Bảo Lạc một huyện vùng cao của tỉnh Cao Bằng, nằm thu mình bên dòng sông Gâm, sông Neo thơ mộng. Ở Bảo Lạc, nhịp thời gian được tính bằng những phiên chợ, cứ 5 ngày một phiên, chợ họp vào mồng 5 và mồng 10 hàng tháng.
Chợ phiên Bảo Lạc xưa và nay
Chợ phiên ở thị trấn Bảo Lạc là hình ảnh thu nhỏ về đời sống cộng đồng của đồng bào các dân tộc miền núi, đã tạo ra những nét văn hóa đặc sắc làm say đắm lòng người, mang lại những điều kỳ thú không chỉ cho người dân bản địa mà còn là sự lôi cuốn, thu hút du khách.
Cách thành phố Cao Bằng 150km, để đến được Bảo Lạc phải đi mất nửa ngày, qua những con đường quanh co, đồi dốc, trùng điệp núi cao và những vực sâu hun hút gió. Đó cũng là cơ hội để thả hồn ngắm nhìn những ngọn núi xanh cao ngất và từng áng mây trắng bồng bềnh trôi sà xuống lưng núi và ngắm nhìn những thửa ruộng bậc thang rực rỡ vàng óng, đẹp như tranh vẽ nơi triền núi.
Chợ nằm trên một con phố nhỏ giữa trung tâm thị trấn với một bên là bờ sông Gâm, một bên là dãy nhà nhỏ dựa vào vách núi. Những ngày áp phiên, không khí nhộn nhịp đã len lỏi vào từng ngôi nhà, từng ngõ nhỏ. Từ khi mặt trời chưa nhô lên, khi những lớp sương mờ mờ còn quấn quanh các sườn núi, từng tốp người kéo nhau về họp chợ.
Chợ phiên ngoài việc trao đổi mua bán những sản phẩm giản dị và mộc mạc như: những bó rau rừng, những sâu quả …,còn là dịp để phụ nữ Mông, Dao, Lô Lô… diện những bộ váy với đủ màu sắc của đất trời. Khi mặt trời vừa nhô qua đỉnh núi, những chiếc váy trở nên rực rỡ, lóng lánh khiến người phụ nữ càng thêm xinh đẹp.
Chợ phiên Bảo Lạc không chỉ nằm trong tiềm thức của những du khách, mà còn nằm trong nỗi nhớ của các cụ già. Bà Đinh Thị Đông (62 tuổi), dân tộc Tày sống tại khu 4 Thị Trấn Bảo Lạc kể lại: “Chợ phiên có từ lâu đời rồi, từ khi tôi còn nhỏ đã theo mẹ và các bá đi chợ phiên.
Cái hồi Chính phủ chưa làm đường nhựa, thì toàn đường đất đi lại khó khăn lắm! Người dân ở các xã, trong bản xa toàn phải đi bằng ngựa hoặc đi bộ xuống từ sáng sớm ngày hôm trước rồi thức cả đêm hát hò và uống rượu.
Những cô gái người Mông đem theo giày vải tự khâu để tặng người con trai mà họ thương, còn các chàng trai thì mua tặng lại bằng những phong bánh khảo, rồi họ đốt lửa, uống rượu, hát hò thâu đêm suốt sáng vui lắm!”
Bây giờ, chợ phiên Bảo Lạc đã khác xưa, không còn cảnh người ngủ qua đêm chờ trời sáng và không có người trên núi cưỡi ngựa xuống chợ mà thay vào đó đồng bào đến chợ bằng xe máy, hàng hóa cũng đa dạng và phong phú hơn.
Qua phiên chợ những năm gần đây mỗi người đều cảm nhận được sự thay da đổi thịt, sự đi lên từng ngày trong cuộc sống của những người dân tộc thiểu số của huyện Bảo Lạc, song không vì thế, chợ phiên Bảo Lạc mất đi nét đặc sắc của một phiên chợ vùng cao.
Theo đánh giá của lãnh đạo địa phương và ban quản lý chợ, sức mua bán của phiên chợ phiên Bảo Lạc gấp đôi với các phiên chợ khác. Ngoài việc người dân bán các sản vật như các phiên chợ Tày thì ở đây còn là nơi trung chuyển số lượng lớn các mặt hàng của các lái buôn, như: ngô, bún khô, hà thủ ô, trâu, bò, lợn....
