Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt COVID-19: Tăng “liều” và mạnh mẽ hơn

Trang Nhi| 25/08/2021 08:21
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã và đang phát huy hiệu quả, là "liều thuốc trợ lực" kịp thời giúp cộng đồng doanh nghiệp (DN) và người dân bước đầu trụ vững trước những khó khăn do đại dịch COVID-19 mang lại. Tuy nhiên, các DN vẫn cần thêm nhiều sự hỗ trợ khác để không đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng.

Đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân

Với tinh thần đồng hành cùng DN, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.

Những chính sách này đã phần nào giảm bớt các khó khăn của DN, góp phần quan trọng duy trì tăng trưởng và phát triển kinh tế năm 2020 và những tháng đầu năm 2021.

Trong đó, nổi bật là phương án hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện đợt 4 cho một số khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch COVID-19. Thực hiện Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đã ký văn bản gửi các Sở Công Thương, Tập đoàn điện lực Việt Nam hướng dẫn thực hiện hỗ trợ giảm tiền điện cho khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 đợt 4 để chung tay cùng cả nước hỗ trợ một phần khó khăn cho nhân dân các địa phương đang phải thực hiện giãn cách xã hội.

1.png

Doanh nghiệp cần những chính sách “mạnh” hơn để vượt qua “bão” COVID-19. Ảnh: ILO

Trong 2 năm qua, nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, ngành điện đã 4 lần hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện với số tiền lên đến 16.500 tỷ đồng.

Tiếp theo là chính sách cho người sử dụng lao động vay vốn với lãi suất 0% để trả lương ngừng việc, trả lương khôi phục sản xuất theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Chính phủ. Hiện chính sách cho vay đang có hai dạng chính, đó là cho người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc cho lao động và cho vay để trả lương người lao động khi phục hồi sản xuất kinh doanh.

Hay như chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 mà Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg quy định cụ thể việc thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP, có đối tượng là hộ kinh doanh. Mức hỗ trợ là 3 triệu đồng/hộ kinh doanh, theo phương thức chi trả 1 lần. Theo nhiều hộ kinh doanh cá thể, gói hỗ trợ này tuy không lớn nhưng “một miếng khi đói, bằng một gói khi no”. Dù một số hộ được chủ nhà hỗ trợ các chi phí thuê mặt bằng, tiết giảm lao động…, nhưng các chi phí cơ bản vẫn phải duy trì để chờ hết dịch còn khôi phục sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, gói hỗ trợ tuy không lớn nhưng phần nào đã san sẻ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp (trong đó có các hộ kinh doanh) trong giai đoạn này.

Cần “tăng liều” các giải pháp hiệu quả, quyết liệt hơn nữa

Tuy nhiên, hiện tại, tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp, khiến các DN vốn đã bị tổn thương lại càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Mặc dù các gói hỗ trợ và chính sách nhanh chóng được Chính phủ đưa ra, áp dụng nhưng trên thực tế DN vẫn khó tiếp cận như các chính sách tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất 0% để trả lương cho người lao động. Hay các gói chính sách về tài khóa được triển khai khá nhanh và áp dụng ngay, song quy mô của các gói hỗ trợ còn khiêm tốn.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV đề xuất, Chính phủ chỉ đạo khẩn trương rà soát, đánh giá sơ bộ kết quả thực hiện các gói hỗ trợ đến thời điểm hiện tại và tiến hành tháo gỡ ngay những vướng mắc trong quá trình thực hiện. Các chính sách này cùng với các gói giảm phí, lệ phí khác nên được tính toán để gia hạn, ít nhất là đến khi Việt Nam đạt miễn dịch cộng đồng. Đồng thời, nên xem xét điều chỉnh ngân sách hỗ trợ từ cấu phần này sang cấu phần khác thiết thực hơn (nếu chậm thực thi giải ngân).

