Chính trị

Cần chống tham nhũng, lợi ích nhóm trong xây dựng chính sách

Quốc Huy 15/08/2023 - 12:13

Việc chấp hành nguyên tắc xây dựng pháp luật theo Luật Ban hành VBQPPL chưa nghiêm; tình trạng nợ, chậm văn bản diễn ra nhiều năm… là nội dung được nhiều đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long sáng 15/8.

Chưa khắc phục được nợ đọng văn bản

Đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh) và đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) cùng chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp câu hỏi về giải pháp và trách nhiệm của Bộ trưởng khi tình trạng nợ, chậm văn bản diễn ra nhiều năm.

huynh-sang-1692069314500.jpg
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.

 Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, việc chậm ban hành là vấn đề đã bàn từ lâu nhưng chưa dứt điểm, số lượng nợ văn bản của từng năm cũng có sự “trồi sụt” nhất định. Tình trạng chậm là điều được khẳng định, mặc dù đã cố gắng nhưng có những nghị định nợ lâu chưa xử lý được.

Bộ trưởng nêu ví dụ như Nghị định về tổ chức đại diện của người lao động và thương lượng tập thể, Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản, an ninh mạng… 

Nguyên nhân là nhiều nội dung cần yêu cầu quy định chi tiết hoặc có những luật, Nghị quyết có thời điểm thông qua và có hiệu lực ngắn nên phải thực hiện cấp tốc các nghị định, nhưng vẫn không kịp, ví dụ các Nghị quyết về thí điểm chính sách đặc thù cho các tỉnh thành phố. Nhiều khi có tâm lý làm một luật sau đó là được cái gì thì đưa vào đó, còn không thì cứ quy định rồi tính sau. Có tâm lý và thực tế như vậy, ông Long nói.

Về giải pháp khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết kỳ này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết Bộ Tư pháp trình về một số giải pháp khắc phục hạn chế trong công tác ban hành văn bản. Trong đó quy định chi tiết về kỷ luật hành chính trong soạn thảo ban hành văn bản và trách nhiệm tổ chức thi hành.

Bộ trưởng cũng cho biết, Quy định 69 về xử lý, kỷ luật tổ chức đảng đối với Đảng viên là công cụ rất mạnh, Bộ Chính trị cũng đang chỉ đạo trình quy định của Bộ Chính trị về một số giải pháp phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong công tác xây dựng văn bản. Về lâu dài, Bộ trưởng cho rằng, trong xây dựng pháp luật, cần quy định rõ nhiều vấn đề cụ thể trong luật, không nên dựa vào việc xây dựng văn bản giải thích, hướng dẫn.

Ghi nhận Bộ trưởng Lê Thành Long đã giải trình và đưa ra một số giải pháp nhằm khắc phục tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, song, sử dụng quyền tranh luận, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Thủy (Bình Định) nêu thực tế việc chấp hành nguyên tắc xây dựng pháp luật theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật vẫn chưa nghiêm.

Cụ thể, theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan trình dự án Luật phải trình kèm theo các dự thảo hướng dẫn. Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy đề nghị trong thời gian tới, Bộ trưởng cần có giải pháp cụ thể hơn để khi trình các dự án Luật phải kèm theo các dự thảo hướng dẫn thi hành.

Giải trình thêm nội dung này, Bộ trưởng Lê Thành Long chia sẻ, trong quá trình soạn thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã có tranh luận gay gắt về việc quy định trình dự án luật phải kèm theo dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành. Tuy nhiên, thực tế thực hiện rất khó khăn, nhiều ý kiến đề xuất xin thôi không thực hiện quy định này.

thanh-long-1692069314625.jpg
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.

Mặc dù đây là quy định tốt nhưng không khả thi, bởi nếu những nội dung dự thảo được trong dự thảo nghị định thì đã quy định luôn trong dự thảo Luật. Mặt khác, nếu làm nghị định như vậy là bỏ qua các bước khác trong quy trình ban hành văn bản. Trong khi đó, thực tế có một số dự thảo luật trình kèm dự thảo nghị định nhưng so với bản ban hành thì nghị định thay đổi gần như toàn bộ.

Thu hồi tài sản tham nhũng khó khăn

Liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng khó khăn do hạn chế trong giám định tư pháp, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Hà Nội) đặt câu hỏi: Thời gian qua, công tác phòng chống tham nhũng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên vẫn còn không ít vụ án chậm bị xử lý, còn nhiều tài sản tham nhũng không bị thu hồi.

Nguyên nhân chủ yếu do hoạt động giám định tư pháp còn nhiều hạn chế như: Chưa được quan tâm nên mọi nguồn lực cho hoạt động này còn nhiều hạn chế; còn tâm lý né trách, đùn đẩy; thời hạn giám định chưa hợp lý; chất lượng giám định chưa cao… Đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết giải pháp đột phá để khắc phục hạn chế trong hoạt động giám định tư pháp?

150820230944-z4604507414176_e9901f5b4bf0cdf06481f11dbfeb1e9d.jpg

Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, đây là việc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tiêu cực rất quan tâm, tiếp tục có các chỉ đạo cụ thể.

Về kinh phí, chi phí và trách nhiệm trưng cầu giám định của các giám định viên cần phải được làm rõ. Ông dẫn ví dụ một số trường hợp Bộ Tư pháp được trưng cầu giám định về đấu giá, quyền thu phí một đoạn cao tốc một số tỉnh phía Nam, đơn vị chỉ có thể có ý kiến quyết định liên quan quy trình, thủ tục, theo pháp luật về đấu giá tài sản.

Bộ trưởng khẳng định, tinh thần là cơ quan trưng cầu giám định phải đúng phạm vi, đúng thẩm quyền. Ông cũng dẫn lại phát biểu của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, nếu cá nhân, đơn vị dùng các biện pháp về mặt kỹ thuật để trì hoãn việc giám định thì sẽ phải chịu trách nhiệm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần chống tham nhũng, lợi ích nhóm trong xây dựng chính sách