Có thể coi cây chổi quét rau là một tác phẩm báo chí hấp dẫn và đầy sáng tạo. Thế nhưng, dù hay và sáng tạo đến đâu cũng đòi hỏi phải chính xác, và phản ánh trung thực, và hơn hết, phải tử tế.
Chúng ta đang thực hiện chiến dịch Nói không với thực phẩm bẩn! Trong khi đó, báo chí có nhiệm vụ tuyên truyền, kịp thời cung cấp đến người dân những thông tin thiết thực, cập nhật, nóng hổi, và tất nhiên phải chính xác nhất.
Nhưng, làm sao để thu hút sự quan tâm, chú ý của mọi người? Vậy thì, ngoài những yếu tố trên, thông tin phải được truyền tải sao cho hay và hấp dẫn.
Chổi quét rau - Chổi ma thuật
Khoảng 2 năm trước, trong Talkshow Nhập cuộc nghề báo, các diễn giả được hỏi: “Làm thế nào để các bạn phóng viên mới, chưa có quan hệ, chưa có kinh nghiệm có thể tìm đề tài và thực hiện đề tài đó?”
Nhà báo Trần Việt, Phó Giám đốc Trung tâm tin tức VTV24 (được biết đến với chương trình Chuyển động 24h) sau lời động viên, chia sẻ thân tình, anh có nói: “Nghề báo cần sáng tạo, thiếu sáng tạo, các bạn sẽ tự đào thải chính mình. Làm báo nghĩa là các bạn phải làm sao để độc giả không gập báo, không tắt tivi khi thấy các bạn”.
Hình ảnh được chụp lại từ đoạn clip Cây chổi quét rau phát sóng trong chương trình Cà phê sáng phát sóng hôm 3/5
Cây chổi quét rau là một tác phẩm báo chí của nhà đài khiến cộng đồng mạng xôn xao gần đây. Một tác phẩm đầy sáng tạo. Trong clip, cây chổi ấy được ví như cây chổi ma thuật (giống như của mụ phù thủy)!
Không như những loại chổi khác, cây chổi này có "phép biến hóa vô cùng lợi hại", với vài ba đường quét nhẹ nhàng, từ rau bẩn (phun thuốc sâu, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích…) đã biến thành… rau sạch!? Đó là cây chổi trong tác phẩm báo chí Cây chổi quét rau của chương trình Cà phê sáng phát sóng trên VTV3 hôm 3/5 vừa qua.
Theo clip, dùng chổi nan để quét trên rau, làm cho các lá rách, thủng như bị sâu cắn...Thế nhưng, “không biết bà con nông dân nơi khác thế nào, từ bé đến khi đầu tóc bạc phơ, những nơi đã từng đến, tôi chưa thấy ai mang chổi quét rau bao giờ”, một cụ bà gần 70 tuổi, làm ruộng từ nhỏ, hờ hững nói.
Những người được quy kết là phù thủy sử dụng thảo dược để thực hành ma thuật khiến sự xuất hiện của họ trở nên ảo mộng hơn. Những loại ảo thuật này tạo ra ảo giác và một trong số đó là ảo giác cây chổi bay. |
Cây chổi “có độc”!
Khi mà “ăn gì cũng sợ”, người tiêu dùng những tưởng được phổ biến thêm một “chiêu thức mới” của bà con vùng trồng rau, biến rau bẩn thành rau sạch, thì bỗng nhiên ngã ngửa…
Cô phóng viên tập sự chịu trách nhiệm chính cho tác phẩm của mình đã kịp nhận lỗi, xin lỗi bà con vùng trồng rau. Nhà đài cũng đã kịp xử lý, đình chỉ phóng viên này. Chỉ còn bà con nông dân trong đoạn clip Cây chổi quét rau là lãnh chịu hậu quả.
Một vùng trồng rau sạch để cung cấp cho thị trường bỗng nhiên bị “phát giác” đã phù phép rau bằng cây chổi ma thuật! Đau lòng. Ai dám tin, dám mua, dám ăn rau của họ? Còn “diễn viên” bất đắc dĩ đóng thế xuất hiện trong clip thì vô cùng xấu hổ…
Muốn biết tường tận câu chuyện cụ thể như thế nào, chỉ cần search cụm từ khóa cây chổi quét rau hoặc chổi quét rau, chúng ta có thể tìm thấy hàng trăm nghìn kết quả khác nhau, chỉ trong chưa đầy 1 phút.
Làm nghề cần sự tử tế
Khi mọi người đang chung tay Nói không với thực phẩm bẩn, việc làm của nhà đài cùng ê-kip Cây chổi quét rau là rất đáng hoan nghênh. Thế nhưng, báo chí phục vụ ai? Chẳng phải là con người sao?
