Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư hướng dẫn việc cho vay theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp.
Phải có dự án vay vốn được thẩm định
Thông tư này hướng dẫn việc cho vay nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo quy định tại Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14 tháng 11 năm 2013 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp của Thủ tướng Chính phủ.
Đối tượng áp dụng là các ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và đang được giao thực hiện cho vay theo Thông tư 22/2012/TT-NHNN ngày 22/6/2012 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Các ngân hàng thương mại cổ phần khác có nhu cầu tham gia chương trình đăng ký với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Các tổ chức và cá nhân đầu tư máy, thiết bị nằm trong danh mục được hỗ trợ lãi suất do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố và các dự án đầu tư dây chuyền máy, thiết bị theo quy định tại Khoản 2 Điều 2 của Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg.
Nguyên tắc cho vay được xác định nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp được thực hiện theo quy định về cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng và được ngân sách nhà nước hỗ trợ lãi suất theo quy định tại Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg. Khách hàng vay vốn phải sử dụng vốn đúng mục đích. Chỉ các hợp đồng vay vốn tại các ngân hàng thương mại nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp được ký trước ngày 31/12/2020 mới được hỗ trợ lãi suất và cấp bù chênh lệch lãi suất theo quy định tại Thông tư này.
Các đối tượng vay vốn phải đáp ứng được điều kiện quy định tại Điều 1 và 2 của Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg và danh mục máy, thiết bị được hưởng chính sách hỗ trợ do Bộ NN&PTNT công bố trong từng thời kỳ và danh mục các dự án đầu tư dây chuyền máy, thiết bị được Bộ NN&PTNT thẩm định, phê duyệt theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 của Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg. Tức là, để được ngân sách nhà nước hỗ trợ lãi suất vốn vay thương mại đối với các khoản vay dài hạn, trung hạn, ngắn hạn bằng đồng Việt Nam để mua máy, thiết bị nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân phải được UBND cấp xã xác nhận là đối tượng trực tiếp sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, đánh bắt, chế biến nông sản, thủy sản; dịch vụ cơ giới nông nghiệp; các doanh nghiệp có ký kết thực hiện hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, dịch vụ cơ giới hóa với tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc nông dân; các loại máy, thiết bị theo quy định phải là máy, thiết bị mới, chất lượng phù hợp tiêu chuẩn công bố theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Bên cạnh đó, để được ngân sách nhà nước hỗ trợ phần chênh lệch giữa lãi suất thương mại đối với các khoản vay dài hạn, trung hạn bằng đồng Việt Nam và lãi suất tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước để thực hiện các dự án đầu tư dây chuyền máy, thiết bị giảm tổn thất trong nông nghiệp (bao gồm cả nhà xưởng); các dự án chế tạo máy, thiết bị sản xuất nông nghiệp, các tổ chức, cá nhân phải có dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt và các dự án đầu tư chưa được hưởng hỗ trợ từ các chính sách khác. Khách hàng phải có phương án, dự án vay vốn được các ngân hàng thương mại thẩm định và quyết định cho vay theo quy định hiện hành của pháp luật.
Bến cá Long Hải (Bà Rịa - Vũng Tàu)(Ảnh Trường An)
Lãi suất và thời hạn cho vay
Dự thảo Thông tư quy định, lãi suất cho vay thương mại áp dụng đối với Điều 1 và Điều 2 của Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg là lãi suất cho vay thấp nhất trong khung lãi suất cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cùng kỳ hạn của ngân hàng cho vay và được công bố công khai trong từng thời kỳ.
Những khoản vay không trả nợ đúng hạn được xác định là những khoản vay bị ngân hàng chuyển nợ quá hạn và áp dụng lãi suất nợ quá hạn sẽ không được hưởng hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ chênh lệch lãi suất, kể từ thời điểm phát sinh nợ quá hạn. Khách hàng có trách nhiệm hoàn trả lãi suất tiền vay, lãi phạt (nếu có) cho ngân hàng thương mại kể từ thời điểm chuyển nợ quá hạn.
Việc hỗ trợ lãi suất đối với khách hàng được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Mức cho vay đối với khách hàng được thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 1 và khoản 4 Điều 2 của Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg.
Thời hạn cho vay đối với khách hàng mua máy, thiết bị theo quy định tại khoản 4 Điều 1 của Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg do ngân hàng và khách hàng thỏa thuận, nhưng chỉ được ngân sách nhà nước hỗ trợ lãi suất tối đa 03 năm.
Thời hạn cho vay đối với khách hàng đầu tư dự án dây chuyền máy, thiết bị giảm tổn thất trong nông nghiệp quy định tại khoản 5 Điều 2 Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg do ngân hàng thương mại và khách hàng tự thỏa thuận, phù hợp với khả năng thu hồi vốn của dự án, nhưng tối đa không quá 12 năm.
Trách nhiệm của các bên
Về phía cho vay, Thông tư yêu cầu thực hiện cho vay theo đúng quy định của pháp luật hiện hành về cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng và các quy định khác tại Thông tư này. Định kỳ hàng tháng (trước ngày 10 của tháng tiếp theo), các ngân hàng thương mại tham gia chương trình cho vay theo quy định tại Thông tư này báo cáo kết quả thực hiện theo Mẫu biểu đính kèm Thông tư này về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Vụ Tín dụng các ngành kinh tế) và Bộ Tài chính. Các ngân hàng thương mại có trách nhiệm xem xét, thẩm định và quyết định cho vay đối với khách hàng và chịu trách nhiệm về quyết định cho vay của mình.
Trách nhiệm của khách hàng vay vốn là cung cấp đầy đủ, trung thực các thông tin, tài liệu liên quan đến việc vay vốn theo quy định và chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin, tài liệu đã cung cấp. Sử dụng vốn vay đúng mục đích; trả nợ gốc, lãi theo đúng thỏa thuận với ngân hàng thương mại cho vay.
Các khoản cho vay theo Thông tư số 22/2012/TT-NHNN ngày 22/6/2012 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn được thực hiện theo hợp đồng tín dụng đã ký trước ngày 1/1/2014 cho đến khi hết hiệu lực hợp đồng. Những hợp đồng tín dụng ký từ ngày 1/1/2014 đến trước ngày Thông tư này có hiệu lực và thuộc đối tượng được vay theo quy định tại Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013, thì thực hiện theo quy định của Thông tư này.
Theo dự thảo, việc cho vay nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp được thực hiện theo quy định về cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng và được ngân sách nhà nước hỗ trợ lãi suất theo quy định tại Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg.
Ngân hàng Nhà nước nêu rõ, khách hàng vay vốn phải sử dụng vốn đúng mục đích. Chỉ các hợp đồng vay vốn tại các ngân hàng thương mại nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp được ký trước ngày 31/12/2020 mới được hỗ trợ lãi suất và cấp bù chênh lệch lãi suất theo quy định.