức chế tài xử phạt đối với các cơ sở, cá nhân sản xuất kinh doanh phân bón giả; các cá nhân, tổ chức, các trung tâm kiểm nghiệm, kiểm định phân bón hay các cá nhân, tổ chức tham gia lợi ích nhóm, bao che, bảo kê… cho gian thương vi phạm pháp luật về phân bón giả, phân bón kém chất lượng.