Việc kết hợp chính sách tiền tệ và tài khóa hài hòa sẽ giúp ổn định kinh tế vĩ mô. Nhưng hiện nay, hai yếu tố này đang đối nghịch nhau và cách tiếp cận chính sách chưa đúng.
Đó là nhận định của TS. Nguyễn Đình Cung - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tại Hội thảo “Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp” diễn ra ngày 25/7 vừa qua.
Ông Cung nhấn mạnh trong thời điểm hiện nay, chính sách tiền tệ không phải là giải pháp tăng hấp thụ vốn cho nền kinh tế.
Chúng ta hay nói đến kết hợp chính sách tiền tệ và tài khóa hài hòa ổn định kinh tế vĩ mô. Nhưng giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa chưa có sự kết hợp. Chính sách tiền tệ đã quá sức, cần phải xem xét lại việc kết hợp giữa hai chính sách này.
TS. Nguyễn Đình Cung cũng đề cập đến việc không nên tăng thu ngân sách trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn, nền kinh tế ảm đạm.
Ông cho rằng hai chính sách tiền tệ và tài khóa đang đối nghịch nhau và cách tiếp cận chính sách hiện nay chưa đúng. Điều quan trọng đầu tiên là phải sử dụng tốt chính sách tài khóa, tiếp đến là cần cải thiện môi trường kinh doanh, sau đó mới đến chính sách tiền tệ.
Việc dựa nhiều vào chính sách tiền tệ để hỗ trợ kinh tế đã từng được nhiều chuyên gia nói đến. TS. Johnathan Picus, Kinh tế trưởng UNDP từng nêu vấn đề Việt Nam đang dựa quá nhiều vào chính sách tiền tệ để kích cầu. Ông cho rằng việc công cụ tài khoá không được sử dụng đúng mức sẽ làm chậm tăng trưởng cầu trong thời kỳ suy thoái và gây ra lạm phát trong thời kỳ tăng trưởng.
Kinh tế trưởng UNDP khuyến nghị Việt Nam cần nhiều công cụ chính sách tài khoá hơn, cần xây dựng chính sách tài khóa nghịch chu kỳ, nhằm kích cầu trong giai đoạn tăng trưởng toàn cầu giảm.
Nền kinh tế lúc này rất cần chính sách tài khóa nghịch chu kỳ. Tức là khi nền kinh tế suy thoái thì cần chi tiêu nhiều hơn, giảm thu thuế để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.
Dồn dập hạ lãi suất chưa chắc kích thích được đầu tư ngay lập tức, do độ trễ chính sách rất lớn trong khi đó tình hình kinh tế lại biến động rất nhanh. Cần tiếp tục hạ lãi suất cho vay chứ không phải giảm lãi suất huy động do chính sách tiền tệ đã đạt đến điểm giới hạn, nếu tiếp tục hạ lãi suất huy động sẽ gây ra nhiều hậu quả.