Việc một tác phẩm có dàn dựng, nhất là trong báo hình, là hoàn toàn bình thường. Thế nhưng, bỏ qua yếu tố nghiệp vụ của ê-kíp thực hiện, xin được đặt câu hỏi: Để thực hiện thông điệp, để đạt được mục đích của mình bằng cách hy sinh một ai đó liệu có đáng, và có đúng, có hợp tình, và không hổ hẹn với lương tâm hay không?
Cô gái này được cho là một trong số các phóng viên tham gia thực hiện đoạn clip Cây chổi quét rau
Muốn tồn tại và phát triển cần phải có tư duy sáng tạo. Nhưng, trẻ con phải học bò trước khi tập chạy, học sinh phải học cơ bản trước khi học nâng cao, một tác phẩm báo chí dù hay và sáng tạo đến đâu cũng đòi hỏi phải chính xác, và phản ánh trung thực.
Nên nhớ rằng, bất cứ nghề nào cũng có những quy định liên quan đến cái gọi là đạo đức nghề nghiệp, gọi nôm na là sự tử tế. Sự tử tế thực ra rất đơn giản. Sự tử tế xuất phát từ lương tâm và thể hiện bằng hành động, và hoàn toàn có thể gọi tên.
Cũng khoảng thời gian này năm trước, clip Áo trắng chìm trong khói shisha của Đài VTC phát sóng đã gây ra sự phẫn nộ cho dư luận khi sử dụng các em học sinh nhưng không hề che mặt, phù hiệu trường hay chạy text ghi chú thích. PV: Câu chuyện cây chổi quét rau lần này mô-típ khá giống như clip shisha năm ngoái. Một tác phẩm dàn dựng để truyền tải thông điệp. Vậy, theo anh, truyền tải thông điệp ra sao, sắp đặt như thế nào để đừng bị... phản tác dụng, thậm chí gây hậu quả khôn lường, và... bị chửi? Nhà báo Nguyễn Cao Cường Nhà báo Nguyễn Cao Cường: Xét về mặt bản chất, phóng sự shisha năm ngoái mà VTC làm cũng giống y hệt phóng sự quét rau của VTV vừa làm xong. Nghĩa là sao? Về mặt hiện tượng xã hội thì cả hai việc đó đều có tồn tại. Và đó đều là những hiện tượng đáng phê phán. Nhiệm vụ của phóng viên là điều tra đi tìm chân tướng sự thật với thái độ khách quan, liêm chính và công bằng. Phóng viên có thể đưa tin, chạy phóng sự, làm điều tra, thậm chí là dàn dựng. Ở đây xin đề cập đến thủ pháp dàn dựng trong phóng sự điều tra. Chúng ta đều biết, phóng viên khi nhập vai là đã sẵn sàng dấn thân, sẵn sàng chấp nhận khó khăn, kể cả tính mạng. Sự vụ êkíp điều tra việc làm chè bẩn của VTV24 đang còn nóng bỏng, cho thấy điều đó. Chính vì những khó khăn như vậy, đôi khi, thật ra là rất hiếm khi, trưởng các phòng tin sẽ đồng ý cho phóng viên của mình dàn dựng hiện thực nhằm minh họa cho các chi tiết thật và đắt mà không thể ghi hình thực tế. Có điều, tất cả tư liệu đó đều phải được ghi nhãn là cảnh được dàn dựng, và nhất định không để lộ nhân vật dàn dựng cũng như bối cảnh, mà dễ bị nhận biết. Các đạo diễn cũng đồng thời bắt buộc phải thông báo cho diễn viên biết được nội dung, ý nghĩa, mục đích của các cảnh quay và phải được sự chấp nhận của họ. Tôi không biết được quy trình sản xuất các phóng sự kiểu này ở các đơn vị kể trên có được ban bố và thực hiện nghiêm ngặt hay không. Nhưng qua sự việc có hai điểm đáng nói. Thứ nhất, "khôn đâu đến trẻ, khỏe đâu đến già". Cả câu chuyện shisha và quét rau đều là những câu chuyện phức tạp và thực hiện theo thể loại phóng sự, có yếu tố điều tra. Những thể loại này là thể loại đòi hỏi người làm phải có kinh nghiệm. Thế mà nó đều được giao cho các nhân viên học việc đi làm!? Thứ hai, ở Việt Nam, trách nhiệm cuối cùng là ở người duyệt nội dung phát sóng. Phóng viên đã bị xử lý, nhưng người duyệt cũng phải bị xử lý. Trong hai sự vụ này, tôi mới thấy xử lý phóng viên mà thôi. Ai cũng thích ăn rau ngon, rau sạch, mà rau sạch thì phải chăm cẩn thận, quy trình chăm sóc chắc nhiều khó khăn, vất vả, và để thu hoạch thì thời gian dài. Còn rau ngon, rau non, thi thoảng có sâu, có cũng là lẽ thường. |