Chính phủ kiến nghị Quốc hội đưa 3 dự án cao tốc Bắc–Nam sang đầu tư công

Ngọc Mai| 09/06/2020 12:33
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng nay (9/6), trong Tờ trình trước Quốc hội, Chính phủ đã kiến nghị đưa 3 dự án cao tốc Bắc - Nam cấp bách nhất chuyển từ phương thức đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công.

Chính phủ kiến nghị Quốc hội đưa 3 dự án cao tốc Bắc–Nam sang đầu tư công

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Chuyển đổi sang đầu tư công đối với 3 dự án thành phần

Theo nội dung Tờ trình điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 của Chính phủ trình bày trước Quốc hội cho biết, thực hiện kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 45, Chính phủ đã xác định tiêu chí lựa chọn các dự án chuyển đổi sang đầu tư công, đó là các dự án không có nhà đầu tư qua sơ tuyển; dự án cấp bách, có nhu cầu vận tải cao, kết nối cửa ngõ các trung tâm kinh tế lớn của đất nước; khó có khả năng huy động vốn tín dụng và khả năng đấu thầu không thành công; đảm bảo tính kết nối liên tục để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư. 

Trên cơ sở đó, Chính phủ trình Quốc hội xem xét chuyển đổi sang đầu tư công đối với 03 dự án thành phần, gồm: Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây; 05 dự án thành phần còn lại tiếp tục đầu tư theo hình thức PPP.

Tổng mức đầu tư điều chỉnh là 100.816 tỷ đồng, trong đó: vốn NSNN khoảng 78.461 tỷ đồng (55.000 tỷ đồng đã bố trí theo Nghị quyết số 52/2017/QH14; cần bổ sung 23.461 tỷ đồng); vốn huy động ngoài ngân sách 22.355 tỷ đồng.

Theo Tờ trình của Chính phủ, việc chuyển đổi hình thức đầu tư sang đầu tư công sẽ giải quyết triệt để khó khăn về huy động vốn tín dụng, bảo đảm tiến độ hoàn thành theo Nghị quyết số 52/2017/QH14 của Quốc hội. Đồng thời giải quyết được “mục tiêu kép”, cụ thể:

Thứ nhất, đẩy nhanh tiến độ và giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ mặt cầu cho tăng trưởng GDP.

Thứ hai, đem lại hiệu quả lớn về kinh tế - xã hội, tác động lan tỏa đến nhiều ngành, lĩnh vực, địa phương và vùng kinh tế: Trước mắt, việc chuyển đổi sang đầu tư công sẽ thúc đẩy giải ngân, thúc đẩy sản xuất, cung ứng vật liệu xây dựng, giải quyết về nguồn việc, thu nhập đối với người lao động và doanh nghiệp trong nước, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Về lâu dài, việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, đưa vào khai thác các dự án là sự chuẩn bị rất tốt, điều kiện cần thiết để đón bắt thời cơ, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút nguồn lực đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội. 

Thứ ba, việc chuyển đổi sang đầu tư công sẽ bảo đảm chắc chắn triển khai thành công, tổng mức đầu tư giảm do không tính chi phí lãi vay. Nếu phát hành TPCP trong giai đoạn hiện nay để triển khai đầu tư công sẽ hiệu quả hơn do mức lãi suất thấp hơn so với lãi suất huy động vốn tín dụng. Chính phủ sẽ xây dựng phương án thu hồi vốn nhà nước để tạo nguồn thu cho ngân sách, phục vụ nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng trong các giai đoạn tiếp theo. Việc chuyển đổi sang đầu tư công sẽ sử dụng ngay toàn bộ phần diện tích mặt bằng đã bàn giao, tạo niềm tin vững chắc trong nhân dân.

Chuyển đổi nhằm đảm bảo hiệu quả, thành công của Dự án

Báo cáo Thẩm tra về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 cho biết, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án như đã nêu tại Tờ trình của Chính phủ và thống nhất chuyển đổi 03 dự án thành phần từ đầu tư theo phương thức PPP sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công và tiếp tục thực hiện đầu tư theo phương thức PPP đối với 05 dự án thành phần còn lại để nhất quán trong thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, bảo đảm tính hiệu quả, thành công cho Dự án, đồng thời tạo điều kiện tối đa cơ hội đầu tư, kinh doanh cho khu vực tư nhân, dành ngân sách nhà nước bố trí cho các nhu cầu thiết yếu, cấp bách khác.

Việc lựa chọn các dự án thành phần nêu trên cũng phù hợp khi dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết đến nay không có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển, do đó, cần thiết phải chuyển đổi.