Ông Lâm Văn Sùng – Ban quản lý chợ trung tâm của thị trấn Bảo Lạc cho biết: “Cứ đến phiên chợ là du khách đến tấp lập. Bà con ở các bản người Mông, Dao, Sán chỉ, Lô Lô... mang theo các nhu yếu phẩm tự làm ra được để trao đổi mua bán, nên họ có thêm thu nhập từ phiên chợ. Ban quản lý chợ trong ngày chợ phiên diễn ra phải tăng cường lực lượng trực tiếp, sắp xếp ổn định chỗ ngồi cho người dân tránh tình trạng chen lấn, gây mất trật tự an ninh”.
Ông còn cho biết thêm: “Bây giờ bà con trong bản họ cũng biết chữ, biết nói tiếng phổ thông, nên khi chỉ đạo họ, sắp xếp chỗ ngồi họ cũng hiểu và nghe theo”.
Chợ Phiên Bảo Lạc - nét văn hóa vùng cao
Nét độc đáo ở chợ phiên Bảo Lạc không chỉ là sự mua bán, trao đổi tấp nập mà còn là sự gìn giữ bản sắc văn hóa Tày, Mông. Dao, Lô Lô… Điều đó được hiện diện ngay ở những sập hàng vải của người Mông, người Tày…
Những hoa văn rực rỡ thêu trên những bộ váy Mông là sản phẩm của chính bàn tay lao động khéo léo, cần mẫn mà họ mang đến cho phiên chợ này. Có thể nói trang phục là một trong những di sản văn hóa quý nhất của đồng bào, làm nên một phần hồn vía của các chợ phiên vùng cao.
Là chợ đầu mối khu vực miền Tây của tỉnh, chợ phiên Bảo Lạc có sức hấp dẫn riêng, ở đây còn có những dãy hàng ăn khá đông đúc, ồn ào, nhiều nhất có lẽ là hàng phở, hàng bún, cơm bình dân, bánh rán, bánh mỳ, kẹo lạc, hàng chè…
Từ bản về chợ, nhà gần cũng trên chục cây số, nhà xa phải hai đến ba chục cây, bà con từ các xã Hồng Trị, Cô Ba, Khánh Xuân, Xuân Trường… đều về phiên chợ, vì vậy bữa trưa là bữa đồng bào phải ăn ở chợ.
Người miền núi vốn không cầu kỳ trong chuyện ăn uống, có nhiều người chỉ chọn cho mình một quán ăn nhỏ với những miếng thịt bò được sấy khô, hay con cá nướng ròn, có khi chỉ là tóp mỡ rang khô..., vậy thôi nhưng cũng đủ cho cánh đàn ông chếch choáng trong men rượu ngô thơm nồng. Họ thỏa sức say để bù lại những ngày tháng nhọc nhằn, lo toan của cuộc sống mưu sinh, những đứa trẻ thì háo hức nhìn ngó mọi hàng quán rồi hồn nhiên ăn những chiếc kem thật ngon lành.
Khi những tia nắng cuối cùng trong ngày đã khuất dần sau đỉnh núi, gió xao xác thổi từ đầu chợ đến cuối chợ, người dân đã lần lượt dìu dắt nhau về với mái ấm trong tâm trạng vui vẻ của buổi đi chơi, của ngày thu nhập kha khá, để lại sự yên tĩnh của phố núi. Chợ phiên như một minh chứng cho sự chuyển mình trong đời sống của người dân huyện Bảo Lạc.
Những hình ảnh ghi lại tại chợ phiên Bảo Lạc - Cao Bằng:
Các thiếu nữ người Mông hồ hởi thử váy áo trong chợ phiên (Ảnh Hà Linh)
Nụ cười rạng rỡ của thiếu nữ người dân tộc Lô lô khi đến phiên chợ (Ảnh Hà Linh)
Đến chợ phiên "ăn quà" (Ảnh Hà Linh)
Lợn đen được đưa xuống chợ phiên bằng phương tiện xe máy chứ không phải "cắp nách" như trước nữa (Ảnh Hà Linh)
Những sản phẩm thủ công được bày bán tại phiên chợ (Ảnh Hà Linh)