2.png
Cần tiếp tục xem xét, đề xuất các chính sách ân hạn, miễn, giãm, giãn, hoãn các khoản đóng góp nghĩa vụ thuế, phí cho DN cho tới khi dịch được kiểm soát hoàn toàn. Ảnh: ILO

Hay như gói hỗ trợ viễn thông, hiện được công bố có giá trị ước khoảng 10.000 tỷ đồng, nhưng chủ yếu là gia tăng quyền lợi, ưu đãi cho khách hàng, chứ không giảm trực tiếp vào giá cước, nên chỉ có tác động đến một số đối tượng nhất định (như người dùng dịch vụ trả trước, còn những ai đang dùng gói ưu đãi sẽ không có tác dụng nhiều bởi nhiều người chưa dùng hết khuyến mại…).

Do đó, theo chuyên gia Cấn Văn Lực, cách hỗ trợ tốt nhất là nên giảm giá cước 20-30% trong khoảng 3 tháng (quý 3), vì như vậy tính vào chi phí của DN và việc hỗ trợ thiết thực hơn.

Tại Hội nghị Hỗ trợ các DN tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong bối cảnh đại dịch COVID-19, lãnh đạo các doanh nghiệp đã đề nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ cơ cấu lại các khoản nợ, giảm lãi suất ngân hàng các khoản vay mới cho DN, cần phải chú ý đến những giải pháp có tính chất hạn dài hơn. Tiếp tục xem xét, đề xuất các chính sách ân hạn, miễn, giãm, giãn, hoãn các khoản đóng góp nghĩa vụ thuế, phí cho DN cho tới khi dịch được kiểm soát hoàn toàn. Chính phủ cần có giải pháp hỗ trợ DN kịp thời theo hướng làm giảm những chi phí phí vốn, vận tải, logistics, đất đai, chi phí về các thủ tục hành chính.

Chỉ khoanh vùng chặt, hẹp, không nên làm rộng; nới lỏng đi lại, đặc biệt là đối với xe chở hàng hóa của các DN phải trên tinh thần hàng hóa nào cũng là thiết yếu, chỉ trừ hàng cấm, không đặt ra các điều kiện, yêu cầu khác biệt, gây ách tắc lưu thông. Hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản, thủy sản, sản phẩm chăn nuôi của nông dân, lấy thị trường nội địa làm trọng tâm và trước mắt là hỗ trợ tiêu thụ tại chỗ...

Trong khi đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khuyến nghị cần xem xét bổ sung thêm các giải pháp thiết thực hỗ trợ cho doanh nghiệp trụ vững và vượt qua đại dịch COVID-19, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Các bộ, ngành và địa phương cần tăng cường phổ biến, tuyên truyền, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận được các gói hỗ trợ đã ban hành. Chủ động nắm bắt tình hình triển khai, đặc biệt là những vướng mắc, bất cập để điều chỉnh hoặc kiến nghị điều chỉnh kịp thời. Có cách thức hỗ trợ phù hợp đối với các doanh nghiệp ở từng ngành, lĩnh vực và từng giai đoạn. Thực hiện hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp duy trì được tỷ lệ người lao động cao, chi phí đào tạo lao động.

VCCI cũng đề nghị, cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp theo tinh thần Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19 và các chính sách khác, để các doanh nghiệp giảm bớt khó khăn về tài chính. Xem xét hỗ trợ hoặc điều chỉnh một số chi phí sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo hướng: Hỗ trợ 100% kinh phí khi doanh nghiệp tham gia thực hiện chương trình xúc tiến thương mại trong nước, chương trình về xúc tiến thương mại điện tử từ ngân sách nhà nước; điều chỉnh giảm thuế suất VAT từ 10% xuống 5% trong năm 2021…

Các DN đồng tình mong muốn Chính phủ tái thiết kế các chính sách “sống chung” với dịch, nâng cao “sức mạnh” của mỗi chính sách để tích hợp với giải pháp chống dịch đi đôi với cơ chế vận hành nền kinh tế, bảo đảm sinh kế cho người lao động, cũng như có thêm nguồn lực chống dịch.


(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NĐ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt COVID-19: Tăng “liều” và mạnh mẽ hơn