Đối với việc lựa chọn dự án Mai Sơn - Quốc Lộ 45 và dự án Phan Thiết - Dầu Giây, mặc dù đã có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển, tuy nhiên do 02 dự án thành phần này có tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia ít, cần huy động số vốn lớn, nhất là vốn tín dụng, vì vậy việc lựa chọn được nhà đầu tư có thể gặp khó khăn.

Việc chuyển đổi 02 dự án thành phần này sang hình thức đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công sẽ bảo đảm khả năng thành công cho các dự án thành phần này; đây cũng là 02 dự án kết nối các trung tâm kinh tế lớn của đất nước là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, giải quyết được tình trạng quá tải trên tuyến Quốc lộ 1 đoạn Dầu Giây - Phan Thiết (Quốc lộ 1 có 2 làn xe).

Ngoài ra, theo dự báo, nhu cầu vận tải của 02 dự án thành phần này rất lớn, khả năng nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn nhà nước đối với 02 dự án thành phần này tính khả thi cao.

Tuy nhiên, nếu các dự án này được lựa chọn chuyển đổi thì tổng vốn ngân sách nhà nước cần bổ sung sẽ rất lớn (23.461 tỷ đồng).

Ngoài ra, cả 03 dự án thành phần nêu trên nếu được chuyển đổi sẽ thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia do sử dụng vốn đầu tư công lớn hơn 10.000 tỷ đồng , vì vậy, cần thực hiện theo quy định là dự án quan trọng quốc gia quy định tại Luật Đầu tư công.

Một số ý kiến khác đề nghị chỉ nên chuyển đổi dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết là dự án không có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển, đối với các dự án còn lại cần tiếp tục thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo đúng Nghị quyết 52.

Tại kỳ họp thứ 8, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật PPP nhằm tạo cơ chế huy động các nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng, nhưng nay lại đề xuất chuyển đổi một số dự án PPP là mâu thuẫn với mục tiêu xây dựng dự án Luật PPP, nhất là việc đề xuất nội dung này tại cùng kỳ họp xem xét thông qua dự án Luật PPP.

Mặt khác, việc lựa chọn dự án Mai Sơn - Quốc Lộ 45 và dự án Phan Thiết - Dầu Giây để chuyển đổi là chưa hợp lý vì 02 dự án này có tiềm năng, khả thi nhất để thực hiện theo hình thức PPP  và đến nay đã được một số nhà đầu tư có tiềm lực quan tâm.

Có ý kiến quan ngại việc điều chỉnh phương thức đầu tư đối với 02 dự án thành phần này sẽ ảnh hưởng tới việc thực hiện được chủ trương huy động các nguồn lực của xã hội để tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trong giai đoạn tới.

Đảm bảo công khai, minh bạch và bình đẳng cho các nhà đầu tư nếu được chuyển đổi

Về vốn đầu tư công bổ sung cho việc điều chỉnh báo cáo Thẩm tra cũng nêu rõ, đề nghị Chính phủ báo cáo dự toán đã được phê duyệt của Dự án và số vốn kết dư từ 02 dự án Cao Bồ - Mai Sơn và Cam Lộ - La Sơn để Quốc hội có cơ sở cân đối và phân bổ cho việc điều chỉnh trong trường hợp các dự án thành phần được chuyển đổi, tránh phải nợ lớn vốn đầu tư công sang kế hoạch vốn đầu tư công giai đoạn sau.

Trường hợp các dự án thành phần được cho phép chuyển đổi, đề nghị Chính phủ có các giải pháp bảo đảm công khai, minh bạch và bình đẳng cho các nhà đầu tư, do mỗi nhà đầu tư chỉ tham gia một hoặc một số dự án thành phần, nên khi dự án phải chuyển sang đầu tư công, nhà đầu tư đã qua vòng sơ tuyển của dự án đó sẽ không có cơ hội tham gia các dự án thành phần khác.

Mặc dù Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 52 cho phép các dự án thành phần được áp dụng cơ chế triển khai độc lập, nhưng đến nay đã gần hết kỳ kế hoạch 2016 - 2020 tiến độ thực hiện Dự án vẫn chậm, do đó, đề nghị Chính phủ cần khẩn trương có giải pháp quyết liệt hơn trong triển khai thực hiện Dự án. Đặc biệt, đối với các dự án thành phần nếu được chuyển đổi cần bảo đảm tiến độ triển khai theo đúng dự kiến tại Tờ trình của Chính phủ, không để lặp lại tình trạng chậm tiến độ, chất lượng không bảo đảm và tăng tổng mức đầu tư như nhiều dự án đầu tư công thời gian qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chính phủ kiến nghị Quốc hội đưa 3 dự án cao tốc Bắc–Nam sang đầu tư công