Nền kinh tế bước sang năm 2011 với bối cảnh quy mô của nhiều ngân hàng còn nhỏ, nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng cao từ 23-50%/năm, dẫn đến rủi ro tín dụng lớn.
Song song đó một lượng lớn tín dụng chảy vào bất động sản và chứng khoán, thanh khoản thiếu hụt nghiêm trọng, lãi suất liên ngân hàng tăng cao, tiềm ẩn nguy cơ đổ vỡ hệ thống, các tỷ lệ an toàn vốn của từng ngân hàng và toàn hệ thống sụt giảm...
Lãi suất tại Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) đang ở mức 7,1%/năm cho kỳ hạng 12 tháng, lãnh lãi cuối kỳ vẫn được người dân ưu tiền gửi tiền so với các loại hình đầu tư khác.
Đánh giá tình hình kinh tế năm 2011, TS. Nguyễn Thị Kim Thanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược ngân hàng cho biết, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô lúc đó đang đứng trước những mất cân đối lớn: Tăng trưởng kinh tế đạt 5,89%, tốc độ tăng CPI 18,13%, thâm hụt ngân sách trên 5%, thâm hụt thương mại lớn.
Bên cạnh đó, nền kinh tế cũng bộc lộ nhiều yếu kém, hiệu quả đầu tư thấp, thị trường tài chính ẩn chứa nhiều bất ổn.
Dự báo cho thấy nếu kéo dài tình trạng như vậy, bước sang năm 2012, kinh tế trong nước sẽ phải đối mặt với những vấn đề lớn như lạm phát tiếp tục biến động phức tạp sau một thời gian dài ở mức cao (từ năm 2007), tăng trưởng kinh tế chậm lại, các dòng vốn đầu tư không ổn định.
Phân tích các nguyên nhân gây ra lạm phát từ những năm từ 2011 trở về trước, TS. Nguyễn Thị Kim Thanh cũng cho biết, ngoài những nguyên nhân sâu xa từ những bất cập nền kinh tế như năng xuất lao động thấp, chất lượng đầu tư kém hiệu quả; giá cả thế giới và yếu tố kỳ vọng lạm phát… thì yếu tố từ tăng trưởng tiền tệ cao, tín dụng tăng cao trong nhiều năm qua cũng là một trong những nguyên nhân gây ra lạm phát.
Trước tình hình đó, NHNN đã rất quyết tâm thực hiện hiệu quả việc kiểm soát hoạt động cung tiền, đặc biệt là hoạt động tín dụng trên nguyên tắc đảm bảo sự thông suốt của thị trường hướng tới thực hiện các mục tiêu kinh tế.
Đồng thời, tín dụng tăng cao cũng là một trong những nguyên nhân gây ra sự thiếu thanh khoản của thị trường và là yếu tố tiềm ẩn cho sự bất ổn của hệ thống ngân hàng.
Mặt khác, đánh giá thực trạng của hệ thống ngân hàng cho thấy, mặc dù các sản phẩm dịch vụ khác đã phát triển tương đối đa dạng, song doanh thu hoạt động của các ngân hàng vẫn chủ yếu dựa vào hoạt động tín dụng, do vậy, để có lợi nhuận, không ít các ngân hàng thương mại (NHTM), nhất là các NHTM nhỏ mới thành lập đã đẩy mạnh cho vay vượt cả năng lực tài chính và khả năng quản trị…
“Từ đó cho thấy, việc thực hiện biện pháp hạn mức tín dụng của NHNN là rất cần thiết và phù hợp trong bối cảnh đó. Đây là một công cụ tiền tệ trực tiếp, có tác động mạnh đến việc hạn chế tăng khối lượng tiền trong nền kinh tế, cũng như hướng các NHTM lựa chọn những dự án hiệu quả để đầu tư”, TS. Nguyễn Thị Kim Thanh nhận định.
Có thể thấy các biện pháp tăng trưởng tín dụng của NHNN trong giai đoạn 2011-2015 đã có bước đột phá mạnh mẽ và có hiệu quả rõ rệt.
Cụ thể, kết quả đạt được trong giai đoạn 2011-2014, tín dụng tăng bình quân khoảng 12,6%/năm; năm 2015 đạt khoảng 18%, thấp hơn rất nhiều so với mức 33,3%/năm của giai đoạn 2006-2010, nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn đạt bình quân khoảng 5,7%/năm không thấp hơn nhiều so với mức bình quân 7% của giai đoạn 2006-2010 đã cho thấy chất lượng và hiệu quả tín dụng đã được nâng cao đáng kể.
Bên cạnh đó, cơ cấu tín dụng tập trung cho sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, hỗ trợ tích cực cho tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển thủy sản, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp xuất khẩu.
NHNN cũng đã triển khai nhiều chương trình, chính sách tín dụng đặc thù đối với các ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ lực của nền kinh tế như gói cho vay hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng, cho vay theo Nghị định 67, Chương trình liên kết 4 nhà, cho vay mua tạm trữ lúa gạo...
Song song đó là nhiều cơ chế, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong tiếp cận vốn, trong đó có Chương trình kết nối Ngân hàng - doanh nghiệp được triển khai trên cả 63 tỉnh, thành trong cả nước, với trên 440 hội nghị đối thoại được tổ chức.
Các chương trình tín dụng chính sách được triển khai tích cực, hiệu quả, góp phần quan trọng giúp Việt Nam hoàn thành sớm mục tiêu thiên niên kỷ về giảm nghèo của Liên Hiệp quốc.
Những nỗ lực trên của ngành ngân hàng trong suốt giai đoạn 2011-2015 đã được Quốc hội ghi nhận, đánh giá là chính sách được triển khai rộng rãi nhất, tác động trực tiếp và mang lại hiệu quả thiết thực.
TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh BDI nhận xét: ”Nhìn lại chính sách tiền tệ 5 năm qua, chưa bao giờ Việt Nam đạt được sự đồng thuận đến như vậy, từ Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ban ngành, đến các doanh nghiệp đều hưởng ứng chính sách tiền tệ giúp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đồng thời bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng".