Đây là tên một ấn phẩm sắp ra mắt, quy tụ các ý kiến, nghiên cứu và tham luận thu thập qua một hội thảo do trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN) và Quỹ Konrad-Adenauer-Stiftung (KAS), CHLB Đức tổ chức với chủ đề ASEAN và cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 hồi tháng 5/2021.
Ngày 16/11, tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã diễn ra Tọa đàm giới thiệu sách “Chính sách quốc gia và quan hệ quốc tế trong đại dịch COVID-19 ở Đông Nam Á và khu vực xung quanh”.
Sự kiện do trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp với Quỹ Konrad-Adenauer-Stiftung (CHLB Đức) tổ chức theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến, với sự tham gia của nhiều diễn giả và khách mời là chuyên gia nghiên cứu về quan hệ quốc tế.
Tọa đàm đã giới thiệu những kết quả chính được trình bày trong cuốn sách về những tác động của đại dịch đến quan hệ quốc tế và cách thức ứng phó của các quốc gia trong và ngoài ASEAN. Trên cơ sở đó, các diễn giả và khách mời tham gia tọa đàm đã thảo luận sâu hơn về các vấn đề liên quan.
Phát biểu tại tọa đàm, TS. Detlef Briesen, trường Đại học Justus-Liebig Universität, Gießen, CHLB Đức, đồng chủ biên của cuốn sách, đã giới thiệu nội dung và những kết quả nổi bật của các nghiên cứu được tập hợp trong ấn phẩm “Chính sách quốc gia và quan hệ quốc tế trong đại dịch COVID-19 ở Đông Nam Á và khu vực xung quanh”.
Theo đó, cuốn sách gồm ba phần: Phần đầu phân tích những diễn biến của tình hình dịch bệnh Covid-19 tại các nước Đông Nam Á và phản ứng chính sách của một số nước trong khu vực như Campuchia, Indonesia và Việt Nam. Phần thứ hai đề cập đến những nỗ lực hợp tác trong khuôn khổ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và giữa các nước thành viên ASEAN nhằm đối phó với dịch bệnh. Phần thứ ba cung cấp bức tranh về quá trình chống dịch của các nước ngoài khu vực Đông Nam Á như Ấn Độ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Sri Lanka và Trung Quốc, từ đó gợi mở một số kinh nghiệm cho các quốc gia Đông Nam Á.
Cuốn sách quy tụ các ý kiến, nghiên cứu và tham luận thu thập qua một hội thảo do trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN và Quỹ Konrad-Adenauer-Stiftung (KAS), CHLB Đức tổ chức với chủ đề ASEAN và cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 hồi tháng 5/2021. Qua đó góp phần đưa những kết quả nghiên cứu đến gần hơn với các độc giả, nhà hoạch định chính sách.
Trong ấn phẩm này, các tác giả với những nghiên cứu của mình đã đưa ra những cách tiếp cận khác biệt về hiệu quả chính sách của các quốc gia, cụ thể là đề cập đến tính thực tiễn của mục tiêu “kép” nhằm cùng lúc đảm bảo sự an toàn cho người dân đồng thời phát triển kinh tế, cũng như phương tiện và nguồn lực để đạt được.
Những nghiên cứu về hợp tác giữa ASEAN và tác động với kết quả chống dịch của khu vực mặt khác cũng đưa ra cái nhìn mới về mức độ kết nối giữa các quốc gia thành viên. Nhìn chung, những nghiên cứu trong cuốn sách chỉ ra hạn chế và lợi thế của các cách thức hiệu quả và chưa hiệu quả của các chính sách chống dịch của các quốc gia ASEAN và khu vực xung quanh, từ đó rút ra được những bài học quý báu.
Ngoài sự hiện diện của Ban biên tập, các tác giả, đại diện của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Viện Konrad-Adenauer-Stiftung, tọa đàm có sự tham gia của các khách mời trong nước và quốc tế: ông David Payne - chuyên gia quản lý dự án quốc tế của UNDP tại Việt Nam; TS. Võ Xuân Vinh - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; PGS.TS. Kumaresan Raja - Trưởng Khoa Nghiên cứu Chính trị và Quốc tế, Đại học Pondicherry (Ấn Độ); PGS.TS. Patrick Ziegenhain – Khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Tổng thống (Indonesia); PGS.TS. Trần Xuân Bách - Phó Trưởng Bộ môn Kinh tế Y tế, Viện Đào tạo Y học Dự phòng và Y tế công cộng, trường Đại học Y Hà Nội.
Từ việc giới thiệu và bình luận của Ban biên tập và các chuyên gia, tọa đàm đã có thêm các thảo luận về tình hình diễn biến của dịch bệnh ở Đông Nam Á và trên thế giới trong những ngày gần đây, những ưu tiên đối với lĩnh vực y tế ở Việt Nam và hợp tác giữa các nước ASEAN trong lĩnh vực này trong thời gian tới và vai trò của các tổ chức quốc tế trong quá trình phối hợp đối phó với dịch bệnh và phục hồi kinh tế sau dịch.
Bản in của cuốn sách sẽ chính thức được xuất bản vào năm 2022, trong khi bản online sẽ ra mắt vào tháng 12 năm nay.