Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả: Nhiều kết quả tích cực

Lan Trần| 20/10/2019 07:32
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến, địa bàn các tỉnh, thành phố phía Bắc từ đầu năm 2019 đến nay cơ bản không quá phức tạp và xảy ra đột biến lớn.

Báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia tại Hội nghị giao ban công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại địa bàn 14 tỉnh, thành phố phía Bắc năm 2019 cho thấy, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến, địa bàn các tỉnh, thành phố phía Bắc trong 09 tháng năm 2019 nhìn chung cơ bản không quá phức tạp và xảy ra đột biến lớn.

Kết quả, trong 9 tháng năm 2019, các cơ quan chức năng 14 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 37.280 vụ vi phạm, trong đó có 8.413 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm; 27.410 vụ gian lận thương mại, 1.457 vụ hàng giả. Tổng trị giá hàng hóa ước tính hơn 1.773 tỷ đồng.

Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả: Nhiều kết quả tích cực

Giao ban công tác chống buôn lậu, gian lân thương mại

Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, tại từng thời điểm, giai đoạn nhất định, trên một số địa bàn trọng điểm, nổi lên hoạt động buôn lậu, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, pháo nổ, than, quặng, khoáng sản,hàng điện tử, điện lạnh, hàng gia dụng, nông sản, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc bảo vệ thực vật, hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ... gây mật trật tự an toàn xã hội, gây ô nhiễm môi trường, thất thu ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến nền sản xuất trong nước và gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, trên biên giới, đối tượng buôn lậu thường lợi dụng địa hình hiểm trở, nhiều đường mòn,lối mở, lối tắt, sông suối và mối quan hệ thân tộc của cư dân tiếp giáp hai bên biên giới và chính sách hàng hóa mua bán, trao đổi cư dân biên giới để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; lợi dụng hoạt động tạm nhập tái xuất sau đó vận chuyển thẩm lậu hàng hóa qua biên giới trở lại Việt Nam.

Trong địa bàn nội địa, đối tượng lợi dụng hiểu biết của nhân dân hạn chế để quảng cáo, buôn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm bẩn, thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng; buôn bán các loại sản phẩm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu kém chất lượng, không rõ nguồn gốc hoặc gia công, pha trộn, nhái, dán bao bì, nhãn mác của các thương hiệu nổi tiếng hoặc trà trộn một phần hàng giả với hàng thật đưa về vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa tiêu thụ để thu lợi bất chính, gây nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và hoạt động sản xuất của nhân dân.

Mặc dù trong 9 tháng qua, tình hình chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã có những kết quả đáng kể nhưng theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia vẫn còn một số vướng mắc. Đó là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quản lý và xử lý vi phạm trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn chưa đồng bộ, thống nhất; việc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung còn chậm gây chồng chéo, tạo kẽ hở, gây khó khăn trong công tác xử lý của các cơ quan chức năng trong công tác đấu tranh và xử lý vi phạm.

Chế tài xử phạt còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe; kinh phí chi, phương tiện kỹ thuật trang bị các cho lực lượng thực hiện nhiệm vụ còn thiếu; việc vận chuyển, bảo quản, lấy mẫu, giám định tang vật là các mặt hàng xăng dầu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... rất phức tạp, kéo dài, gây khó khăn cho hoạt động điều tra, xác minh và xử lý tang vật vi phạm của cơ quan chức năng.

Để công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đạt hiệu quả cao hơn nưa, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đề nghị các đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia,... và chủ động nắm hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép một số mặt hàng trọng điểm như ma túy, pháo nổ, than, quặng, khoáng sản,hàng điện tử, điện lạnh, hàng gia dụng, nông sản, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng,thực phẩm bẩn, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật....;hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ... trên các địa bàn trọng điểm.

Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cũng yêu cầu các đơn vị nhanh chóng xây dựng và phát động triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch cao điểm phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán năm 2020. Bên cạnh đó, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn; phát động phong trào quần chúng nhân dân, phát hiện, cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả: Nhiều kết quả tích cực