Vấn đề quan tâm

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 10/2023

Bùi Anh 01/10/2023 07:55

Hai trường hợp ô tô thuộc diện phải triệu hồi; Người chấp hành xong án phạt tù được vay tối đa 100 triệu đồng để sản xuất, kinh doanh; Quy định đăng ký lưu hành thuốc gia công… là một trong những chính sách có hiệu lực từ tháng 10/2023.

o-to.jpg
Các ô tô đã đưa ra thị trường có lỗi kỹ thuật phải triệu hồi. (Ảnh minh họa)

2 trường hợp ô tô thuộc diện phải triệu hồi

Nghị định 60/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc kiểm tra, chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường ô tô nhập khẩu và linh kiện nhập khẩu theo các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên chính thức có hiệu lực từ ngày 01/10/2023.

Trong đó, Nghị định quy định ô tô thuộc diện phải triệu hồi gồm: (1) Ô tô triệu hồi theo công bố của nhà sản xuất; (2) Ô tô triệu hồi theo yêu cầu của cơ quan kiểm tra. Việc yêu cầu triệu hồi của cơ quan kiểm tra được thực hiện trên cơ sở bằng chứng cụ thể, kết quả xác minh các thông tin phản ánh về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường ô tô nhập khẩu.

Nghị định cũng quy định rõ, trường hợp các ô tô đã đưa ra thị trường có lỗi kỹ thuật phải triệu hồi, người nhập khẩu phải thực hiện các công việc sau đây:

Thứ nhất, trong thời gian không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo triệu hồi từ nhà sản xuất hoặc từ cơ quan kiểm tra, người nhập khẩu phải thông báo bằng văn bản tới các đại lý bán hàng yêu cầu không bán ra thị trường các ô tô thuộc diện triệu hồi mà chưa được khắc phục;

Thứ hai, trong thời gian không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo triệu hồi từ nhà sản xuất hoặc từ cơ quan kiểm tra, người nhập khẩu phải gửi tới cơ quan kiểm tra báo cáo bằng văn bản các nội dung sau: nguyên nhân xảy ra lỗi kỹ thuật; biện pháp khắc phục; số lượng ô tô phải triệu hồi; kế hoạch triệu hồi phù hợp;

Thứ ba, chủ động thực hiện và tuân thủ theo đúng kế hoạch triệu hồi, đồng thời người nhập khẩu phải công bố thông tin về kế hoạch triệu hồi và danh sách ô tô phải triệu hồi trên trang thông tin điện tử của người nhập khẩu, các đại lý bán hàng một cách kịp thời, đầy đủ.

Người chấp hành xong án phạt tù được vay tối đa 100 triệu đồng để sản xuất, kinh doanh

anh-1.jpg
Ảnh minh họa.

Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù có hiệu lực từ ngày 10/10/2023.

Quyết định này quy định về chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng người lao động là người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đào tạo nghề và sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm.

Về mức cho vay, Quyết định nêu rõ, đối với vay vốn để đào tạo nghề, mức vốn cho vay tối đa là 04 triệu đồng/tháng/người chấp hành xong án phạt tù.

Đối với vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, người chấp hành xong án phạt tù thì mức vốn cho vay tối đa là 100 triệu đồng/người chấp hành xong án phạt tù;

Đối với cơ sở sản xuất kinh doanh, mức vốn cho vay tối đa là 02 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở sản xuất kinh doanh.

Theo Quyết định, đối tượng vay vốn bao gồm:

Một là, người chấp hành xong án phạt tù bao gồm người chấp hành xong thời hạn chấp hành án phạt tù đã được cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù quy định tại Luật Thi hành án hình sự và người được đặc xá đã được cấp giấy chứng nhận đặc xá quy định tại Luật Đặc xá;

Hai là, cơ sở sản xuất kinh doanh bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù.

Điều kiện vay vốn, người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu vay vốn; có tên trong danh sách người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, không tham gia các tệ nạn xã hội, do Công an cấp xã lập và được UBND cấp xã xác nhận theo Mẫu số 01 kèm theo Quyết định này. Thời gian kể từ khi chấp hành xong án phạt tù đến thời điểm vay vốn tối đa là 05 năm;

Đối với cơ sở sản xuất kinh doanh, được thành lập và hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật; sử dụng tối thiểu 10% tổng số lao động là người chấp hành xong án phạt tù đáp ứng các điều kiện nêu tại điểm a khoản này và ký hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật về lao động; có phương án vay vốn và được UBND cấp xã nơi thực hiện phương án xác nhận theo Mẫu số 02 kèm theo Quyết định này.

Người chấp hành xong án phạt tù và cơ sở sản xuất kinh doanh theo quy định nêu trên phải thuộc trường hợp không còn dư nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội đối với các chương trình tín dụng khác có cùng mục đích sử dụng vốn vay để đào tạo nghề và sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm theo quy định của pháp luật.

Bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

chong-khung-bo-2182023.jpg
Diễn tập chống khủng bố tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh tư liệu: baochinhphu.vn)

Nghị định 62/2023/NĐ-CP ngày 18/8/2023 của Chính phủ bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có hiệu lực từ ngày 05/10/2023.

Theo đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có nhiệm vụ tham mưu, giúp UBND, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức, chỉ đạo hoạt động phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt theo quy định của Nghị định số 81/2019/NĐ-CP ngày 11/11/2019 của Chính phủ về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Giúp UBND, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện nhiệm vụ chỉ huy, đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng ở nơi có cảng hàng không, sân bay và các công trình, trang bị, thiết bị hàng không dân dụng theo quy định của Nghị định số 92/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về an ninh hàng không.

Bãi bỏ 10 Thông tư về tuyển dụng, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức

anh-11.jpg
Từ 1/10/2023, bãi bỏ 10 Thông tư về tuyển dụng, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức

Có hiệu lực từ 1/10/2023, Thông tư 12/2023/TT-BNV của Bộ Nội vụ bãi bỏ 10 Thông tư do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

Tăng 20% một số mức thu phí trong lĩnh vực y tế

minh-hoa.jpeg

Theo Thông tư số 59/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực y tế có hiệu lực từ ngày 16/10/2023, người nộp phí trong lĩnh vực y tế là tổ chức, cá nhân được cơ quan quản lý nhà nước thực hiện các công việc thẩm định, gồm: thẩm định cấp tiếp nhận, nhập khẩu, xuất khẩu, xác nhận trong lĩnh vực chế phẩm diệt côn trùng diệt khuẩn trong gia dụng và y tế; thẩm định cấp giấy phép lưu hành, nhập khẩu, xuất khẩu, công bố trang thiết bị y tế; thẩm định hoạt động, tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề thuộc lĩnh vực y tế.

Tổ chức thu phí là Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hoặc các đơn vị thuộc Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được giao thực hiện các công việc thu phí và sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện các công việc thu phí.

Theo Thông tư, từ ngày 16/10/2023, tăng 20% một số mức thu phí trong lĩnh vực y tế. Cụ thể: Mức thu phí thẩm định cấp mới số lưu hành trang thiết bị loại C, D: tăng từ 5 triệu đồng lên 6 triệu đồng/hồ sơ.

Mức thu phí thẩm định cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đối với người bị thu hồi theo quy định tại khoản 1 Điều 29 Luật Khám bệnh, chữa bệnh: tăng từ 360.000 đồng/lần lên 430.000 đồng/lần…

Quy định đăng ký lưu hành thuốc gia công

minh-hoa-1.jpg
Ảnh minh họa.

Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư 16/2023/TT-BYT về việc đăng ký lưu hành đối với thuốc gia công, thuốc chuyển giao công nghệ tại Việt Nam. Theo đó, quy định về đăng ký lưu hành thuốc gia công như sau:

- Thuốc gia công khi đăng ký lưu hành được phân loại như sau:

+ Thuốc gia công có cùng các nội dung so với thuốc đặt gia công, bao gồm: công thức bào chế thuốc; quy trình sản xuất; tiêu chuẩn chất lượng nguyên liệu; tiêu chuẩn chất lượng thuốc thành phẩm; tên thương mại;

Trường hợp thuốc đặt gia công là thuốc đã được Bộ Y tế công bố biệt dược gốc, sinh phẩm tham chiếu và thuốc gia công có thay đổi so với thuốc đặt gia công về ít nhất một trong các tiêu chí tại điểm này (không bao gồm thay đổi tên thương mại) hoặc các thay đổi khác liên quan đến chất lượng thuốc, các thay đổi này phải được phê duyệt bởi cơ quan quản lý dược nước sản xuất hoặc cơ quan quản lý quy định tại khoản 9 Điều 2 Thông tư 08/2022/TT-BYT đã cấp phép lưu hành thuốc đó hoặc cơ sở đăng ký phải cung cấp dữ liệu chứng minh thuốc gia công tương đương về chất lượng so với thuốc đặt gia công.

+ Thuốc gia công khác không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này.

- Đối với thuốc gia công có lộ trình gia công các công đoạn sản xuất tại Việt Nam, định kỳ hằng năm kể từ ngày được cấp giấy đăng ký lưu hành, cơ sở đăng ký thuốc gia công hoặc cơ sở nhận gia công thuốc quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 Thông tư 16/2023/TT-BYT phải báo cáo tiến độ thực hiện gia công các công đoạn của quy trình sản xuất thuốc thành phẩm tại Việt Nam về Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược) theo Mẫu 04/TT Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư 16/2023/TT-BYT.

- Hiệu lực của giấy đăng ký lưu hành thuốc gia công được thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 8 Thông tư 08/2022/TT-BYT.

- Thời gian nộp hồ sơ đề nghị gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc gia công thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Thông tư 08/2022/TT-BYT.

Thông tư 16/2023/TT-BYT có hiệu lực kể từ ngày 01/10/2023.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 10/2023