Tài chính - Chứng khoán

Cho vay tiêu dùng tăng chậm nhất 5 năm

Trang Nhi 18/11/2023 - 09:19

Dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống chỉ tăng khoảng 1,53% so với cuối năm 2022 (mức tăng rất thấp so với 5 năm qua).

Đến cuối tháng 9/2023, toàn hệ thống có 84 tổ chức tín dụng (TCTD) triển khai hoạt động tín dụng tiêu dùng, trong đó có 15 công ty tài chính tiêu dùng. Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế khoảng 12.749 nghìn tỷ đồng, trong đó tín dụng tiêu dùng của toàn hệ thống đạt khoảng 2.703 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 21,2% tổng dư nợ nền kinh tế (trong đó, dư nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính tạm tính là 134.279 tỷ đồng, chiếm khoảng 5% dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống). Do đó, đây có thể được coi là kênh dẫn vốn hiệu quả đối với người dân trong xã hội.

cho-vay-tieu-dung.jpg
Cho vay tiêu dùng tăng chậm nhất 5 năm.

Tuy nhiên, hiện nay, tình hình kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn và nền kinh tế toàn cầu diễn biến phức tạp, khó lường dẫn đến hoạt động cho vay nói chung và đặc biệt là cho vay tiêu dùng nói riêng gặp nhiều thách thức với tỷ lệ tăng trưởng thấp, đến cuối tháng 9/2023, dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống chỉ tăng khoảng 1,53% so với cuối năm 2022 (mức tăng rất thấp so với 5 năm qua).

Con số trên trái ngược hoàn toàn so với mức tăng bình quân khoảng 20% mỗi năm trước đó, lĩnh vực cho vay tiêu dùng đang gặp nhiều thách thức, khó khăn.

Cho vay tăng chậm, tỷ lệ nợ xấu cho vay tiêu dùng ngày càng cao, hiện lên gần 3,7%, cao hơn nhiều so với mức trên dưới 2% của giai đoạn từ 2018 - 2022. Ngoài nguyên nhân khách quan do kinh tế khó khăn, các công ty tài chính đã chỉ ra thách thức mới đến từ tình trạng người vay rủ nhau bùng nợ, khiến họ không thể thu hồi khoản vay.

Để tránh tình trạng này, thời gian qua, để giúp người dân dễ dàng tiếp cận vốn vay nhất là lĩnh vực cho vay phục vụ đời sống và tiêu dùng cá nhân, qua đó hạn chế tín dụng đen và phổ cập tài chính toàn diện quốc gia, các TCTD đã tích cực thực hiện nhiều biện pháp để cải thiện tình hình hoạt động, tăng dư nợ tín dụng theo phê duyệt của NHNN, kiểm soát và nâng cao chất lượng tín dụng, tiết giảm chi phí, nâng dần hiệu quả sử dụng vốn, cải cách thủ tục hành chính, đa dạng hóa danh mục sản phẩm, mở rộng mạng lưới đặc biệt là khu vực vùng sâu, vùng xa...

Bên cạnh đó, các ý kiến cho rằng cần nâng cao ý thức trả nợ của người vay. Bởi nếu nghe theo lời rủ rê bùng nợ, chính người vay cũng hứng chịu rủi ro, sau này sẽ khó có thể vay vốn ở các tổ chức tín dụng khác. Đồng thời, hành lang pháp lý cần đảm bảo quyền lợi cho cả người vay và bên cho vay.

Các công ty tài chính, ngân hàng thương mại cũng cần thực hiện đúng các quy định cho vay và thu hồi nợ để giữ được niềm tin của người dân với các đơn vị cho vay chính thống. Hiện khoảng 2,7 triệu tỷ đồng đang cho vay tiêu dùng, chiếm trên 21% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cho vay tiêu dùng tăng chậm nhất 5 năm