Kinh tế

Chính thức trình Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân

Duy Tuấn - Hữu Tuấn 15/05/2025 - 15:09

Dự thảo dành một chương quy định về hỗ trợ hình thành doanh nghiệp vừa và lớn, doanh nghiệp tiên phong. Hướng đến mục tiêu đến năm 2030 cả nước có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu…

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp 9, sáng 15/5, các đại biểu Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân.

Hai nhóm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, Dự thảo nghị quyết gồm 7 chương, 17 điều quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân; áp dụng cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

kt1.jpeg
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng.

Đáng chú ý, dự thảo dành một chương quy định về hỗ trợ hình thành doanh nghiệp vừa và lớn, doanh nghiệp tiên phong. Theo đó, để đạt mục tiêu đến năm 2030 cả nước có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, dự thảo nghị quyết quy định hai chính sách cho nhóm doanh nghiệp.

Nhóm chính sách thứ nhất, đặt hàng, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu thực hiện dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia. Nhà nước mở rộng sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân vào các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia thông qua hình thức đầu tư trực tiếp hoặc đầu tư theo phương thức đối tác công tư hoặc các mô hình hợp tác giữa nhà nước và tư nhân theo quy định của pháp luật. Người có thẩm quyền, chủ đầu tư lựa chọn hình thức đặt hàng, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu hoặc hình thức khác theo quy định pháp luật để thực hiện các dự án chiến lược, trọng điểm quốc gia (đường sắt tốc độ cao, đô thị, công nghiệp nền tảng, mũi nhọn, hạ tầng năng lượng, số, giao thông xanh, quốc phòng, an ninh, nhiệm vụ khẩn cấp) đảm bảo công khai, minh bạch, chất lượng, tiến độ, hiệu quả và trách nhiệm.

Nhóm chính sách thứ hai, hỗ trợ hình thành và phát triển doanh nghiệp vừa và lớn, tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu. Nghị quyết quy định nhà nước bố trí ngân sách cho hai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và lớn, tập đoàn kinh tế tư nhân theo hai chương trình: Phát triển 1.000 doanh nghiệp tiêu biểu về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, xanh, công nghiệp công nghệ cao và hỗ trợ; vươn ra thị trường quốc tế (Go Global), hỗ trợ về thị trường, vốn, công nghệ, thương hiệu, phân phối, logistics, bảo hiểm, tư vấn pháp lý, giải quyết tranh chấp và kết nối với tập đoàn đa quốc gia.

kt4.jpeg
Các đại biểu tham dự kỳ họp.

Đáng chú ý, Nghị quyết còn đưa ra hàng loạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh và hỗ trợ tài chính, tín dụng và mua sắm công.

Theo đó, dự thảo nghị quyết đưa ra các chính sách nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp này tiếp cận đất đai, thực hiện nghị quyết số 68, phân cấp, phân quyền cho địa phương. Trong đó, ngân sách địa phương được dùng để hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ, bao gồm: bồi thường, tái định cư, giải phóng mặt bằng; và công trình giao thông, điện, nước, thoát nước, xử lý nước thải, thông tin liên lạc.

Chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ được hỗ trợ đầu tư (khoản 1). Phải dành diện tích đất đã đầu tư cho doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp thuê. UBND cấp tỉnh quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức hỗ trợ và diện tích đất (khoản 1, 2) căn cứ tình hình thực tế và ngân sách địa phương.

kt3.jpeg
Toàn cảnh phiên họp.

Khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới thành lập phải có diện tích tối thiểu 20ha/khu, hoặc 5% tổng diện tích đất đã đầu tư hạ tầng dành cho doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp. Nếu sau 2 năm hoàn thành hạ tầng mà chưa có doanh nghiệp trên thuê, chủ đầu tư được cho thuê cho doanh nghiệp khác.

Doanh nghiệp công nghệ cao thuộc khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được hỗ trợ giảm tối thiểu 30% tiền thuê lại đất trong vòng 5 năm đầu kể từ ngày ký hợp đồng thuê đất với chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ. Khoản hỗ trợ tiền thuê đất này được nhà nước hoàn trả cho chủ đầu tư theo quy định của Chính phủ.

Tránh trục lợi chính sách

Thẩm tra dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo các dự án luật, nghị quyết khác cùng trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Chín, khẩn trương rà soát, nghiên cứu các nội dung của Nghị quyết số 68-NQ/TW để thể chế hóa ngay tại các dự án luật, dự thảo nghị quyết này, sớm có văn bản chính thức gửi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

kt2.jpeg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi.

Chỉ đạo rà soát các nội dung khác có nội hàm, mục tiêu rõ ràng có thể cụ thể hóa thành các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2025 để đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ Chín. Nghiên cứu đề xuất xây dựng pháp luật để kịp thời bổ sung vào Chương trình lập pháp năm 2025, trình Quốc hội xem xét, thông qua vào Kỳ họp thứ Mười và định hướng lập pháp nhiệm kỳ Quốc hội khóa XVI. Để bảo đảm hiệu quả thực hiện, đề nghị Chính phủ chỉ đạo việc rà soát dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) và cân đối nguồn lực thực hiện cơ chế, chính sách theo Nghị quyết như ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đặc biệt, về hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ, Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị nghiên cứu hoàn thiện quy định này để tránh cơ chế “xin - cho”, trục lợi chính sách, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chính thức trình Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân