Dự thảo luật Điện ảnh sửa đổi trình Quốc hội đề xuất các cá nhân, tổ chức phổ biến phim trên mạng tự phân loại và tự chịu trách nhiệm về kết quả phân loại.
Sáng 23/10, đọc tờ trình trước Quốc hội về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, cho biết tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên mạng chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả phân loại.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông kiểm tra, xử lý việc phân loại, phổ biến phim trên mạng.
"Đây được xem là cách tiếp cận mới và linh hoạt trong bối cảnh phát triển không ngừng của dịch vụ phát hành, phổ biến phim trực tuyến, giúp giảm thiểu gánh nặng về chi phí và nhân sự cho các nhà quản lý điện ảnh, tăng cường hội nhập quốc tế, tăng cường thương mại điện tử xuyên biên giới", ông Hùng nói.
Tuy nhiên, để thực hiện phương án trên, các cơ quan quản lý cần xây dựng hệ thống quy định để hướng dẫn thi hành Luật Điện ảnh (sửa đổi), trong đó nêu rõ tiêu chí, nội dung phân loại; đồng thời xây dựng bộ máy kiểm tra, kiểm soát, hệ thống phản hồi, lực lượng thanh tra hoạt động thường xuyên, liên tục để kịp thời xử lý vi phạm.
Theo ông Hùng, trong quá trình thảo luận về dự án luật này, có ý kiến đề nghị chỉ được phổ biến phim trên mạng khi có giấy phép phân loại phim do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND cấp tỉnh hoặc cơ quan báo chí (có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình), cấp.
Có ý kiến đề nghị các cơ quan cần nghiên cứu xây dựng trung tâm kiểm soát với nhân lực trình độ cao, áp dụng công nghệ hiện đại để giám sát các nền tảng trực tuyến cung cấp nội dung phim.
Tuy nhiên, đa số thành viên Chính phủ thống nhất quy định như dự thảo luật, cho phép tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên mạng tự phân loại và hiển thị cảnh báo cần thiết về nội dung phim.
Theo dự thảo luật, tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên mạng không được vi phạm các quy định cấm; không được thay đổi nổi dung và kết quả phân loại đối với các phim được cấp giấy phép phân loại hoặc quyết định phát sóng. Khi cơ quan nhà nước yêu cầu, các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hạ tầng phải gỡ bỏ phim.
Dự luật đề xuất phân loại phim theo 6 độ tuổi: phổ biến với mọi lứa tuổi; từ đủ 18 tuổi; từ đủ 16 tuổi; từ đủ 13 tuổi; dưới 13 tuổi; không được phổ biến.
Các phim không được vi phạm quy định cấm, gồm: vi phạm nguyên tắc cơ bản của Hiến pháp, pháp luật; chống phá Nhà nước, phá hoại khối đoàn kết dân tộc; xúc phạm quốc kỳ, Đảng kỳ, quốc huy, quốc ca; xuyên tạc sự thật lịch sử.
Phim không được tiết lộ bí mật nhà nước, gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia, cũng như bí mật đời tư của cá nhân.
Dự thảo Luật nêu rõ phim không được kích động bạo lực bằng việc thể hiện chi tiết cách thức thực hiện, hình ảnh, âm thanh, lời thoại, cảnh đánh đập, tra trấn, giết người dã man, tàn bạo và những hành vi khác xúc phạm đến nhân phẩm con người, trái với truyền thống yêu hòa bình và nhân ái của dân tộc; trừ trường hợp các nội dung này "nhằm phê phán, tố cáo, lên án tội ác, đề cao chính nghĩa". Phim không được thể hiện chi tiết hình ảnh, âm thành, lời thoại dâm ô, trụy lạc, loạn luân.
Thẩm tra dự án Luật Điện ảnh sửa đổi, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục cho rằng cần kết hợp việc để cho tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên mạng tự phân loại và cấp phép phân loại. Tuy nhiên, việc tự phân loại là chủ yếu. Ủy ban cũng đề nghị xây dựng tiêu chí chi tiết, minh bạch để cơ sở sản xuất, phát hành, phổ biến phim có căn cứ tự kiểm duyệt và phân loại.
Ủy ban cũng đánh giá các chính sách trong dự thảo "còn phân tán, có nội dung diễn đạt chưa rõ". Chính phủ cần nghiên cứu, quy định chính sách chung về phát triển điện ảnh và công nghiệp điện ảnh. Các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển điện ảnh cần cụ thể hơn, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả.